Chương trình hành động của ngành tài nguyên và môi trường năm 2022

Đăng ngày: 22-01-2022 | Lượt xem: 1699
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Chương trình hành động của ngành tài nguyên và môi trường thực hiện 2 Nghị quyết lớn của Chính phủ. Đó là Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.

Theo đó, Chương trình hành động của Bộ TN&MT đặt ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành các 11 mục tiêu, chỉ tiêu trọng tâm quan trọng, thiết thực.

Trình Quốc hội dự án Luật đất đai (sửa đổi), trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trình Chính phủ dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); tổng kết đánh giá lập đề nghị sửa đổi Luật khoáng sản; ban hành các văn bản dưới Luật giải quyết các vướng mắc đặt ra từ thực tiễn.

Hoàn thành việc lập và phê duyệt các quy hoạch quốc gia, các quy hoạch ngành; kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030.

Đơn giản hóa 10-15% thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ thủ tục trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với các thủ tục đủ điều kiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90%-100% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và được tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 63/63 tỉnh thành phố kết nối liên thông thủ tục thanh toán nghĩa vụ tài chính với cơ quan thuế, tổ chức tín dụng.

Đưa vào vận hành hệ thống thông tin tài nguyên và môi trường trọng tâm là cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, kết nối liên thông giữa các ngành, cổng thông tin địa lý quốc gia, dữ liệu quan trắc, điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường.

Tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường; thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm minh các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tham nhũng, nhũng nhiễu trong quản lý tài nguyên và môi trường; giải quyết căn bản tình trạng lãng phí đất đai, tài nguyên; chỉ số hài lòng của người dân doanh nghiệp đối với thủ tục đất đai và môi trường tăng 5-6%, tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh sự phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính giảm 7-10%.

Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, nguồn thu từ đất đai chiếm 12% - 15% thu ngân sách nội địa; chỉ số “đăng ký đất đai” và “Chất lượng quản lý hành chính đất đai (B3)” tăng 1 bậc.

Cải thiện các chỉ số thành phần môi trường; 91% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 90% chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; 30% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp. Nâng hạng chỉ số Chất lượng môi trường (C4) lên 10 bậc.

80% hồ chứa thuỷ điện lớn đang vận hành được kiểm soát, giám sát trực tuyến; 100% các giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước được cập nhật, quản lý, theo dõi thống nhất từ trung ương đến địa phương vào hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ TN&MT; khoảng 600 hồ chứa thủy điện, thủy lợi được xác định và công bố dòng chảy tối thiểu sau đập.

50% số trạm quan trắc khí tượng thuỷ văn được tự động hóa để từng bước hình thành mạng lưới quan trắc KTTV hiện đại và tự động hoàn toàn, kết nối, chia sẻ số liệu với các nước trong khu vực, trên thế giới; 100% thiên tai bão, lũ, được giám sát, dự báo, cảnh báo kịp thời, đủ độ tin cậy; hình thành mạng lưới quan trắc khí tượng thuỷ văn kết nối trong lưu vực sông Mê Công; tăng 6 cường năng lực giám sát môi trường, khí tượng thuỷ văn.

40% diện tích vùng biển được điều tra cơ bản ở tỷ lệ bản đồ 1:500.000 tài nguyên, môi trường biển; 70% diện tích đất liền được lập bản đồ địa chất khoáng sản ở tỷ lệ 1:50.000; trên 50%tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành điều tra tài nguyên đất.

Hoàn thành xây dựng các tiêu chí phát triển bền vững về môi trường, biến đổi khí hậu, đại dương làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện.

Chương trình đã xác định khung nhiệm vụ trọng tâm như: (1). Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; (2) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi, thượng tôn pháp luật; tập trung thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm minh các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, các hành vi nhũng nhiễu trong thực thi công vụ; (3). Xây dựng tài nguyên số, hạ tầng số, thực hiện chuyển đổi, phát triển kinh tế số ngành tài nguyên và môi trường; (4). Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới nghiên cứu khoa học, hợp tác, hội nhập quốc tế.

Đảm bảo hiệu quả tổ chức thực hiện, ngành tài nguyên và môi trường xác định rõ nhiệm vụ của từng lĩnh vực quản lý chuyên ngành như: Tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy tối đa nguồn lực đất đai trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng; Nâng cao vai trò quản lý, giải quyết hài hòa các mục tiêu khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước và bảo đảm an ninh nguồn nước; Quản lý chặt chẽ, hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản; tăng cường điều tra địa chất phục vụ quy hoạch kinh tế - xã hội, phát triển không gian ngầm, giảm nhẹ tác động tai biến địa chất trong điều kiện biến đổi khí hậu; Triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, chú trọng phát triển các ngành kinh tế biển, điện gió ngoài khơi, khai hoang, quản lý tốt hoạt động lấn biển; Tập trung triển khai Luật Bảo vệ môi trường, ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái, cải thiện chất môi trường, đảo ngược xu thế suy giảm của hệ sinh thái; thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong thập kỷ phát triển bền vững; Hiện đại hóa công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn phục vụ phát triển KT-XH, phòng chống thiên tai; triển khai các giải pháp đột phá triển khai thỏa thuận tại COP26;  Hiện đại hóa hạ tầng không gian địa lý; ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát tài nguyên và môi trường.

Tạp chí KTTV tổng hợp

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: