Gió thổi mạnh trong một thời gian khá lâu trên mặt biển thì lôi cuốn nước đi thành những luồng nước cùng chiều. Những luồng nước này vào gần bờ thì dồn nước lên làm cho mặt nước biển cao hơn ngày thường. Gặp lúc thủy triều lên thì cộng hưởng sinh ra một “con nước lớn”. Hiện tượng này gọi là hiện tượng nước dâng do bão.
Như vậy, nước dâng do bão là lượng nước bị đẩy vào bờ do hoàn lưu gió mạnh của bão. Ở nước ta, nước dâng do bão thường xảy ra ở ven biển phía bắc của cơn bão. Lượng nước này kết hợp với thuỷ triều tạo nên triều do bão, và có thể nâng mực nước lên đến hơn 5 mét. Thêm vào đó, sóng biển do gió mạnh gây nên cũng làm tăng thêm độ cao của mực nước. Nước dâng do bão có sức tàn phá hết sức nguy hiểm, đặc biệt là kết hợp với triều cường khi bão đổ bộ.
Nói chung, bão càng mạnh thì nước dâng càng cao. Khu vực dân cư càng ở gần cung phần tư phía trước và bên phải (so với hướng di chuyển của bão), thì vùng cần sơ tán dân càng phải lớn. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là không thể dự báo chắc chắn cường độ của bão khi đổ bộ và thời điểm đổ bộ có trùng với thời gian xảy ra đỉnh triều trong ngày hay không. Do đó, biện pháp phòng chống khẩn cấp thường được áp dụng là chuẩn bị phương án phòng tránh cho
bão mạnh hơn cường độ bão được dự báo một cấp. Biện pháp này là cần thiết để giảm thiểu mất mát về người và
tài sản.
Dòng chảy gây ra bởi nước dâng do bão kết hợp với tác động của sóng có thể phá vỡ đê biển, làm sụt lở bờ biển và các đường giao thông ven biển. Ở các khu vực bị nước dâng tràn vào, sự xâm nhập của nước mặn gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng, phá hoại môi trường và đất
canh tác.