Thông tin khí tượng thủy văn góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững

Đăng ngày: 21-03-2022 | Lượt xem: 5216
Thời tiết và khí hậu không có biên giới, những thay đổi, tác động của hệ thống khí hậu toàn cầu, khu vực có ảnh hưởng đến thiên tai, tạo ra các hình thái thời tiết gây nguy hiểm ở Việt Nam. Thông tin khí tượng thủy văn là đầu vào quan trọng của các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, phục vụ cuộc sống hằng ngày của người dân và góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến các mục tiêu phát triển bền vững

Biến đổi khí hậu đang trở nên rõ ràng ở mọi nơi trên thế giới, tác động tới mọi hoạt động của tự nhiên và của con người; càng ngày các hình thái thời tiết và khí hậu cực đoan xảy ra càng nhiều hơn, những đợt nắng nóng, hạn hán và cháy rừng xảy ra khắc nghiệt hơn; hơi nước hiện hữu mạnh hơn trong khí quyển dẫn đến những trận mưa lớn cực đoan và lũ lụt; sự ấm lên của đại dương thúc đẩy các cơn bão nhiệt đới mạnh hơn và mực nước biển dâng cao làm các tác động này gia tăng cực đoan hơn nữa.

Theo các nghiên cứu và dự tính, xu hướng tiêu cực này vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai. Khí nhà kính được ghi nhận đang ở mức kỷ lục, đây là nguyên nhân khiến biến đổi khí hậu còn tiếp diễn trong nhiều thập kỷ tới, băng tan và mực nước biển dâng có thể kéo dài đến hàng thế kỷ. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia, dân tộc.

Đối với Việt Nam, thiên tai xảy ra với cường độ mạnh hơn và thường xuyên hơn. Số cơn bão rất mạnh tăng dù tổng số cơn bão không đổi. Số ngày rét đậm, rét hại có xu thế giảm ở Bắc Bộ. Số ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt có xu thế tăng trên phạm vi cả nước.

Số tháng hạn tăng trên đa phần diện tích của Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và một phần diện tích đồng bằng Bắc Bộ và Nam Trung Bộ và có xu thế giảm trên đa phần diện tích Bắc Bộ và Trung Trung Bộ.

Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và thích ứng với biến đổi khí hậu

Ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu đã chuyển sang một giai đoạn mới, đòi hỏi tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam ngoài việc chuyển sang nền kinh tế phát thải thấp thì cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các dự báo không còn dừng ở thông tin về KTTV thuần túy mà cần dịch chuyển sang dự báo tác động – thông báo cho công chúng về những gì điều kiện KTTV sẽ gây ra, điều này có vai trò rất quan trọng để bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân.

Song song với đầu tư hiện đại hóa hệ thống quan trắc là nâng cao chất lượng dự báo bằng công nghệ hiện đại và chắc chắn phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Mục tiêu đến năm 2030 phát triển ngành KTTV của Việt Nam đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á, đủ năng lực cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV đầy đủ, tin cậy, kịp thời đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, phòng chống thiên tai.

Thông tin cảnh báo KTTV phải thực sự được dùng hiệu quả cho các hành động sớm, đúng lúc nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Thông tin KTTV góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững

Với quan điểm thông tin, dữ liệu KTTV là đầu vào quan trọng của các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, phục vụ cuộc sống hằng ngày của người dân và góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, chúng tôi đang hướng tới các sản phẩm dự báo, cảnh báo KTTV ngày càng đa dạng, xây dựng hệ thống dự báo tác động nhằm đáp ứng nhu cầu của các ngành nghề.

Các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai phục vụ hiệu quả cho công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên phạm vi cả nước, Ngoài ra, Tổng cục đã thực hiện các bản tin chuyên đề phục vụ các hoạt động diễn tập và các hoạt động khác cần thông tin KTTV.

Đối với nông nghiệp: sản phẩm dự báo không chỉ dừng lại ở những con số nhiệt độ, lượng mưa trung bình mà còn có thể cung cấp số giờ nắng, độ ẩm, nhiệt độ, lượng mưa chi tiết theo từng thời kỳ mùa vụ. Xa hơn là các dự báo, cảnh báo về sâu bệnh, dự báo năng suất cây trồng theo các điều kiện thời tiết.

Đối với thủy điện, Ngành KTTV đang thực hiện các bản tin dự báo phục vụ Quy trình vận hành hồ chứa theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và có thể thực hiện tốt các bản tin dự báo nguồn nước đến các hồ phục vụ điều hành sản xuất điện.

 Ngay cả Năng lượng tái tạo là một ngành mới, KTTV đã bước đầu ứng dụng mô hình khí tượng trong việc mô phỏng lại trường gió, trường sóng chi tiết cho Biển Đông với độ phân giải ~ 10km theo không gian ngang nhằm tạo ra các sản phẩm đánh giá phân bố mật độ năng lượng gió, sóng sử dụng trong ngành khai thác điện gió, điện sóng ngoài khơi.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: