Nắng nóng kỷ lục ở nhiều quốc gia: Hệ quả từ biến đổi khí hậu

Đăng ngày: 13-07-2021 | Lượt xem: 3612
Các quốc gia Bắc Âu vừa phải hứng chịu đợt nắng nóng bất thường, khi khu vực Lapland (Phần Lan) ghi nhận ngày nóng nhất kể từ năm 1914. Cùng với đó, nhiều khu vực khác trên thế giới cũng đang trải qua những đợt nắng nóng gay gắt. Đây là hệ quả từ biến đối khí hậu gia tăng trong thời gian qua gây nên tình trạng hạn hán, dẫn tới sa mạc hóa nhiều khu vực trên Trái Đất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe của con người.

Nhiệt độ tăng cao bất thường đã gây ra trận cháy rừng ở thị trấn Lytton, British Columbia, Canada vào cuối tháng 6 vừa qua.

Những ngày đầu tháng 7, các nước Bắc Âu đã trải qua đợt nắng nóng bất thường, nhiệt độ tại một số khu vực cao gần mức kỷ lục, tới 34 độ C. Viện Khí tượng quốc gia Phần Lan thông báo nước này vừa trải qua tháng 6 nóng nhất trong lịch sử kể từ khi dữ liệu về nhiệt độ được ghi nhận từ năm 1844. Nhiệt độ tại Kevo, khu bảo tồn tự nhiên nằm ở cực Bắc của Phần Lan trong ngày 4-7 ở mức 33,4 độ C - là mức cao nhất kể từ năm 1914. Năm đó, nhiệt độ tại đây lên tới 34,7 độ C.

Không chỉ Bắc Âu, nhiều khu vực khác trên thế giới cũng đang trải qua những ngày hè “đổ lửa”. Nhiều bang của Mỹ và Canada đã chứng kiến những cơn sóng nhiệt phá vỡ kỷ lục và các vụ cháy rừng trên diện rộng đã tàn phá một số khu vực ở Bắc Mỹ. Theo bà Kate Brown, Thống đốc bang Oregon (Mỹ), chỉ tính riêng ở bang này, đợt nắng nóng kinh hoàng đã làm 95 người thiệt mạng. Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ đã phát đi cảnh báo về đợt nắng nóng tại khắp các bang miền Tây với dự báo đợt nắng nóng kéo dài đến tối 12-7 (giờ địa phương) với nhiệt độ tại nhiều địa phương có thể lên tới 40 độ C.

Trong khi đó, thị trấn Lytton thuộc tỉnh British Columbia (Canada) ghi nhận nhiệt độ lên tới 49,5 độ C - mức cao chưa từng có trong lịch sử nước này khiến hàng trăm người tử vong. Cơ quan Giám sát khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu nhận định, tháng 6 nóng kỷ lục ở Bắc Mỹ phản ánh các tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu. Trong một công trình nghiên cứu, tổ chức Liên minh Thời tiết thế giới (WWA) cho rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu do khí thải nhà kính sinh ra trong các hoạt động của con người đã làm tăng ít nhất 150 lần khả năng xảy ra nắng nóng ở Mỹ và Canada.

Ngày 21-6 vừa qua được ghi nhận là ngày tháng 6 nóng nhất tại Mátxcơva, Nga kể từ năm 1901 với nhiệt độ lên đến 34,7 độ C. Các chuyên gia tại Trung tâm Khí tượng Phobos ở Mátxcơva cho biết sự gia tăng nhiệt độ trên là điều chưa từng có suốt 120 năm qua. Nhiệt độ tăng cao gây ra nhiều thảm họa lũ lụt và cháy rừng, ảnh hưởng đến các vùng cực Bắc của Nga với mức độ ngày càng thường xuyên hơn trong thời gian gần đây. Nắng nóng cũng góp phần làm tan chảy lớp băng vĩnh cửu, vốn bao phủ khoảng 2/3 phần lãnh thổ rộng lớn của nước này. Khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên cùng với tình trạng biến đổi khí hậu, các đợt nắng nóng được dự báo sẽ trở nên dữ dội hơn.

Rõ ràng, biến đổi khí hậu đã gây tác động mạnh mẽ tới môi trường và con người. Cho đến nay, nắng nóng là hiện tượng thời tiết cực đoan gây tử vong cao nhất. Các đợt nắng nóng kéo dài khiến đất đai khô cằn, gây ra tình trạng khan hiếm nước sạch, cháy rừng lan rộng mất kiểm soát, bão bụi và lũ quét. Ở nhiều nơi trên thế giới, việc thiếu hụt nguồn nước sạch dẫn tới bệnh dịch nghiêm trọng.

Trước thực trạng này nhiều nước đang kỳ vọng Thỏa thuận Paris sẽ tìm cách giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này ở mức dưới 2°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Tháng 11 năm nay dự kiến sẽ diễn ra các cuộc đàm phán quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), sự kiện được nhiều người mô tả là “cơ hội đột phá” để ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng lớn trên toàn cầu.

Theo Hà Nội mới

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: