Hải Dương đánh giá tác động của BĐKH bằng bản đồ Atlas

Đăng ngày: 16-08-2021 | Lượt xem: 2394
Tỉnh Hải Dương đã triển khai Đề tài “Xây dựng Atlas đánh giá tác động biến đổi khí hậu năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về sự biến đổi khí hậu phục vụ cho công tác quy hoạch phát triển các ngành kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo đó, sản phẩm chính của Đề tài là thông qua bản đồ của 15 Atlas điện tử để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu như: đánh giá yếu tố dễ bị tổn thương; các biểu hiện của biến đổi khí hậu thông qua chuỗi tài liệu quan trắc nhiệt độ, lượng mưa hơn 50 năm (1961 - 2018) và các tài liệu thống kê một số hiện tượng khí hậu cực đoan khác... Đặc biệt là mức độ tác động của biến đổi khí hậu đến một số ngành, lĩnh vực của tỉnh.

15 bản đồ Atlas đánh giá tác động của biến đổi khí hậu của tỉnh Hải Dương được các chuyên gia, nhà khoa học phân tích trên cơ sở tham chiếu theo kịch bản RCP 4.5 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong các Atlas này, các tác động hầu hết có liên quan đến vấn đề bị ảnh hưởng bởi ngập lụt. Riêng tác động đến nhu cầu sử dụng năng lượng liên quan đến vấn đề nhiệt độ gia tăng, dẫn đến nhu cầu sử dụng năng lượng tăng theo.

Từ kết quả nghiên cứu, đề tài đã đề xuất một số giải pháp ứng phó, nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, đô thị, sinh kế... Trong đó đề xuất chủ động lên phương án phòng chống lụt bão; xây dựng sơ đồ cảnh báo phòng, chống thiên tai; xây dựng kế hoạch di dân khỏi các khu vực có độ nguy hiểm cao; xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ người dân khi xảy ra thiên tai…Với hệ sinh thái nhạy cảm: Di chuyển dân khỏi các vùng có nguy cơ cao khi xảy ra thiên tai. Đồng thời chú trọng xây dựng và cải tạo các hồ chứa hiện có nhằm lưu trữ nước thô nhiều hơn có giá trị nâng cao lưu lượng trong mùa khô để đáp ứng nhu cầu, duy trì lưu lượng môi trường, tránh ô nhiễm và các sự cố nhiễm mặn cao điểm, tối ưu hóa chất lượng nước…

Tạp chí KTTV tổng hợp

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: