Diện tích sông băng Iceland giảm 750 km2 trong 20 năm

Đăng ngày: 03-06-2021 | Lượt xem: 2141
Biến đổi khí hậu khiến các sông băng tan chảy với tộc độ ngày càng nhanh, góp phần khiến mực nước biển dâng cao.

Các sông băng Iceland mất khoảng 750 km2 hay 7% diện tích bề mặt do ấm lên toàn cầu trong thời gian ngắn, theo nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí khoa học Jokull hôm 31/5. Tính đến năm 2019, diện tích sông băng là 10.400 km2.

Sông băng che phủ hơn 10% diện tích đất của Iceland. Tuy nhiên, từ năm 1890, diện tích đất được sông băng che phủ giảm gần 2.200 km2, tương đương 18%. Khoảng 1/3 lượng sụt giảm này diễn ra ra từ năm 2000, theo phân tích của các nhà nghiên cứu sông băng, nhà địa chất và địa vật lý.

Trước đây, các chuyên gia từng cảnh báo sông băng Iceland đứng trước nguy cơ biến mất hoàn toàn vào năm 2200. Diện tích băng thu hẹp trong hai thập kỷ qua gần như tương đương với tổng diện tích bề mặt của chỏm băng Hofsjokull. Đây là chỏm băng lớn thứ ba tại nước này, rộng khoảng 810 km2.

"Sự thay đổi diện tích sông băng ở Iceland từ khoảng năm 1890 thể hiện rõ phản ứng với sự thay đổi khí hậu. Những thay đổi này tương đối đồng bộ trên khắp Iceland, dù các đợt nước dâng và hoạt động núi lửa dưới sông băng ảnh hưởng đến vị trí của một số rìa sông băng", nhóm nghiên cứu cho biết.

Năm 2014, các chuyên gia về sông băng tuyên bố loại bỏ Okjokull khỏi danh sách sông băng. Đây là lần đầu tiên sự kiện như vậy xảy ra tại Iceland. Nguyên nhân là Okjokull chỉ gồm băng chết và không còn di chuyển như các sông băng khác.

Gần như toàn bộ 220.000 sông băng trên thế giới đang mất dần khối lượng với tốc độ tăng dần, chiếm hơn 1/5 trong mức nước biển dâng toàn cầu ở thế kỷ này, theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature hồi tháng 4.

Phân tích hình ảnh do vệ tinh Terra của NASA chụp, nhóm nhà khoa học phát hiện các sông băng trên thế giới mất trung bình 267 tỷ tấn băng mỗi năm trong giai đoạn 2000 - 2019. Họ cũng nhận thấy tốc độ sông băng tan tăng mạnh trong thời kỳ này. Từ năm 2000 - 2004, các sông băng mất 227 tỷ tấn băng mỗi năm. Nhưng trong giai đoạn 2015 - 2019, chúng mất trung bình tới 298 tỷ tấn mỗi năm.

Kết quả nghiên cứu mới sẽ được đưa vào báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu thuộc Liên Hợp Quốc năm 2022.

Theo Vnexpress

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: