Biến đổi khí hậu gây thiệt hại 2,4 nghìn tỷ USD mỗi năm

Đăng ngày: 12-07-2019 | Lượt xem: 8660
Mới đây, các chuyên gia về lao động của Liên Hợp Quốc cho biết nhiệt độ gia tăng trong thị trường lao động liên quan đến biến đổi khí hậu được cho là có tác động lớn đến năng suất toàn cầu và thiệt hại về kinh tế, đặc biệt là trong nông nghiệp và xây dựng.

Công nhân tại công trường xây dựng dự án thủy điện Trung Sơn, Việt Nam. Ảnh: World Bank/Mai Ky

Công nhân tại công trường xây dựng dự án thủy điện Trung Sơn, Việt Nam. Ảnh: World Bank/Mai Ky

Thiệt hại nặng về kinh tế

Các nước nghèo nhất trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, cụ thể ở Tây Phi và Đông Nam Á. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cảnh báo tình trạng gia tăng căng thẳng nhiệt sẽ gây tổn thất về sản xuất tương đương 80 triệu việc làm toàn thời gian (tương đương 2,2% tổng số giờ làm việc) trên toàn thế giới vào năm 2030 và thiệt hại kinh tế trị giá 2,4 nghìn tỷ USD mỗi năm.

Catherine Saget - Trưởng phòng nghiên cứu của ILO cho biết: “Tác động của căng thẳng nhiệt đến hiệu suất làm việc là hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Chúng ta có thể sẽ nhận thấy rõ sự bất bình đẳng nhiều hơn giữa các nước có thu nhập thấp và cao, khiến điều kiện làm việc của những người dễ bị tổn thương nhất bị xấu đi.

Nông nghiệp và xây dựng bị ảnh hưởng nặng nề nhất

Theo báo cáo của ILO, căng thẳng nhiệt được định nghĩa tổng quát là hiện tượng thường xuyên xảy ra khi nhiệt độ cao hơn 35°C, ở những nơi có độ ẩm cao.

“Sức nóng tăng cao tại nơi làm việc là một rủi ro liên quan tới sức khỏe trong nghề nghiệp và trong trường hợp xấu nhất có thể gây ra say nắng, dẫn đến tử vong” – ILO nhấn mạnh.

Theo dữ liệu của ILO, khoảng 940 triệu người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, nông dân sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi nhiệt độ tăng cao, ngành nông nghiệp sẽ tạo ra 60% số giờ làm việc bị mất do căng thẳng nhiệt cho đến năm 2030.

ILO cho rằng ngành xây dựng cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, với ước tính mất 19% số giờ làm việc vào cuối thập kỉ tới.

Các ngành nghề có nguy cơ khác bao gồm thu gom rác, các dịch vụ khẩn cấp, vận tải, du lịch và thể thao, trong đó các quốc gia Nam Á và Tây Phi chịu thiệt hại nặng nề nhất về năng suất, tương ứng với khoảng 5% giờ làm việc vào năm 2030.

“Tác động của căng thẳng nhiệt đến năng suất lao động là hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, làm tăng thêm các tác động bất lợi khác như thay đổi mô hình mưa, mực nước biển tăng và làm mất mát đa dạng sinh học”, bà Saget giải thích.

“Thiệt hại kinh tế do căng thẳng nhiệt sẽ làm gia tăng những bất lợi về kinh tế, cụ thể là tỉ lệ lao động nghèo, việc làm không hợp pháp và dễ bị tổn thương sẽ cao hơn, nông nghiệp không tăng trưởng và thiếu an sinh xã hội” - bà Saget cho biết thêm.

Để thích ứng với thực tế mới này, ILO kêu gọi các biện pháp khẩn cấp từ các nước, chủ lao động và công nhân, tập trung vào việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất.

Các biện pháp trên bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng đầy đủ và hệ thống cảnh báo sớm đối với tình trạng thời tiết nguy hiểm và cải thiện việc hoàn thành các tiêu chuẩn lao động quốc tế về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp nhằm giải quyết các mối nguy liên quan đến nhiệt.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: