Giải trình sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định số 38/2016/NĐ-CP của Bộ TNMT theo ý kiến đóng góp của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính

Đăng ngày: 14-02-2019 | Lượt xem: 960
Tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, ý kiến của các Bộ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và của Bộ Giao thông vận tải tại các lần góp ý trước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bổ sung Báo cáo đánh giá tác động của các chính sách và đánh giá thủ tục hành chính, trong hồ sơ trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38/2016/NĐ-CP.

Về ý kiến đánh giá thiếu kinh phí trong triển khai chấp hành các quy định của pháp luật về KTTV: Việc thiếu kinh phí triển khai có nguyên nhân chủ yếu do ý thức pháp luật chưa đầy đủ và là lý do của một số chủ công trình. Trong báo cáo đánh giá tác động của chính sách đã khẳng định, khi thực hiện quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV là có phát sinh chi phí, tuy nhiên hoàn toàn không đáng kể so với tỷ suất đầu tư một công trình, ví dụ như quan trắc thủ công mực nước biển, mực nước sông chỉ bao gồm:

Lắp một thủy chí hoặc kẻ một thủy chí bằng sơn lên cột trụ khoảng 500.000 VNĐ, bồi dưỡng, chi phí bổ sung cho người đọc dữ liệu hàng ngày khoảng 500.000 VNĐ/tháng, cước phí chuyển tin nhắn SMS khoảng 50.000/tháng; hoặc việc quy định các chủ công trình tuyến đường cao tốc phải quan trắc, cung cấp các thông tin, dữ liệu KTTV sẽ có phát sinh nhưng không đáng kể vì chỉ dựa trên các hoạt động quan trắc, truyền tin sẵn có của doanh nghiệp, hoặc nếu lắp mới thì chi phí tối đa để lắp đặt 1 điểm quan trắc trên tuyến đường cao tốc theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung chỉ chiếm khoảng 0,0129 % của đầu tư 30 km tuyến đường cao tốc… Tuy nhiên, khi được thực hiện sẽ mang lại lợi ích cho nhiều phía, trong nhiều trường hợp, đặc biệt là khi có thiên tai KTTV xảy ra sẽ không thể đo đếm được giá trị, hiệu quả mang lại. Trước hết hoạt động này góp phần quan trọng bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, giúp các cơ quan quản lý, điều tiết giao thông ứng phó kịp thời với các điều kiện KTTV bất lợi, đồng thời giúp các hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia bổ sung thông tin kịp thời, nâng cao chất lượng dự báo, phục vụ cộng đồng hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu của Luật Khí tượng Thủy văn, Luật Phòng chống thiên tai cũng như pháp luật chuyên ngành.

Ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực GTVT nhưng chưa lấy đầy đủ ý kiến của các đối tượng này theo quy định.

Việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38/2016/NĐ-CP đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo Nghị định đăng tải công khai trên website, tổ chức các hội thảo có sự tham gia của một số doanh nghiệp quản lý các công trình thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP, lấy ý kiến VCCI, các Bộ, ngành, địa phương, thẩm định của Bộ Tư pháp. Tất cả các ý kiến góp ý, thẩm định được tiếp thu, giải trình chi tiết, thể hiện trong hồ sơ trình dự thảo Nghị định.

Ý kiến về đề nghị cân nhắc việc yêu cầu các chủ công trình (1) sân bay; (2) bến cảng thuộc cảng biển loại I và loại II; (3) cầu có khẩu độ thông thuyền 500 mét trở lên; (4) tuyến đường cao tốc có chiều dài từ 30km trở lên phải quan trắc KTTV; cần thực hiện theo quy định đối với Kế hoạch phát triển mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng theo quy định của Luật KTTV.

Tin VPTC

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: