Nghịch lý nhà kính, nhà lưới phát triển ồ ạt: Thu nhập tăng cao, môi trường bị ảnh hưởng

Đăng ngày: 27-09-2018 | Lượt xem: 1087
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định: Đà Lạt là thành phố đứng đầu cả nước về ứng dụng NNCNC. Tuy nhiên tình trạng nhà kính, nhà lưới phát triển ồ ạt đã dẫn đến...

Hiệu quả kinh tế mang lại cho người dân Đà Lạt từ việc đẩy mạnh NNCNC là điều không còn gì phải bàn cãi. Nếu nông dân ở những vùng khác chỉ thu nhập mỗi năm khoảng 60 triệu đồng/ha thì với Đà Lạt đạt trung bình 320 triệu đồng/ha, lợi nhuận trên 40% doanh thu. Đặc biệt, những hộ thu nhập từ 1 đến vài tỷ đồng/ha là dễ tìm thấy.

Theo định hướng của tỉnh Lâm Đồng, đến năm 2020, diện tích canh tác rau khoảng 20.000ha, trong đó 75% diện tích ứng dụng CNC; diện tích canh tác hoa khoảng 2.800ha, trong đó 90% diện tích ứng dụng CNC.

12 04 08 bi 2 h1

Những mảng xanh Đà Lạt đang dần biến mất, thay thế là màu trắng của nhà kính

Theo ông Phạm S, quan điểm của tỉnh là chú trọng phát triển nền nông nghiệp gắn với ứng dụng CNC tạo thu nhập cao cho người dân. Tuy nhiên, không đánh đổi cảnh quan sinh thái để phát triển diện tích nhà kính, nhà lưới. Tỉnh đã ghi nhận những vấn đề liên quan đến nhà kính và đang thực hiện nghiên cứu những tác động của nhà kính đến môi trường Đà Lạt để có thể có những giải pháp xử lý. Trước mắt, tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng và Sở NN-PTNT đưa ra quy cách nhà kính phù hợp với địa phương.

"Về phía TP Đà Lạt, chúng tôi yêu cầu địa phương tuyên truyền với người dân về việc hạn chế sử dụng nhà kính trồng trọt nếu không cần thiết. Bên cạnh đó nghiên cứu các loại cây trồng nên và không nên dùng nhà kính để người dân áp dụng. Điều này không chỉ tăng hiệu quả sản xuất, giảm diện tích nhà kính mà còn tiết kiệm. Cơ bản là hình thành khung pháp lý để quản lý hợp lý loại hình canh tác áp dụng nhà kính”, ông Phạm S nhấn mạnh.

12 04 08 bi 2 h2

Cần bù lại mảng xanh bằng lựa chọn một số cây trồng không cần đến nhà kính

Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng cho rằng: Để hạn chế những tác động của nhà kính thì việc chú trọng tạo lại cảnh quan cây xanh là điều rất cần được quan tâm. Chỉ tính riêng Đà Lạt, vùng chuyên canh rau và hoa rộng gần 2.000 ha đã có đến 60% diện tích được sản xuất trong nhà kính. Không có không gian để trồng cây xanh, cây chắn gió khiến cảnh quan mất cân bằng và đơn điệu.

"Trong tương lai, các diện tích đất sản xuất ngoài trời còn lại nông dân cũng sẽ sớm chuyển sang xây dựng và canh tác trong nhà kính. Chính vì thế, các ngành chức năng của tỉnh nên sớm ban hành quy định, chế tài trong việc SX trong nhà kính. Chẳng hạn, trên một đơn vị diện tích thì có tỷ lệ bao nhiêu được phép xây dựng nhà kính, bao nhiêu diện tích phải xây dựng cảnh quan, đặc biệt là trồng cây xanh. Ngoài ra, việc quy hoạch, xây dựng lại hệ thống tưới tiêu cũng phải được thực hiện ngay", ông Hưng kiến nghị.

“Cần sớm có quy định quản lý nhà kính từ quy cách đến những loại rau, hoa được phép áp dụng. Đồng thời, giãn dần hoạt động canh tác nông nghiệp dùng nhà kính đến những nơi yếu tố bảo tồn cảnh quan, hệ sinh thái ít quan trọng hơn Đà Lạt. Và chỉ áp dụng với những loại rau, hoa có giá trị kinh tế rất cao”, TS Vũ Ngọc Long.

TS Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam nhấn mạnh: Khái niệm CNC đã bị đánh đồng với nhà kính và những công nghệ đi kèm nhà kính (vật liệu mới).

Trong khi CNC còn những yếu tố như công nghệ giống, công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ tự động, chăn nuôi và đồng cỏ, phát triển bền vững dựa trên canh tác hữu cơ… Vì bị hiểu sai nên nhà nhà làm nhà kính cho rau, hoa để tăng sinh khối và năng suất.

Nhà kính thực chất là phương thức canh tác cuối cùng được áp dụng để chống chọi với môi trường quá khắc nghiệt.

"Ở Israel, các nước châu Âu, Mỹ, Thái Lan… cũng ứng dụng nhà kính nhưng chỉ áp dụng ở những nơi việc bảo tồn cảnh quan không phải là vấn đề quan trọng.

Tuy nhiên, người làm nông nghiệp ở ta đã chọn nhà kính mà bỏ qua tất cả các yếu tố liên quan.

Đà Lạt là nơi canh tác rau ngoài trời cực tốt, tại sao phải mang rau vô trong lồng kính? Nghịch lý là chúng ta đã bỏ đi sự ưu đãi của khí hậu để áp dụng những điều mà nơi khác cũng làm được, hậu quả là gây hậu quả khôn lường và tốn kém", TS Long chia sẻ.

Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng: “Sở dĩ những năm gần đây, Đà Lạt thường xuyên xuất hiện ngập úng và lũ lụt là do hệ thống tiêu nước chưa được quy hoạch và xây dựng cho phù hợp với điều kiện sản xuất mới. Những vùng nào sản xuất trong nhà kính, ứng dụng CNC thì hệ thống gom nước phải được xây dựng có tính toán cụ thể”.

 

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: