Nâng tầm kiểm soát, ứng phó biến đổi khí hậu

Đăng ngày: 08-11-2018 | Lượt xem: 794
(TN&MT) - Nghị quyết 24-NQ/TW sau khi ban hành đã được triển khai sâu rộng từ Trung ương đến địa phương. Các chủ trương, chính sách của Nghị quyết đã được thể chế hóa, đặc biệt, vai trò...

Theo đơn đặt hàng từ Bộ KH&CN, các đơn vị, tổ chức, chuyện gia nghiên cứu KH&CN đã xác định nhiệm vụ trọng tâm với hàng loạt các đề tài nghiên cứu cụ thể, có tính ứng dụng thực tiễn cao.

Cụ thể, trong nghiên cứu đánh giá sự biến đổi môi trường sau thiên tai lũ quét khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam, các đơn vị nghiên cứu đã thiết lập được các bản đồ phân vùng dự báo lũ quét và biến đổi môi trường sau lũ quét, xây dựng các mô hình tổ chức, quản lý và khôi phục môi trường sau lũ quét tại các khu vực trọng điểm vùng núi phía bắc, trong đó, có Điện Biên Phủ, Sa Pa; triển khai nghiên cứu đánh giá các tác động tích cực, những tồn tại, đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả về kinh tế - xã hội và môi trường của hệ thống công trình kiểm soát lũ vùng Tứ Giác Long Xuyên thông qua việc điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng của hệ thống công trình kiểm soát lũ; lựa chọn, đề xuất bộ tiêu chí đánh giá (dựa trên phát triển bền vững và quản lý tổng hợp tài nguyên nước), phát triển bộ công cụ tính toán đánh giá tác động của hệ thống công trình kiểm soát lũ tới chế độ thủy văn, thủy lực, dòng chảy và môi trường cho khu vực nghiên cứu và các vùng lân cận trong điều kiện hiện tại, có xét tới tái cơ cấu, sản xuất vụ 3, nước biển dâng, đặc biệt là trong điều kiện các nước thượng nguồn xây dựng hàng loạt công trình trên dòng chính sông Mê kông. 

ứng phó bđkh

Hệ thống quan trắc, cảnh báo lũ đảm bảo an toàn cho hồ chứa nước. Ảnh: MH

Thông qua các mô hình cụ thể, các nhà khoa học đã xây dựng quy trình công nghệ dự báo, cảnh báo bão hạn 5 ngày với độ chính xác đạt trình độ khu vực. Quy trình công nghệ dự báo bão hạn 5 ngày đã được ứng dụng cho các trận bão xảy ra trong quá khứ và đã được điều chỉnh, nâng cao độ chính xác khi dự báo các trận bão xảy ra vào cuối năm 2013 và 2 trận bão xảy ra năm 2014. Sản phẩm chính của đề tài đã được chuyển giao cho Đài khí tượng Đông Bắc, Phòng Khí tượng Bộ Tư lệnh Hải Quân, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương. Đây cũng là lần đầu tiên sử dụng bộ chỉ tiêu phân cấp hạn khí tượng và các bộ mô hình thống kê để dự báo hạn khí tượng cho Việt Nam với thời hạn đến 3 tháng. Cũng nhờ kết quả từ công trình này, đã xây dựng được trang web, cung cấp kết quả dự báo hạn khí tượng với thời hạn 3 tháng cho các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán trên phạm vi cả nước.

Đặc biệt, đối với các nhóm nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong dự báo và phòng tránh thiên tai phục vụ các nhu cầu của địa phương, các nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đóng góp thiết thực cho công tác phòng tránh thiên tai và điều chỉnh quy hoạch tổng thể của các địa phương.

Trong nghiên cứu các giải pháp giảm thiểu tác động bất lợi khi vận hành hồ chứa thượng nguồn đến vùng hợp lưu các sông Thao, sông Đà, sông Lô, các đơn vị nghiên cứu đã thu thập được khá đầy đủ tài liệu động lực học, diễn biến lòng dẫn và các tài liệu cơ bản liên quan tới đoạn sông nghiên cứu qua các thời kỳ. Xây dựng được phần mềm tích hợp cơ sở dữ liệu, kết quả nghiên cứu, đồng thời, đã đánh giá được hiện trạng, xác định rõ nguyên nhân gây tác động bất lợi khi vận hành hồ chứa thượng nguồn tới vùng hợp lưu. Đã tiến hành nghiên cứu trên mô hình vật lý để định lượng sự biến đổi chế độ động lực, lòng dẫn... ứng với các kịch bản vận hành hồ chứa thượng nguồn, đồng thời kiểm chứng hiệu quả của các phương án chỉnh trị, giảm thiểu tác động bất lợi cho khu vực hợp lưu các sông Thao, sông Đà và sông Lô. Trên cơ sở đó, đã đề xuất phương án qui hoạch chỉnh trị ổn định lòng dẫn vùng hợp lưu sông Thao, sông Đà, sông Lô, sông Hồng đảm bảo an toàn đê điều, bảo vệ khu dân cư ngoài đê sông, ổn đinh đất canh tác nông nghiệp, ổn định tuyến vận tải đường thuỷ.

Đối với các vùng trọng điểm về thiên tai như miền Trung, Bộ KH&CN đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức nghiên cứu đánh giá tác động của các công trình thủy lợi, thủy điện, giao thông, cơ sở hạ tầng đến lũ lụt và đề xuất các giải pháp hiệu quả, khả thi để phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại. Qua đó, đã xác định được các đặc trưng cơ bản của dòng chảy lũ và nguyên nhân hình thành lũ trên các lưu vực sông miền Trung. Đánh giá được tác động của các công trình thủy lợi, thủy điện, giao thông và cơ sở hạ tầng đến khả năng tiêu thoát lũ khu vực miền Trung, trên cở sở đó đề xuất một số giải pháp công trình, phi công trình nhằm chuyển lũ, chậm lũ, giảm bớt cao trình đỉnh lũ, hạn chế thiệt hại do lũ gây ra cho khu vực miền Trung.

Bộ KH&CN đã phê duyệt triển khai nhiệm vụ nghiên cứu địa động lực hiện đại, đứt gãy hoạt động và tai biến tự nhiên có liên quan (động đất, trượt lở, nứt sụt đất) ở các lưu vực sông Cả - Rào Nậy, đề xuất các biện pháp ứng phó giảm nhẹ thiên tai phục vụ quy hoạch xây dựng các công trình trên khu vực. Kết quả nổi bật là đã cung cấp những thông tin hỗ trợ cho các nhà quản lý trong quy hoạch hợp lý nhằm giảm thiểu thiệt hại do tai biến động đất - sóng thần gây ra. Cảnh báo cho cộng đồng dân cư có các giải pháp chủ động tích cực trong xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế. Sơ đồ tai biến động đất trực tiếp phục vụ quy hoạch vùng kinh tế, dân sinh, quốc phòng, là tài liệu quan trọng trong nghiên cứu vi phân vùng động đất và kháng chấn công trình và nhà.

Giải pháp phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại của tai biến tự nhiên là tài liệu quan trọng phục vụ việc điều hành an toàn các nhà máy thủy điện, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về tai biến tự nhiên, bảo vệ môi trường. Các nghiên cứu đã được Ban Quản lý Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 sử dụng phục vụ vận hành an toàn nhà máy. Đây là những kết quả nghiên cứu quan trọng xuất phát từ thực tiễn và kết quả của nó không chỉ mang ý nghĩa quan trọng trong việc phòng chống thiên tai, ứng phó BĐKH mà còn khẳng định năng lực nghiên cứu, phát triển KH&CN của giới chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam.

Nguồn: Báo TN&MT

 
 
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: