Cảnh báo thiên tai hoành hành cuối năm

Đăng ngày: 29-11-2022 | Lượt xem: 2023
Sau những trận lũ lụt kinh hoàng, gây thiệt hại nặng nề hồi mùa hè vừa qua, Trung Quốc lại phải ban bố cảnh báo cam - mức gần cao nhất trong thang bậc cảnh báo thiên tai - để chuẩn bị ứng phó với đợt lạnh mới có nhiệt độ giảm sâu, đồng thời gây ra bão cát, mưa và tuyết rơi ở nhiều nơi tại quốc gia này. Những hiện tượng thời tiết cực đoan này được cho là một hậu quả của biến đổi khí hậu toàn cầu, điều mà không chỉ Trung Quốc mà nhiều quốc gia khu vực đang phải đối mặt.

Cảnh báo cam từ quốc gia đông dân nhất thế giới

Cơ quan Khí tượng Trung Quốc (NMC) ngày 27-11 đã ban bố cảnh báo cam về đợt lạnh với dự báo nhiệt độ giảm sâu, bão cát, mưa và tuyết rơi ở nhiều khu vực của nước này. Trung Quốc hiện có hệ thống cảnh báo thời tiết 4 cấp, được mã hóa bằng màu sắc, trong đó màu đỏ tượng trưng cho thời tiết khắc nghiệt nhất, tiếp theo lần lượt là các màu cam, vàng và xanh lam.

Theo NMC, từ tối 27 đến ngày 30-11, ở miền Bắc và hầu hết miền Trung, miền Đông Trung Quốc, nhiệt độ sẽ giảm đột ngột từ 10 - 16 độ C. Ngoài ra, ở phía Bắc và Tây Bắc Trung Quốc có thể xuất hiện các trận bão cát. Trong khi đó, từ ngày 27 tới 28-11, tại các tỉnh vùng Đông Bắc như Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang có tuyết rơi dày. Một số địa phương khác như Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Hồ Bắc và Quý Châu có thể có mưa tuyết từ ngày 29 đến tối 1-12. Tỉnh Hà Bắc ở miền Bắc Trung Quốc vào chiều 17-11 đã ban hành cảnh báo vàng về đợt lạnh sâu đầu tiên trong mùa đông năm nay với dự báo nhiệt độ ở khu vực Bá Thượng, phía Bắc của tỉnh này, có thể giảm xuống âm 30 độ C vào ngày 30-11.

Trung Quốc vừa đưa ra cảnh báo cam về đợt lạnh sâu ở nhiều nơi của nước này

Trung Quốc vừa đưa ra cảnh báo cam về đợt lạnh sâu ở nhiều nơi của nước này

Mưa dông lớn được dự báo sẽ xuất hiện ở các tỉnh phía Đông là Giang Tây, Chiết Giang và Phúc Kiến từ ngày 27 đến 29-11. Trong khi đó, các địa phương Quý Châu, Hồ Nam và Giang Tây sẽ có mưa đá trong 2 ngày 30-11 và 1-12.

Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc khuyến cáo người dân giữ ấm khi nhiệt độ thay đổi và cẩn thận khi tham gia giao thông trong điều kiện thời tiết mưa băng giá. Để đối phó với đợt mưa tuyết bất ngờ, chính quyền Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, cho biết đã huy động hơn 30.000 người sẵn sàng để dọn tuyết. Một số tỉnh miền Nam và miền Trung Trung Quốc cũng đã cảnh báo về tác động của đợt lạnh này đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tỉnh Giang Tô kêu gọi nông dân đẩy nhanh thu hoạch vụ thu đang bước vào giai đoạn cuối.

Đây là lần thứ hai trong năm nay Trung Quốc phát đi cảnh báo cam để ứng phó với thời tiết cực đoan. Trước đó, hồi tháng 5 khi bắt đầu mùa hè năm 2022, Trung Quốc đã liên tiếp phát đi những cảnh báo mưa lớn màu cam khi các tỉnh phía Nam quốc gia đông dân nhất thế giới này phải hứng chịu những trận mưa lớn. Đây cũng là cảnh báo màu cam đầu tiên về mưa lớn trong năm 2022 và cũng là cảnh báo màu cam sớm nhất trong gần 10 năm qua ở Trung Quốc.

Thực tế về tình hình thiên tai trong 9 tháng đầu năm 2022 vừa được Trung Quốc công bố cho thấy nước này đã phải hứng chịu nhiều thảm họa thiên tai phức tạp và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Theo đó, Trung Quốc đã phải gánh chịu những thảm họa thiên nhiên phức tạp và nghiêm trọng, các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan thường xuyên xảy ra, trong đó chủ yếu là lũ lụt, hạn hán, bão, động đất và các thiên tai địa chất khác.

Các thảm họa thiên nhiên này đã ảnh hưởng tới gần 95 triệu người, trong đó có 792 người chết hoặc mất tích, 5,26 triệu người phải di dời khẩn cấp, 157.000 ngôi nhà bị sập và 1,75 triệu ngôi nhà khác hư hại, gần 10,6 triệu ha hoa màu bị tàn phá, tổng thiệt hại kinh tế trực tiếp lên tới 286,4 tỷ nhân dân tệ (khoảng 44,37 tỷ USD).

Cảnh báo, ứng phó kịp thời với thảm họa thiên nhiên

Đợt không khí lạnh mạnh mà Trung Quốc đưa ra cảnh báo cam cũng ảnh hưởng tới thời tiết nước ta. Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia trong thông tin đưa ra ngày 28-11 cho biết, một bộ phận không khí lạnh mạnh đang di chuyển xuống phía Nam, dự báo khoảng đêm 29-11 sẽ ảnh hưởng đến khu vực vùng núi phía Bắc của Bắc bộ, gần sáng và ngày 30-11 ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc bộ, khu vực Bắc Trung bộ, sau đó ảnh hưởng đến khu vực Trung Trung bộ. Đợt không khí lạnh mạnh khiến nhiệt độ miền Bắc giảm sâu, trong đó miền núi có nơi lạnh dưới 5 độ C.

Trong đợt không khí lạnh mạnh đầu tiên của mùa đông năm nay này, khu vực Bắc bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại; vùng núi và trung du Bắc bộ trời rét đậm, rét hại, vùng đồng bằng Bắc bộ trời rét; khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế trời rét, vùng núi có nơi rét đậm.

Trong khi đó, không khí lạnh gây ra một đợt mưa lớn cho miền Trung, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 150-250 mm/đợt, có nơi trên 300 mm/đợt. Khu vực vùng núi Đông Bắc và Việt Bắc cũng có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Có thể nói, biến đổi khí hậu đang gây ra những hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan hơn cho nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có châu Á, Đông Nam Á. Các khu vực nhiệt đới như Đông Nam Á rất dễ bị tổn thương trước nguy cơ mưa bão, lũ lụt triền miên do mực nước biển dâng cao. Do đó, biến đổi khí hậu có khả năng gây ra những tác động nghiêm trọng đối với an ninh hàng hải khu vực.

Các cộng đồng ven biển ở Đông Nam Á nằm trong số những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động của biến đổi khí hậu. Mực nước biển dâng cao làm tăng tính dễ bị tổn thương của các thành phố và cộng đồng ven biển trước lũ lụt, xói mòn và ngập lụt. Đây là mối quan tâm đặc biệt đối với các quốc gia Đông Nam Á có đường biên giới biển dài và tỷ lệ dân số sống ở vùng ven biển cao. Trong một kịch bản khí hậu cực đoan, 90% dân số Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng do nước biển dâng.

Cùng với đó, mực nước biển dâng cũng có nguy cơ làm thay đổi ranh giới biển, ảnh hưởng đến việc tiếp cận tài nguyên biển và quyền đi lại trên biển. Một mối đe dọa khác do các thảm họa do khí hậu gây ra là sự hạn chế về nguồn lực mà các cơ quan quản lý thảm họa phải đối mặt. Khi khả năng phải thực hiện các hoạt động ứng phó thảm họa đồng thời ngày càng lớn hơn do biến đổi khí hậu, các quốc gia sẽ phải đối mặt với nhu cầu ngày càng tăng về ứng phó thảm họa.

Biến đổi khí hậu sẽ thay đổi môi trường hoạt động ứng phó với thiên tai, dẫn đến các yêu cầu về kỹ năng, trang thiết bị và phương tiện khác nhau. Mực nước biển dâng cao và các hiện tượng thời tiết cực đoan đe dọa khả năng tiếp cận, tính sẵn có và an toàn của cơ sở hạ tầng và tàu bè.

Nhằm ứng phó và có thể giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do những hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra, giới chuyên môn cho rằng chính phủ các nước cần thành lập và củng cố các cơ quan ứng phó thảm họa quốc gia, đưa ra những cánh báo kịp thời. Các cơ quan quản lý thảm họa quốc gia này được giao nhiệm vụ lãnh đạo và điều phối các công việc liên quan đến thảm họa, nâng cao hiệu quả ứng phó với các loại thảm họa khác nhau, kể cả trong không gian biển. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự hỗ trợ và hợp tác quốc tế do biến đổi khí hậu ngày nay xảy ra trên diện rộng và gây thiệt hại ngày càng nặng nề, nguồn lực của các nước, nhất là nước đang phát triển, có khi không đủ để ứng phó hiệu quả.

Hoàng Tuấn

https://anninhthudo.vn/canh-bao-thien-tai-hoanh-hanh-cuoi-nam-post524301.antd

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: