Khối không khí xung quanh tâm bão có sự phân phối gió không đều, có chỗ gió rất mạnh, có chỗ gió yếu hơn. Người ta thường phân biệt hai khu vực, bên phải và bên trái đường đi của cơn bão. Nửa bên phải gió to hơn cho nên người đi biển gọi là tử điạ. Trong khu vực này, góc đằng sau thường có gió mạnh hơn góc đằng trước, tàu biển vào đó thì sẽ bị lôi cuốn vào trung tâm không ra được.
Dọc theo đường đi của bão thì vùng phía bắc của bão là vùng nguy hiểm nhất với gió mạnh kèm theo mưa to, các cơn dông, lốc cục bộ và hiện tượng nước biển dâng cao dưới tác động của gió đẩy mạnh vào bờ.
Trên hình 1.4, có thể thấy nguyên nhân gây ra vùng gió mạnh phía bắc của bão là do tác động tổng cộng của gió xoáy trong bão và gió của dòng môi trường xung quanh. Cụ thể tại điểm A, gió bão gần như cùng hướng với gió của môi trường, tác động cộng hưởng của chúng khiến cho gió ở đây mạnh lên. Ví dụ: nếu dòng môi trường có tốc độ là 15 km/giờ, gió bão trung bình là 100 km/giờ, tốc độ gió tại điểm A sẽ có độ lớn là 100 + 15 = 115 km/giờ. Ngược lại, tại điểm B, gió bão ngược chiều với gió của môi trường, kết quả là gió ở đây chỉ có độ lớn là 100 - 15 = 85 km/giờ. Khi cơn bão di chuyển càng nhanh thì hiệu ứng này càng rõ rệt.
Nguyên nhân thứ hai là ở phía bắc cơn bão thì gió thổi thẳng từ biển vào, không bị núi đồi, cây cối, nhà cửa cản bớt nên mạnh hơn nhiều so với gió ở phía nam cơn bão thổi từ đất liền ra, đã bị suy giảm do địa hình. Ngoài ra, nếu bão đổ bộ, hay ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta cùng đồng thời với lúc có gió mùa đông bắc tràn xuống thì gió phía bắc của bão lại càng mạnh hơn và mưa càng lớn hơn do sự kết hợp của hai hệ thống thời tiết nguy hiểm này.