Một số vấn đề cơ bản trong Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025

Đăng ngày: 03-12-2020 | Lượt xem: 3867
Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Quyết định số 362/QĐ-TTg phê duyệt ngày 3/4/2019.

Báo và tạp chí in

Theo Quyết đinh này Nhà nước tập trung đầu tư ngân sách cho một số cơ quan báo chủ lực, thực hiện cơ chế đặt hàng đối với một số báo và tạp chí phục vụ các nhiệm vụ chính trị được xác định. Đổi mới hình thức, nội dung các ấn phẩm đáp ứng yêu cầu thông tin chung và thông tin chuyên biệt của từng nhóm độc giả, vùng miền. Sắp xếp hệ thống các cơ quan báo in gắn với đổi mới mô hình tổ chức, quản lý theo hướng giảm số lượng cơ quan báo in, mỗi cơ quan có thể có nhiều ấn phẩm (trong đó có 01 ấn phẩm chính và có thể có một số ấn phẩm khác). Các cơ quan báo sau khi sắp xếp đều có cơ quan chủ quản trực tiếp là cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cấp bộ, ngành trung ương (trừ các quân khu, quân chủng) tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác chỉ đạo, quản lý. Các cơ quan báo chí được giao quyền tự chủ tài chính. Phương án sắp xếp và lộ trình thực hiện như sau:

a) Năm 2020, mỗi ban đảng Trung ương có không quá 01 tạp chí in; khuyến khích các tạp chí có phiên bản điện tử và chuyển dần từ hình thức tạp chí in sang tạp chí điện tử. Sau năm 2020, trên cơ sở lấy Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương) làm nòng cốt, hợp nhất tạp chí các ban đảng Trung ương để xây dựng một cơ quan báo chí tập trung, đa phương tiện. Văn phòng Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước mỗi cơ quan có 01 cơ quan báo in và 01 cơ quan tạp chí in.

Ảnh minh họa

b) Bộ, cơ quan ngang bộ có 01 cơ quan báo và 01 cơ quan tạp chí. Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ nếu tiếp nhận thêm cơ quan báo thuộc các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương, các doanh nghiệp thì được có tối đa 02 cơ quan báo nhưng chậm nhất đến năm 2025 phải hoàn thành việc sắp xếp (còn 01 cơ quan báo).

Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Báo Công an nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Cơ quan thuộc Chính phủ có một cơ quan tạp chí (trừ Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam). Quân khu, quân chủng có 01 cơ quan báo hoặc 01 cơ quan tạp chí.

Tổng cục và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có 01 cơ quan tạp chí.

Đến hết năm 2020, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.

c) Các học viện, viện nghiên cứu, các trường đại học, bệnh viện đủ điều kiện theo quy định được có cơ quan tạp chí khoa học chuyên ngành. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 01 cơ quan báo thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 01 cơ quan tạp chí thuộc hội văn học - nghệ thuật tỉnh. Một số tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm về kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch được có cơ quan tạp chí chuyên ngành. Các cơ quan cấp sở, ngành thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có cơ quan báo chí.

Đến hết năm 2020, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch. Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đến hết năm 2020 sắp xếp còn tối đa 05 cơ quan báo (không tính các cơ quan báo thuộc tổ chức tôn giáo); đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp (còn 01 cơ quan báo).

Mỗi tổ chức chính trị - xã hội trung ương có 01 cơ quan báo và 01 cơ quan tạp chí. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam có 01 cơ quan báo trực thuộc Liên hiệp và một số tạp chí của các hội thành viên. Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam có 01 cơ quan báo và 01 cơ quan tạp chí. Mỗi tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương có 01 cơ quan tạp chí.

Đến hết năm 2020, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước không còn cơ quan báo. Các tạp chí của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước hoạt động theo giấy phép đã được cấp; việc cấp lại giấy phép thực hiện theo quy định của Luật Báo chí.

Cơ quan trung ương của các tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam có 01 cơ quan tạp chí.

Đến năm 2025, các tổ chức tôn giáo hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.

Báo điện tử và tạp chí điện tử

Các báo điện tử hiện có cơ quan chủ quản là các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thì thực hiện chuyển đổi cơ quan chủ quản hoặc chuyển thành tạp chí.

Nhà nước có cơ chế hỗ trợ phát triển một số báo điện tử chủ lực có kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tính tương tác cao, phong phú về nội dung, có khả năng thu hút công chúng, định hướng dư luận xã hội, nhất là trước các sự kiện, vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm để phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền và thông tin đối ngoại (bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài).

Sắp xếp hệ thống các báo điện tử gắn với đổi mới công nghệ, khả năng tương tác, tìm kiếm thông tin và xâu chuỗi sự kiện, phù hợp với xu hướng hội tụ công nghệ đa phương tiện, quản lý nhằm phát huy tối đa lợi thế về bao phủ thông tin, trở thành công cụ hữu hiệu định hướng thông tin mạng.

Việc sắp xếp đối với báo, tạp chí điện tử tương tự như đối với báo, tạp chí in. Các tạp chí điện tử phải thể hiện đúng tính chất tạp chí, không được sử dụng giấy phép xuất bản tạp chí điện tử để xuất bản báo điện tử. Các cơ quan, tổ chức được có cơ quan báo, tạp chí in như quy định như trên đây thì được phép có báo, tạp chí điện tử.

Việc sắp xếp thực hiện theo lộ trình như đối với báo in, tạp chí in.

Tin tổng hợp: Phương Anh

Tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/Quyet-dinh-362-QD-TTg-2019-phe-duyet-Quy-hoach-phat-trien-va-quan-ly-bao-chi-toan-quoc-410589.aspx

https://moha.gov.vn/tin-tuc-su-kien/diem-tin/quy-hoach-bao-chi-chinh-thuc-duoc-thu-tuong-phe-duyet-40474.html

http://ictvietnam.vn/quy-hoach-phat-trien-va-quan-ly-bao-chi-toan-quoc-den-nam-2025-tu-goc-nhin-xa-hoi-thong-tin-20200429114804604.htm

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: