Biến đổi khí hậu khiến hàng chục triệu người Đông Phi phải di dời vào năm 2050

Đăng ngày: 28-10-2021 | Lượt xem: 1912
Biến đổi khí hậu sẽ buộc hàng chục triệu người tại Đông Phi phải rời bỏ nhà của mình trong vòng 3 thập kỷ tới, ngay cả khi các kế hoạch làm giảm tác động của nó đối với khu vực được triển khai.

Nạn châu chấu sa mạc ở Naiperere, Kenya, tháng 1 vừa qua.

Ngày 27/10, báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, những người bị ảnh hưởng bao gồm những nông dân đang tìm kiếm đất canh tác mới do bị hạn hán, mất mùa hoặc một số công việc khác ở các khu vực đô thị và những người bị thúc đẩy bởi nhu cầu tìm kiếm nguồn nước sạch.

Năm quốc gia Đông Phi bao gồm: Kenya, Rwanda, Tanzania, Uganda và Burundi đang phải hứng chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan trong những năm gần đây.

Ngoài tình trạng hạn hán ngày càng trở nên tồi tệ hơn ở một số khu vực phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp, những nơi có lũ lụt trên diện rộng vào năm 2020, còn có nạn châu chấu làm ảnh hưởng nặng nề nhất lịch sử vào năm 2019 và hiện vẫn tiếp tục tàn phá.

Mưa lũ và vỡ đê tại Kenya năm 2020.

Cơ quan khí hậu của Liên hợp quốc đã cảnh báo rằng, các sông băng huyền thoại phía đông của châu Phi sẽ biến mất sau 2 thập kỷ nữa, 118 triệu người nghèo phải đối mặt với hạn hán, lũ lụt hoặc nắng nóng khắc nghiệt và biến đổi khí hậu có thể thu hẹp nền kinh tế của lục địa này 3% vào giữa thế kỷ này.

Báo cáo mới nhất về tình trạng khí hậu của châu Phi do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và các cơ quan của Liên minh châu Phi cho thấy một bức tranh thảm khốc về khả năng thích ứng của lục địa này với các thảm họa thời tiết ngày càng thường xuyên hơn, đặc biệt là ở Đông Phi.

Hafez Ghanem, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực này cho biết: “Nếu không có hành động khẩn cấp và rộng rãi hơn thì 38,5 triệu người có thể sẽ phải di dời do hậu quả của biến đổi khí hậu vào năm 2050”.

Khi các sông băng ở châu Phi tan chảy, hàng triệu người phải đối mặt với hạn hán và lũ lụt.

Báo cáo của WB cho biết, các kế hoạch cụ thể như giảm phát thải khí nhà kính, tài trợ cho biến đổi khí hậu và các chương trình thích ứng có thể cắt giảm được số lượng người di dời, tuy nhiên, chỉ giảm được khoảng 30%.

Cũng theo ông Ghanem, Ngân hàng Thế giới cũng đã cam kết bảo đảm 35% nguồn tài chính của mình trong 5 năm tới sẽ dành cho các dự án giúp giải quyết mối đe dọa của biến đổi khí hậu.

Keith Hansen, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Kenya cho biết, quốc gia này đã thể hiện được vai trò lãnh đạo trong khu vực trong việc thiết lập một khuôn khổ chính sách để quản lý rủi ro về khí hậu, mặc dù các hành động khí hậu vẫn còn thiếu kinh phí.

Năm 2009, các quốc gia giàu có hứa hẹn sẽ cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm trong 5 năm kể từ năm 2020 cho các quốc gia nghèo hơn để giúp họ giải quyết các tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nhưng chương trình tài trợ đó dự kiến sẽ bị trì hoãn khoảng 3 năm, Chủ tịch COP26 Alok Sharma thừa nhận hôm 25/10. Tài chính khí hậu là một vấn đề quan trọng đối với hội nghị thượng đỉnh, nhằm hướng tới những cam kết đầy tham vọng hơn từ các quốc gia nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu.

Theo Báo Nhân dân

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: