COP 24: Thảo luận Chương trình Nghị sự thực hiện Thỏa thuận Paris

Đăng ngày: 11-12-2018 | Lượt xem: 1133
(TN&MT) - Hội nghị các Bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP 24) đã kết thúc tuần làm việc đầu tiên với nhiều phiên họp cấp kỹ thuật. Trong...
anh 1

Đại diện Bộ TN&MT tham dự các phiên họp tại COP24

Xây dựng hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận Paris

Trong tuần làm việc đầu tiên, các cuộc họp song song về triển khai Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã diễn ra, gồm: Hội nghị lần thứ 24 các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP24); Hội nghị lần thứ 14 các Bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP 14); Hội nghị lần thứ 3 các Bên tham gia Thoả thuận Paris (CMA 1-3); Phiên họp lần thứ 49 Ban Bổ trợ thực hiện (SBI 49); Phiên họp lần thứ 49 Ban Bổ trợ Khoa học Công nghệ (SBSTA49); và Phiên họp lần thứ 7 Nhóm công tác đặc biệt về Thoả thuận Paris (APA 1-7).

Tại phiên họp Ban bổ trợ thực hiện (SBI49) và ban bổ trợ khoa học công nghệ (SBSTA49), các quốc gia đã thảo luận về phương pháp đánh giá, theo dõi các khoản hỗ trợ, bao gồm vốn đối ứng và tính phù hợp của Cơ chế công nghệ. Các quốc gia đang phát triển đồng ý đóng góp vốn đối ứng trong thực hiện các hoạt động liên quan và nhấn mạnh cac quốc gia phát triển cần thực hiện các cam kết trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris.

Đại diện đoàn Việt Nam tham dự các phiên họp SBSTA49

Đại diện đoàn Việt Nam tham dự các phiên họp SBSTA49

Sau các phiên họp kỹ thuật, đến thời điểm hiện tại, nội dung PAWP đã rõ ràng, ngắn gọn hơn so với bản tháng 9/2018 họp tại Bangkok (Thái Lan). Phía Việt Nam khẳng định bản PAWP hiện nay là khá cân bằng và đã phản ánh các vấn đề quan trọng của Thoả thuận Paris. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lựa chọn chưa rõ ràng để có thể trình Hội nghị cấp cao xem xét, quyết định. Vì vậy, Việt Nam đề nghị các Đồng Chủ trì chỉnh sửa lại văn bản theo hướng ngắn gọn, rõ ràng nhưng vẫn phải bảo đảm 3 nguyên tắc: Cân bằng các nội dung và mức độ chi tiết của mỗi nội dung; phải có các nội dung quan trọng như: tài chính, thích ứng BĐKH, tổn thất thiệt hại, chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, minh bạch trong ứng phó và hỗ trợ ứng phó; nguyên tắc “trách nhiệm chung nhưng có phân biệt và phụ thuộc điều kiện cụ thể của các quốc gia” (CBDR-RC) phải được thể hiện rõ tại mỗi nội dung của PAWP.

Cụ thể hóa các điều khoản

Về khung thời gian chung thực hiện Thỏa thuận Paris, SBI đã thông qua tổng thể phụ lục và có các quan điểm khác nhau về khung thời gian chung. Một số bên đề nghị khung thời gian chung “do quốc gia xác định”. Vào thời điểm báo cáo quốc gia/báo cáo cập nhật 2 năm 1 lần (BUR)/cập nhật NDC, đối với chu kỳ cập nhật tiếp theo, các bên đề xuất văn bản được xây dựng theo chu kỳ tính từ năm 2015 theo quyết định từ COP21 tại Paris (1/CP.21). Các bên cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thống nhất khung thời gian theo nguyên tắc chỉ áp dụng cho năm mục tiêu của NDC.

ại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham dự Hội nghị bên lề tại về tài chính khí hậu tại COP 24

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham dự Hội nghị bên lề tại về tài chính khí hậu tại COP 24

Về cơ quan đăng ký được đề cập trong Thỏa thuận 4.12 (NDC), các bên đã phân tích các lựa chọn trong văn bản quyết định về việc xóa chức năng tìm kiếm khỏi hệ thống đăng ký. Về việc có hai cơ quan đăng ký đã có nhiều quan điểm khác nhau. Một nhóm nước đang phát triển yêu cầu tổ chức một cuộc họp chung tại SBI 49 về hệ thống đăng ký NDC, trong khi một số bên lo ngại các lựa chọn của họ từ cuộc họp tại Bangkok không được phản ánh trong phụ lục, bao gồm hệ thống đăng ký về thích ứng có liên kết và một đăng ký duy nhất với hai hạng mục. Các bên nhất trí ủy quyền cho các điều phối viên phải bổ sung văn bản, sau đó được xem xét trong các cuộc tham vấn không chính thức tiếp theo.

Về tài chính khí hậu, thông tin được cung cấp theo điều khoản về minh bạch tài chính. Các bên đã chia sẻ quan điểm về phụ lục, xác định các yếu tố còn thiếu và đề xuất hợp lý hóa. Một nhóm nước đang phát triển cho rằng điều khoản này chỉ đề cập đến thông tin được cung cấp bởi các nước phát triển. Một số nước phát triển lại cho rằng, cách diễn đạt trong Điều 9.5 khuyến khích “các bên khác” cung cấp tài nguyên và thông tin. Về các vấn đề ngoài thẩm quyền của cuộc họp kỹ thuật, đại diện các đoàn đàm phán thống nhất sẽ đề xuất tới lãnh đạo cấp đoàn. Các đồng điều phối viên sẽ chuyển yêu cầu này đến Chủ tịch SBI và sẽ phản ánh quan điểm của các bên trong lần đệ trình văn bản tiếp theo.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: