Căn cứ chủ yếu vào hướng và tốc độ của dòng chuyển động thẳng đứng trong mỗi ổ mây dông, thông thường người ta chia quá trình phát triển thành 3 giai đoạn:
+ Giai đoạn phát triển ban đầu: đây là giai đoạn mây đối lưu phát triển, đỉnh mây phát triển rõ rệt giống như những tháp tròn nhô lên và những tháp mây này nhanh chóng vượt lên cao qua mực nhiệt độ = 00C. Tốc độ lớn nhất của dòng thăng vào thời kỳ này có thể đạt tới 30m/s. Nhiệt độ trong mây cao hơn môi trường xung quanh, áp suất không khí tầng thấp, dưới chân mây giảm xuống, hướng không khí từ bên ngoài hội tụ vào dưới chân mây, mưa đã có thể xuất hiện trong mây. Đến một độ cao nào đó dòng thăng bắt đầu dừng lại và suy yếu đi, các hạt nước không thể tiếp tục bay lơ lửng được nữa mà bắt đầu rơi xuống kết thúc giai đoạn đầu.
+ Giai đoạn phát triển hoàn chỉnh: Bắt đầu khi có mưa rơi khỏi chân mây. Ma sát do những hạt nước mưa rơi làm cản trở dòng không khí đi lên và dần lôi kéo chúng chuyển động đi xuống, dòng giáng hình thành và mạnh dần lên. Dòng giáng ban đầu chỉ xuất hiện ở độ cao khoảng 5000m rồi sau đó được mở rộng dần theo phương thẳng đứng và nằm ngang, phù hợp với sự phát triển của vùng mưa và trở nên mạnh nhất ở phần dưới đám mây. Những khảo sát thực tế cho thấy, sự phóng điện xảy ra chủ yếu trong giai đoạn này.
+ Giai đoạn tan rã: Khi dòng giáng mở rộng và dần dần chiếm toàn bộ đám mây thì quá trình phát triển của một cơn dông cũng dần dần chuyển sang giai đoạn tan rã. Giai đoạn này, dòng thăng hầu như không còn nữa cho nên nguồn cung cấp hơi nước cho quá trình ngưng kết đã hết. Mây còn tồn tại chủ yếu là do hơi nước đã tập trung được trong những giai đoạn trước.