Xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long có chiều hướng giảm

Đăng ngày: 06-05-2022 | Lượt xem: 1772
Tình hình xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long có chiều hướng giảm do mực nước trung và hạ lưu sông Mê Công gia tăng

Sự gia tăng xả nước như hiện nay là tín hiệu tốt, góp phần làm giảm thiểu tình hình xâm nhập mặn đang diễn ra ở đồng bằng sông Cửu Long.

Ngày 5/5, mực nước tại trạm Chiang Sean đang xuống và ở mức 2,55m thấp hơn trung bình nhiều năm là 0,2m, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 là 0,8m.

Mực nước các trạm trung, hạ lưu sông Mê Công đang lên, mực nước tại trạm Pakse (Lào) đạt 2,34m cao hơn trung bình nhiều năm (2012-2021) là 0,6m và cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 0,33m. Mực nước tại trạm Kratie (Campuchia) đạt 8,72m cao hơn trung bình nhiều năm là 1,03m và cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 0,27m; còn tại Biển Hồ (Campuchia) mực nước tại trạm Kompongluong là 0,99m cao hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2021 là 0,33m.

Từ ngày 9/ - 15/5, mực nước các trạm trung, hạ lưu Mê Công tiếp tục lên, mực nước tại trạm Pakse (Lào), Kratie (Campuchia) ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 1 - 1,5m và cao hơn cùng kỳ năm 2021 từ 0,9 - 1,2m. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long trên sông Tiền tại Tân Châu, sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 1,55 - 1,75m, mức cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,4 - 0,5m.

Trong tháng 5/2022, lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công (trạm Kratie) về hạ lưu và đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 25%, cao hơn cùng kỳ năm 2021 từ 15 - 20%. Xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục giảm và ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2021 và trung bình nhiều năm.

Trước biến động về dòng chảy cần chủ động kiểm soát nguồn nước trên đồng bằng, chuyển đổi cơ cấu theo hướng thuận thiên, giảm phụ thuộc vào nước ngọt, tích trữ nước tại chỗ…; và giải pháp hợp tác quốc tế, bằng việc tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trên lưu vực sông Mê Công vì sự phát triển, sử dụng và bảo tồn bền vững tài nguyên nước lưu vực sông Mê Công.

Mọi việc tác động đến dòng chảy ở đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta đều phải chủ động đối phó. Trong quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long, những vấn đề như: giảm dòng chảy mùa lũ, tăng dòng chảy mùa kiệt, giảm phù sa, bùn cát đều phải được nghiên cứu và đề cập. Vấn đề lớn nhất cần ứng phó là các hồ chứa thủy điện thượng nguồn (Trung Quốc) trong tương lai gần sẽ giảm "thủy điện" mà gia tăng "thủy lợi" bằng việc chuyển nước khỏi lưu vực sông Mê Kông, lúc đó không còn là việc gia tăng nguồn nước trong mùa kiệt...

Sơn Lâm (T/h)

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/xam-nhap-man-o-dong-bang-song-cuu-long-co-chieu-huong-giam-167726.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: