Đồng bằng sông cửu long: Đối diện với sụt lún

Đăng ngày: 28-02-2020 | Lượt xem: 5501
Mùa khô năm nay diễn ra sớm và kéo dài, trong khi cảnh báo của ngành chức năng và chuyên gia, khô hạn sẽ khiến cho vùng ĐBSCL bị sụt lún ngày càng nhiều và nặng nề hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, để giảm thiểu tình trạng này cần phải “thuận thiên”. Tức là hiểu và tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo để phải trả giá đắt…

Tuyến lộ xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) bị sụt lún. Ảnh: Quốc Trung.

Sụt lún ngày càng nghiêm trọng

Hàng chục năm qua, người dân vùng ĐBSCL không ai sợ chuyện nước nhiều hay nước ít. Nhiều năm trước vùng đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp mùa nước nổi có thể ngập sâu đến 4 đến 5 mét, người dân vẫn sống tốt, họ lại tạo ra giống lúa mùa trồng nước nổi, mặc dù năng suất thấp, nhưng đây không phải vụ chính bù lại họ lại có thêm nguồn thu nhập từ thu hoạch tôm cá, ăn không hết còn làm ra mắm, nước mắm, bột cá, phân bón...

Những vùng có lằn ranh chung giữa mặn và ngọt như bán đảo Cà Mau, thì hàng trăm năm qua thời tiết vẫn thuận lợi, khi mùa khô đến, người dân đưa nước mặn vào ruộng, vừa để “ém phèn” lại nuôi tôm cua; khi mùa mưa đến, đưa nước ngọt vào để rửa mặn trồng lúa hay trồng màu.

Thế nhưng, ở bán đảo Cà Mau thời gian gần đây tình trạng sụt lún đất diễn ra rất phức tạp, từ đầu mùa khô đến nay tần suất sụt lún diễn ra ngày càng nhiều, toàn tỉnh đã xảy ra trên gần 1.000 vụ sụt lún, sạt lở đất. Trong đó, có những vị trí sụt lún, sạt lở gây thiệt hại nghiêm trọng các tuyến đường huyết mạch của tỉnh.

Đáng chú ý liên tiếp các ngày 18/2 và 23/2, tại tuyến đê Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây) hướng về cống Kênh Mới (xã Khánh Hải) thuộc địa phận huyện Trần Văn Thời đã xảy ra sụt lún nghiêm trọng, chiều dài mặt đê gần 200m, độ sâu từ 1,8-2m, khoan đào cách chân đê khoảng 18m. Các ngày 30/1 và 6/2, tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc cũng xảy ra 2 vụ sụt lún gây hư hỏng nặng tuyến đường BT có tổng vốn đầu tư trên 700 tỉ đồng. Đây là tuyến đường quan trọng phục vụ công tác cứu hộ đê biển Tây, phòng chống cháy rừng Vườn Quốc gia U Minh Hạ kết hợp bảo vệ quốc phòng, an ninh vùng biển, đảo...

Theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về sinh thái ĐBSCL, trong 25 năm (1991-2015), việc khai thác nước ngầm quá mức ở vùng này đã gây ra sự sụt lún đất trung bình cho toàn đồng bằng là 18cm. Có những điểm sụt lún trên 30 cm. Tốc độ sụt lún cũng đang gia tăng nhanh, trung bình 1,1 cm/năm; có nơi lên đến 2,5 cm/năm, nhanh gấp nhiều lần so với nước biển dâng. Các thành phố và vùng sản xuất công nghiệp có tốc độ sụt lún nhanh hơn so với vùng nông thôn.

Ngành chức năng cảnh báo mùa khô năm nay sẽ còn kéo dài đến đầu tháng 6 tới, các địa phương ở khu vực ĐBSCL có tốc độ sạt lở cao cần sớm có giải pháp trước mắt giảm thiệt hại cho người dân và hoạt động chung.

Những thử nghiệm ban đầu

Ông Nguyễn Minh Khuyến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết: Ở ĐBSCL những vùng khai thác nước ngầm nhiều trùng với vùng bị lún nhiều. Do vậy, cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu, đánh giá toàn diện và chi tiết đối với từng khu vực để có giải pháp ứng phó phù hợp.

Ứng phó với tình hình này, ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, UBND tỉnh đã đề xuất đưa nước mặn vào một số tuyến kênh để hạn chế thiệt hại do sụt lún đất. Ngành chức năng địa phương đã lấy ý kiến người dân, tham khảo nhiều chuyên gia và đánh giá rất kỹ để đưa ra phương án này. Cụ thể, tại đoạn sụt lún nghiêm trọng đê phòng hộ Đá Bạc - Kênh Mới sẽ đưa một lượng nước mặn vào để đất không còn co ngót và tạo lực phản áp lại nhằm ngăn chặn sụt lún tiếp.

Tuy nhiên đề xuất này của Cà Mau đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Nói về điều này TS Dương Văn Ni cho rằng: Khi đã đưa nước mặn vào thì việc rửa mặn sẽ rất khó, vì ngày xưa khi đất để ướt nhưng bên trong đất hữu cơ vẫn còn tầng ngầm vẫn giữ được nước ngọt. Trong khi hiện nay đất bị thiếu nước ngọt, lại kéo dài sẽ bị khô rỗng, nếu mà cho nước mặn vào thì nước mặn sẽ thấm vào, vùng đó sẽ trở thành nước mặn vĩnh viễn. Nếu muốn cải tạo lại nước ngọt phải ít nhất 4 đến 5 năm sau mới cải tạo được.

Đồng bằng sông cửu long: Đối diện với sụt lún - 1

Sạt lở nghiêm trọng khiến nhiều địa phương lo lắng.

“Thuận thiên” để giảm sụt lún và thiệt hại 

Trước tình trạng sụt lún xảy ra liên tục ở một số tỉnh trong vùng, đặc biệt là Cà Mau, khiến cho các địa phương lúng túng trong việc thực hiện giải pháp giảm thiểu. Các chuyên gia cho rằng để giảm thiểu tình trạng sụt lún cần hạn chế đầu tư các công trình và thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết 120 của Chính phủ.

ThS Nguyễn Hữu Thiện cũng chỉ rõ, giữa hai vấn đề làm cho ĐBSCL chìm nhanh là nước biển dâng và sụt lún đất do khai thác nước ngầm thì sụt lún đất đáng lo hơn và cần ưu tiên giải quyết ngay vì tốc độ nước biển dâng chỉ khoảng 3 mm/năm, trong khi sụt lún của đồng bằng đang gấp 3 đến 4 lần và có nơi 10 lần như thế. Để giải quyết vấn đề sụt lún thì ĐBSCL cần phải gấp rút giảm ngay sử dụng nước ngầm. Tuy nhiên, giảm việc sử dụng nước ngầm thì phải có nguồn nước khác thay thế. Đối với vùng ven biển nên thuận theo tự nhiên chuyển sang canh tác mặn và làm hệ thống công trình trữ nước, cấp nước cho sinh hoạt. Đối với vùng nội địa cần phục hồi lại sông ngòi để có thể sử dụng được như cách đây chỉ vài chục năm, trước khi thâm canh nông nghiệp với lượng lớn phân bón thuốc trừ sâu và nhiều công trình ngăn sông làm tích tụ ô nhiễm.

Theo tinh thần Nghị quyết 120, cây lúa không phải ưu tiên hàng đầu nữa mà ưu tiên thủy sản, cây trồng khác rồi mới tới lúa và xem nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên. Do đó, nếu chuyển đổi canh tác theo hướng này thì nên giảm bớt việc ngăn sông ngòi bằng công trình, để sông ngòi thông thoáng hơn thì mới giảm được ô nhiễm.

ThS Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh thêm: “Nghị quyết 120 của Chính phủ kêu gọi theo tinh thần “thuận thiên”. Thuận thiên không có nghĩa là không làm gì, là phó mặc cho trời đất. Thuận thiên là phải hiểu và tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào quy luật tự nhiên để phải trả giá đắt”.

Ông Laurent Umans - Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam - chia sẻ về giải pháp về tình trạng sụt lún của vùng ĐBSCL: Vấn đề cốt lõi của ĐBSCL cũng như TPHCM trong ứng phó với sụt lún và những hệ luỵ của nó là “xem những thử thách là cơ hội”. Như tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ đó là phát triển thuận theo quy luật tự nhiên, chuyển đổi cây trồng, con giống để tạo giá trị lớn hơn thay vì cố gắng làm trái với tự nhiên.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Dương Văn Ni: Việc Cà Mau cho nước mặn hay nước ngọt vào cần phải tính toán kỹ, trước tình hình thực tế khô hạn như hiện nay, liệu có nguồn nước ngọt nào để bổ sung không, trên thực tế là không. “Tôi đã từng nói rất nhiều, vấn đề đặt ra cho bán đảo Cà Mau không phải là ngọt hay mặn mà là việc thiếu đa dạng cây trồng vật nuôi. Có thời gian quá dài chúng ta chỉ chăm bẵm cho cây lúa, và thực hiện nhiều giải pháp công trình để phục vụ cho cây lúa, trong khi cây này chỉ sống được ở nước ngọt” – ông Ni nhấn mạnh.

PGS.TS Lê Anh Tuấn (Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ) cho biết: Trước mắt, ngưng xây dựng thêm công trình ở các khu vực này. Về lâu dài, nên có những hợp tác với các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu sâu về địa chất thủy văn, địa chất công trình, dùng các thiết bị thăm dò (như thiết bị phát sóng rađa xuyên đất) để phát hiện trước lớp đất trũng. Áp dụng giải pháp bổ cập nhân tạo nước dưới đất vào mùa mưa để giảm nguy cơ hạ thấp mực nước ngầm. Kiểm soát và hạn chế khai thác nước ngầm song song với việc mở rộng các tuyến ống hoặc kênh dẫn đưa nước ngọt từ vùng tứ giác Long Xuyên và sông Hậu về bán đảo Cà Mau...

Theo daidoanket.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: