Câu 57: Các dạng mưa đá và ảnh hưởng của nó đến con người, vật nuôi và cây trồng như thế nào?

Đăng ngày: 12-04-2010 | Lượt xem: 2882

Mưa đá là mưa với những hạt “nước đá” có kích thước khác nhau, rơi xuống từ các khối mây dông đồ sộ, chỉ xảy ra trong các cơn dông mạnh và thường kèm theo mưa rào với cường độ lớn trong khoảng từ vài phút đến vài chục phút. Nhưng không phải trong cơn dông nào cũng có mưa đá xảy ra, tần suất số cơn dông có mưa đá chỉ chiếm trên dưới 10%. Mưa đá có hai dạng sau:

- Mưa đá nhỏ: dưới dạng những hạt băng trong suốt rơi xuống từ đám mây, các hạt hầu như có hình cầu, và đôi khi hình nón, đường kính có thể bằng hoặc lớn hơn 5mm.

- Mưa đá: dưới dạng những hạt nước đá, có thể trong suốt, có thể đục một phần hay tất cả. Cục đá thường hình cầu, hình nón, hoặc không đều. Đường kính từ 5mm đến 50mm. Mưa đá rơi xuống từ đám mây, hoặc rơi rời rạc, hoặc kết thành màn không đều.

Các cục nước đá có trọng lượng khoảng từ 5 gram đến vài ba trăm gram. Vận tốc rơi từ trên cao xuống khá lớn và gia tăng tỉ lệ với kích thước và trọng lượng của cục đá. Tốc độ rơi dao động trong khoảng 30 - 60m/s, cá biệt có thể lên tới 90m/s. Với vận tốc như vậy nên khi rơi xuống mặt đất hay các thảm thực vật, mưa đá đã gây nên những thiệt hại nghiêm trọng.

Trong cơn dông, mưa đá thường kèm theo gió rất mạnh, có khi là gió lốc, sức tàn phá hết sức khủng khiếp. Ngoài gió rất mạnh ra, bản thân những hòn mưa đá cũng có khi làm đổ nhà, tàn phá cây cối, thậm chí chết người. Vì vậy, mưa đá được xếp vào những hiện tượng thời tiết nguy hiểm.

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: