Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi ĐBSCL

Đăng ngày: 15-11-2019 | Lượt xem: 13909
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều tiềm năng để phát triển ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, chính sách phát triển chưa hợp lý... đang khiến cuộc sống người dân ở vùng này đảo lộn rất lớn.

Bờ biển Kim Quy, xã Vân Khánh (An Minh - Kiên Giang) bị sạt lở rất nghiêm trọng. Ảnh: Lê Sen

Chậm triển khai Nghị quyết 120

Trong 3 ngày, từ 30/10 đến 1/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019.

Theo đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long), sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, người dân đã từng bước thích ứng với những diễn biến phức tạp của thời tiết trong sản xuất và đời sống, nhưng họ vẫn phải tiếp tục đối mặt với khó khăn, thách thức ngày càng nặng nề hơn về hậu quả của biến đổi khí hậu như an ninh nguồn nước hiện nay bị đe dọa nghiêm trọng.

Nước biển dâng xâm nhập mặn, các công trình thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong làm cho nhiều con sông bị thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, gia tăng nghiêm trọng tình trạng sụt lún, sạt lở, nguồn lợi thủy sản, năng suất, sản lượng  nhiều loại cây trồng, vật nuôi bị giảm mạnh, đe dọa đến sinh kế và đời sống của hàng chục triệu người dân đồng bằng mà nội lực của các tỉnh ở ĐBSCL thì không thể nào giải quyết được.

Việc phát triển bền vững ĐBSCL là  yêu cầu cấp bách hiện nay, không chỉ cho vùng mà vì lợi ích chung của cả nước, của tiểu vùng sông Mekong và của cả cộng đồng quốc tế. Nhưng, trên thực tế, Nghị quyết 120 đi vào cuộc sống còn chậm. Vì vậy, đề nghị Chính phủ sớm có Chương trình hành động tổng thể để thực hiện Nghị quyết 120.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đề nghị Chính phủ cần phải rà soát, sơ kết, tổng kết việc tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp trong Nghị quyết 120.

Vì hiện nay, ĐBSCL đang đối mặt với nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tác động này không chỉ ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển của khu vực mà cả các tỉnh ở trung tâm ĐBSCL cũng đang trong tình trạng báo động.

Mặc dù đã có nhiều chủ trương, chính sách cho ĐBSCL, nhưng đến giờ, hạ tầng cơ sở vẫn còn quá nhiều yếu kém. Cả ĐBSCL chỉ có một con đường độc đạo xuyên vùng, các tuyến đường quốc lộ xuống cấp trầm trọng, sạt lở bờ biển, bờ sông, xâm nhập mặn đang bao vây cả khu vực ĐBSCL.

Quản lý và bảo vệ tài nguyên nước ngọt chưa hợp lý

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (TP. Cần Thơ) cho rằng, vấn đề đang nổi lên ở nhiều địa phương trong cả nước, nhất là vùng ĐBSCL, đó là giải pháp trong khai thác, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước ngọt. Tình hình bất thường về nguồn nước trong thời gian qua cùng với tác động của biến đổi khí hậu cho thấy có rủi ro tiềm ẩn đối với sự phát triển bền vững của vùng, điều này có thể tác động lớn đến sự phát triển và đảm bảo an ninh lương thực của vùng và quốc gia.

Nếu trước đây, vấn đề làm đê bao chống lũ phục vụ sản xuất có vẻ phù hợp, giúp hạn chế tác động của lũ đến sản xuất, đời sống người dân thì nay có thể không còn hợp lý nữa, thậm chí gây tác động tiêu cực trong sản xuất, gây ngập ở các địa phương hạ nguồn như thành phố Cần Thơ, sạt lở cả 2 bờ dòng sông, lở cả đầu vàm cho đến trong ngọn các kênh rạch.

Đề nghị Chính phủ giao cho bộ, ngành chuyên môn xây dựng chương trình nghiên cứu sâu và đầy đủ để đánh giá toàn diện về thực trạng giải pháp quản lý khai thác cũng như các giải pháp thích ứng khả năng cho vùng ĐBSCL trong điều kiện có nhiều tác động đến nguồn nước ngọt và biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, cần suy nghĩ nghiêm túc việc xây dựng Luật Đồng bằng để tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và phát triển các đồng bằng, như đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long hoặc chí ít cũng cần có Ủy ban quốc gia về đồng bằng để thực hiện vai trò điều phối, quản lý tổng thể và khai thác tài nguyên các vùng đồng bằng cả nước.

Theo kinhtenongthon.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: