Hậu Giang: Triển khai các giải pháp phát triển bền vững thích ứng với BĐKH

Đăng ngày: 27-03-2019 | Lượt xem: 1112
(TN&MT) - Từ năm 2018 đến nay, tỉnh Hậu Giang đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp để phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) theo Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH (Nghị quyết số 120/NQ-CP) đã đề ra.
HAU
Nhiều diện tích đất trồng lúa ở Hậu Giang đã được chuyển sang trồng các loại cây khác để thích ứng với BĐKH.

Trong đó, đến nay hầu hết các sở, ngành, đoàn thể, địa phương đã triển khai thực hiện nội dung của Kế hoạch số 2978 ngày 19/7/2018 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Đồng thời, các sở, ngành, địa phương cũng tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền về sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và thích ứng với BĐKH.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, nhằm triển khai có hiệu quả việc phát triển bền vững thích ứng với BĐKH, Hậu Giang đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, như: Xây dựng bản đồ số xâm nhập mặn tỉnh Hậu Giang; khảo sát, đánh giá chế độ thủy văn, địa hình đáy, địa chất ven sông, kênh chính trên địa bàn tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu và mô hình cảnh báo sạt lở giai đoạn 2018 - 2025.

Đồng thời, tỉnh Hậu Giang cũng đã mở rộng, nâng cấp mạng lưới quan trắc không khí, nước mặt tự động liên tục trên địa bàn tỉnh; bố trí ổn định dân cư với mục tiêu sắp xếp, ổn định nơi ở, tạo điều kiện sinh sống tốt hơn cho hơn 9.900 hộ dân, với 42.865 nhân khẩu, trong đó có gần 9.800 hộ thuộc khu vực sạt lở, có nguy cơ sạt lở và 120 hộ sống trong khu rừng đặc dụng ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.

Bên cạnh đó, tỉnh Hậu Giang cũng đề xuất và thực hiện Dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt tại huyện Vị Thủy với tổng mức đầu tư gần 165 tỉ đồng. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị có liên quan đang thực hiện thiết kế và sẽ tranh thủ hoàn thành sớm Dự án hồ chứa nước ngọt để chủ động cung cấp nguồn nước ngọt cho người dân trên địa bàn trong bối cảnh BĐKH đang diễn ra ngày một gay gắt.

Trong lĩnh lực nông nghiệp, tỉnh Hậu Giang cũng đang thực hiện nhiều dự án thiết thực giúp nông dân thích nghi với BĐKH. Trong đó, đáng chú ý là đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2014 - 2016, định hướng đến 2020; dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh Hậu Giang.

Hay dự án xây dựng mô hình tiêu - tràm hiệu quả và bền vững tại 3 địa phương: TP. Vị Thanh, huyện Vị Thủy và huyện Long Mỹ. Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang cũng hỗ trợ nông dân thực hiện một số mô hình hiệu quả như: nuôi vịt biển thương phẩm thích ứng với môi trường BĐKH, canh tác bưởi sử dụng tưới phun hoặc nhỏ giọt...

Trong bối cảnh BĐKH ngày càng tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp, do đó tỉnh Hậu Giang cũng rất quan tâm đến việc đổi mới đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu lao động kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông, tận dụng các giải pháp khoa học, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, những kinh nghiệm ứng dụng phù hợp công nghệ mới trên nền tảng công nghệ 4.0 theo mô hình kinh tế xanh, để tạo sinh kế bền vững cho nông dân tỉnh Hậu Giang...

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: