Tuyến đường cao tốc có chiều dài từ 30km trở lên -Bổ sung 2 loại công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn

Đăng ngày: 18-10-2019 | Lượt xem: 1081
Tuyến đường cao tốc có chiều dài từ 30km trở lên -Bổ sung 2 loại công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn

Hiện nay, mạng lưới đường cao tốc của Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, tại một số khu vực, do điều kiện khí hậu thời tiết bất lợi như mưa to, sương mù… làm giảm tầm nhìn và mặt đường trơn trượt, tai nạn giao thông luôn có thể xảy ra, đặc biệt khi xe chạy với tốc độ cao. Một số vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra trong thời gian gần đây có liên quan đến vấn đề thời tiết cho thấy, cần thiết phải có hoạt động quan trắc KTTV đối với loại công trình đường cao tốc. Pháp luật về giao thông đường bộ đã có nhiều văn bản quy định liên quan tới bảo đảm an toàn trước điều kiện KTTV, cụ thể như Luật Giao thông đường bộ 2008, khoản 1 Điều 4 quy định: “Hoạt động giao thông đường bộ phải bảo đảm thông suốt, an toàn, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường”; Thông tư số 13/2009/TT-BGTVT ngày 17/7/2009 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tốc độ của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng và khoảng cách an toàn giữa hai xe cơ giới khi tham gia giao thông đường bộ, khoản 11 Điều 5 đã quy định trường hợp phải giảm tốc độ khi có trời mưa; có sương mù; hoặc tại Thông tư 03/2019/BGTVT của Bộ Giao thông vận tải về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ, tại khoản 2 Điều 3 quy định Công trình phòng, chống thiên tai đường bộ được phục vụ việc dự báo, cảnh báo, chỉ huy, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai, tại Điều 5 quy định chủ công trình phải thường xuyên theo dõi diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ, sự cố, thiên tai, v.v… WMO cũng đã có tài liệu hướng dẫn về quan trắc khí tượng trên đường cao tốc. 

Trên thực tế, hoạt động quan trắc KTTV trên đường cao tốc không phải là vấn đề mới được đặt ra trên thế giới (đã thực hiện ở Mỹ từ năm 1920, Trung Quốc từ năm 1998) và đang rất phổ biến tại nhiều quốc gia khác. Như tại Nhật Bản, Công ty đường cao tốc Nippon (NEXCO) hiện đang quản lý 400 trạm (mật độ 10km/1 trạm) quan trắc mưa, gió mạnh, tuyết rơi bất thường, thiệt hại đường do sóng lớn của bão...; thông tin quan trắc được truyền đồng thời về Trung tâm kiểm soát đường bộ và Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) để xử lý, ứng phó tại chỗ và hỗ trợ các bản tin dự báo của JMA. Ở Việt Nam, nhiều tuyến đường cao tốc đã ứng dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS), bao gồm cả việc giám sát các điều kiện về thời tiết để có cảnh báo, thông tin đến người tham gia giao thông, kiểm soát, hạn chế tốc độ như tuyến Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có 56 camera đầu tư từ năm 2013, tuyến Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hệ thống gồm 8 biển báo thông tin điện tử (VMS) được bố trí dọc tuyến cao tốc có nội dung thay đổi (về tình trạng tuyến đường, thời tiết, an toàn giao thông…); tuyến Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây có camera giám sát được lắp đặt tại 16 khu vực, cảm biến quan trắc thời tiết và các thiết bị liên lạc vô tuyến giúp nhân viên kỹ thuật giám sát đường cao tốc một cách thuận lợi hơn… Hoặc trên các tuyến đường cao tốc có thiết kế tốc độ từ 80 km/giờ trở lên, hầu hết đã có biển thông báo tốc độ khác nhau, tương ứng với từng điều kiện thời tiết. Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam đã và đang cung cấp các thông tin trực tiếp về thời tiết trên một số tuyến đường cao tốc, thông qua hệ thống camera chuyên dụng. Tuy nhiên, những thông tin này chưa đầy đủ, vẫn còn thiếu các thông số KTTV cụ thể để cho người, phương tiện tham gia giao thông chủ động thích ứng với điều kiện thời tiết.

Tin VPTC

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: