Nguyên nhân mưa lũ lịch sử ở Đức: Tại cả đôi bên

Đăng ngày: 19-07-2021 | Lượt xem: 2375
Biến đổi khí hậu có thể là tác nhân chủ đạo, song không phải là duy nhất đằng sau đợt mưa lũ lịch sử khiến ít nhất 157 người thiệt mạng tại Đức.

Đầu tiên, nguyên nhân trực tiếp gây ra cơn mưa lũ tồi tệ tại Đức là do thời tiết bất thường. Theo nhà khí tượng học Jean Jouzel, nguyên Phó Chủ tịch Ban Quản trị Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), “trong điều kiện nhiệt độ thấp, các khối hơi nước đã bị giữ ở trên cao và kẹt lại khu vực trong bốn ngày liên tiếp”, trước khi chuyển hóa thành mưa cục bộ đổ xuống nước Đức.

Cơ quan dự báo thời tiết nước này cho biết chỉ trong hai ngày 14 và 15/5, vùng Bavaria cùng miền Đông nước Đức đã ghi nhận lượng mưa 100 - 150 mm, tương đương với lượng mưa trong vòng 2 tháng. Nhà thủy văn học Kai Schroeter cho biết, châu Âu từng hứng chịu nhiều đợt mưa lũ lớn, song lượng nước khổng lồ và sự tàn phá kinh hoàng của lần này là “chưa từng thấy” trong lịch sử.

Sau trận lũ lụt lịch sử tại Đức, nhiều căn nhà tại vùng Kreuzberg (Đức) chỉ còn là đống đổ nát. (Nguồn: Reuters)

Về nguyên nhân gián tiếp, một số chính trị gia nhanh chóng khẳng định rằng biến đổi khí hậu là “thủ phạm” đằng sau trận mưa lũ này. Trong khi đó, đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) lại cáo buộc một số chính trị gia đang sử dụng sự việc này để thúc đẩy nghị trình về chống biến đổi khí hậu.

Đáp lại, ông Schroeter cho rằng còn quá sớm để khẳng định vụ việc này có liên quan tới biến đổi khí hậu, song nhấn mạnh: “Sự ấm lên lên toàn cầu khiến các sự kiện như vậy dễ xảy ra hơn.”

Theo ông, biến đổi khí hậu đồng nghĩa rằng Trái đất đang nóng lên, nước bốc hơi nhanh và ngưng tụ thành nhiều khối hơi ẩm có thể tích lớn trong khí quyển, tăng nguy cơ xảy ra mưa cục bộ.

Tuy nhiên, giới chuyên gia chỉ ra rằng quy hoạch đô thị chưa hợp lý, có nhiều công trình bê tông tại khu vực có mức độ công nghiệp hóa cao, mật độ dân số dày cũng là yếu tố không thể bỏ qua.

Theo đó, khu vực này đã đón nhận lượng mưa lớn bất thường trong nhiều tuần vừa qua, đồng nghĩa rằng mặt đất của khu vực này đã dần trở nên bão hòa và không thể hấp thu thêm lượng nước dư thừa. Các công trình bê tông càng khiến đất khó hấp thụ nước hơn, tăng nguy cơ xảy ra mưa lũ.

Biến đổi khí hậu đồng nghĩa rằng Trái đất đang nóng lên, nước bốc hơi nhanh và ngưng tụ thành nhiều khối hơi ẩm có thể tích lớn trong khí quyển, tăng nguy cơ xảy ra mưa cục bộ.

Ngoài ra, những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất từ đợt mưa lũ lịch sử vừa qua tại Đức nằm gần các dòng hay nhánh sông nhỏ, vốn không có đê, kè và nhanh chóng thất thủ trước lượng mưa lớn. Theo Thủ hiến bang Bắc Rhine-Westphalia Armin Laschet, sông Rhine thường xảy ra mưa lũ. Từ nhiều năm qua, các thành phố dọc bờ sông này đã xây dựng đê, kè kiên cố và do đó, chịu ít thiệt hại hơn.

Nhà thủy văn Kai Schroeter cho biết với các con sông lớn và có tốc độ dòng chảy thấp, mực nước sẽ tăng chậm hơn. Khi ấy, chính phủ và người dân có nhiều thời gian chuẩn bị hơn trước cơn lũ.

Cuối cùng, đó là yếu tố con người. Chính quyền nhiều địa phương tại Đức đang phải hứng chịu chỉ trích vì đã không có sự chuẩn bị khi có cảnh báo và đã phản ứng chậm, không khẩn trương sơ tán người dân. Nhà thủy văn học, Giáo sư Hannah Cloke của Đại học Reading (Anh) cho biết: “Các nhà khí tượng đã cảnh báo từ sớm, song chúng đã không được đón nhận nghiêm túc.”

Nhiều người không hiểu rõ được sự nguy hiểm từ những cơn lũ như vậy. Lực lượng cứu hộ đã tìm thấy hàng chục thi thể trong các căn hầm, vốn không được thiết kể để tránh lũ. Ông Armin Schuster, Giám đốc BBK, cơ quan chuyên trách về thiên tai tại Đức, nhận định: “một số nạn nhân đã đánh giá thấp mức độ nguy hiểm và không tuân thủ nguyên tắc cơ bản khi xảy ra mưa lớn. Đầu tiên, tránh ẩn nấp tại các hầm chứa mà nước có thể xâm nhập. Thứ hai, ngay lập tức tắt cầu dao điện”.

Theo BaoQuocte.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: