Ông Vũ Thanh Long - Giám đốc Đài KTTV khu vực Tây Bắc - Anhr: Việt Hùng
Xung quanh câu chuyện này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Thanh Long - Giám đốc Đài KTTV khu vực Tây Bắc. Ông Vũ Thanh Long cho biết:
Đài KTTV khu vực Tây Bắc đóng trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Tây Bắc, điều kiện về dân sinh, kinh tế còn kém phát triển. Hiện nay, Đài KTTV khu vực Tây Bắc gồm có 04 phòng chuyên môn, nghiệp vụ; 03 Đài KTTV tỉnh; 37 trạm khí tượng, thủy văn, môi trường; 01 trạm Thám không Vô tuyến; 01 tiêu KTTV; 01 trạm môi trường sinh thái; 76 trạm đo mưa tự động; 11 điểm đo, truyền tự động thuộc hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lũ quét lưu vực Nậm La, Nậm Pàn.
Các đơn vị khối trạm nằm rải rác trên địa bàn 04 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu và Điện Biên, điều kiện về cơ sở vật chất, đời sống, chế độ đãi ngộ, giao thông, thông tin liên lạc còn gặp nhiều khó khăn. Điển hình mặc dù có đường điện cao thế đi qua trạm nhưng trạm thủy văn Nậm Giàng hơn 60 năm qua trạm không có điện, mới được dùng điện lưới quốc gia từ ngày 12/11/2018; từ trạm thủy văn Mường Tè, Pắc Ma về Đài khu vực trên 300 km phải mất 02 ngày đi bằng ô tô, trước đây đi bộ đến các trạm Thuỷ văn Mường Tè, Nà Hừ và khí tượng Mường Tè phải mất từ 4 đến 6 ngày). Nói chung, cùng với khu vực Tây Nguyên, chúng tôi là đơn vị khó khăn nhất của ngành KTTV cả nước.
Trạm Rađa Pha Đin. Ảnh: Việt Hùng
PV:Vượt lên những khó khăn đó, Đài KTTV khu vực Tây Bắc đã hoàn thành công việc như thế nào trong thời gian qua thưa ông?
Ông Vũ Thanh Long: Trong những năm gần đây, trên địa bàn khu vực Tây Bắc tình hình các loại hình thiên tai và thời tiết cực đoan như: rét đậm, rét hại, mưa lớn, lũ, dông lốc, lũ quét, sạt lở đất… diễn biến phức tạp, xảy ra bất thường, cường độ, tần xuất ngày càng nhiều hơn gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Bên cạnh đó, hầu hết các trạm thủy văn thuộc Đài, chế độ dòng chảy bị ảnh hưởng điều tiết của các hồ chứa thủy điện vì vậy công tác quan trắc bố trí đo đạc, thu thập số liệu, chỉ đạo chuyên môn gặp nhiêu khó khăn.
Nhưng vượt lên những khó khăn đó, Đài KTTV đã luôn đảm bảo cung cấp các bản tin dự báo cảnh báo kịp thời. Đối với những trận mưa lớn ở vùng núi Tây Bắc Bộ vừa qua, Đài KTTV Tây Bắc đều cảnh báo sớm được trước từ 1 đến 3 ngày. Trong các đợt mưa lớn, thông tin dự báo đã chỉ ra được thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc, cũng như một số vùng có trọng điểm mưa lớn.
Đài đã theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn trên khu vực; dự báo, cảnh báo kịp thời các đợt ATNĐ, bão, rét hại, sương muối; mưa lớn diện rộng; sét, lốc, lốc xoáy, mưa đá, mưa lớn cục bộ; lũ, lụt; lũ quét, sạt lở đất, ...thời gian dự báo, cảnh báo trước từ 24 đến 48h, phục vụ công tác phòng tránh thiên tai đối với các địa phương trên khu vực. Thông tin dự báo do Đài KTTV khu vực Tây Bắc cung cấp đã được Tổng cục KTTV, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cũng như Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 4 tỉnh Tây Bắc ghi nhận và đánh giá cao.
Quan trắc viên quan trắc nhiệt độ đất tại Sơn La. Ảnh: Việt Hùng
PV:Nhưng rõ ràng với địa bàn rộng, địa hình phức tạp, nhiều nơi chia chắt thành các vùng tiểu khí hậu… thì công tác này vẫn còn những hạn chế cần khắc phục thưa ông?
Ông Vũ Thanh Long: Đây là khó khăn chung không chỉ của ngành KTTV và cả của khu vực Tây Bắc. Với địa bàn rộng, địa hình rất phức tạp nên công tác dự báo, cảnh báo định lượng mưa lớn còn hạn chế nhất định. Hiện tại trên khu vực Tây Bắc có 114 điểm điện báo số liệu mưa; bình quân khoảng 327km2/trạm, có một số vùng với diện tích trên 1.200km2 chỉ có 01 điểm đo mưa do vậy việc khi mưa lớn, lũ xảy ra tại các địa phương này Đài không có thông tin để theo dõi để ra bản tin. Vì vậy chúng tôi chưa đáp ứng được nhu cầu chi tiết hóa, nhu cầu cụ thể hóa. Cảnh báo mưa cho khu vực nhỏ, mưa cục bộ và mưa trong cơn dông còn gặp nhiều khó khăn, thời gian phát hiện và cảnh báo sớm chỉ có thể thực hiện trước 30 phút đến 2 đến 3 giờ. Đặc biệt, chúng tôi chưa có khả năng dự báo chính xác lượng mưa cho từng địa điểm và khu vực nhỏ như xã, huyện, thôn bản hay cụ thể đến từng sườn núi… trước 12 - 72 giờ.
Bên cạnh đó là những khó khăn về thông tin liên lạc. Trước đây chúng tôi được sử dụng điện báo của bưu điện, sau đó sử dụng ICOM, việc nhận chuyển điện do tổ thông tin của Đài nhận từ các trạm đọc, ghi chép vào sổ sau đó chuyển về các đơn vị dự báo và chuyển về Hà Nội. Đặc biệt tại những vùng sâu, vùng cao thì liên lạc tới cơ sở như xã, bản còn rất khó khăn. Trong thời gian qua Đài đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa trong việc thu, nhận các loại mã điện và truyền số liệu từ các trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, môi trường về Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Bắc.
Toàn cảnh Vườn Khí tượng của Trạm Khí tượng Sơn La. Ảnh: Việt Hùng
PV:Vậy để đáp ứng nhu cầu dự báo ngày càng lớn của khu vực và đất nước, Đài KTTV khu vực Tây Bắc đặt mục tiêu gì thưa ông?
Ông Vũ Thanh Long: Trong năm 2019 đặc biệt khi mùa mưa báo sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tổng cục KTTV trong việc thực hiện các quy định trong công tác dự báo, phục vụ phòng chống thiên tai có liên quan đến thực hiện Luật phòng chống thiên tai, Luật KTTV; nâng cao chất lượng thảo luận dự báo hàng ngày giữa phòng Dự báo KTTV với Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, giữa phòng Dự báo KTTV với các Đài KTTV tỉnh... Đảm bảo công tác quan trắc, đo đạc thu thập số liệu KTTV đầy đủ, kịp thời, chính xác phục vụ công tác dự báo. Quản lý, khai thác các trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào công tác dự báo và quan trắc khí tượng, thủy văn, môi trường.
Bên cạnh việc triển khai thực hiện tốt công tác dự báo và phục vụ KTTV theo nhiệm vụ công tác được giao, Đài KTTV khu vực Tây Bắc sẽ tham mưu tốt cho chính quyền địa phương về tình hình thời tiết thuỷ văn phục vụ sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên khu vực, góp phần giảm nhẹ do thiên tai gây ra và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ và dự báo kịp thời diễn biến thời tiết, thủy văn, nhất là các hiện tượng KTTV nguy hiểm; thực hiện nghiêm túc các quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai, cấp độ rủi ro thiên tai; thường xuyên thảo luận dự báo hàng ngày giữa phòng Dự báo KTTV với các Đài tỉnh và Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia trên hệ thống truyền hình trực tuyến; các bản tin cảnh báo, dự báo cung cấp kịp thời và bổ sung theo diễn biến của mưa, lũ cho Ban Chỉ huy Phòng chồng thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các ban, ngành, địa phương.
Đặc biệt, từ tháng 3/2019, trạm Rada thời tiết Pha Đin đi vào hoạt động, các sản phẩm của Rađa sẽ phục vụ tốt hơn trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai của Đài KTTV khu vực Tây Bắc. Và để các thông tin dự báo có hiệu quả, chúng tôi luôn sẵn sàng và mong hợp tác với Cấp ủy, Chính quyền các địa phương trong việc phối hợp cung cấp thông tin dự báo một cách thường xuyên nhất là mỗi khi có thời tiết cực đoan, thời tiết nguy hiểm xảy ra ở khu vực các tỉnh Tây Bắc.
PV:Xin trân trọng cám ơn ông!
Nguồn: Báo TN&MT