Thiên tai đừng trách ông trời

Đăng ngày: 23-05-2019 | Lượt xem: 1288
Dưới chân đồi Lều là khu dân cư, đồng lúa. Trên lưng đồi là “đại công trường” khai thác đất và công trình xây dựng. Mùa mưa bão đã đến, hàng chục, hàng trăm nghìn m3 đất đá thải trên đồi có đổ xuống khu dân cư, đồng ruộng?

Thiên tai đừng trách ông trời

Hàng nghìn m3 đất trên đồi Lều đe dọa khu dân cư xóm Văn Minh

Ông Đinh Văn Phụ, 76 tuổi, ở xóm Văn Minh, xã Yên Quang (Kỳ Sơn, Hòa Bình) bức xúc nói: Chỉ một, hai trận mưa lớn là mấy chục hộ dân, cả cánh đồng lúa của xóm này sẽ trở thành bãi bùn đất thải, tôi tin chắc là như thế. Thì đấy, mấy hôm trước mới là đầu mùa mưa mà đất từ trên đồi đã đổ xuống gần ao nhà tôi, vùi lấp gần hết vườn cỏ nhà hàng xóm. Bước vào mùa mưa thì hơn 3 sào ao, cả mấy nghìn m2 ruộng lúa sẽ bị xóa sổ, cả khu tái định cư cũng bị đe dọa.

Được biết, quả đồi này có tên gọi là đồi Lều, thuộc địa bàn xóm Mùn 5 (nay là xóm Văn Minh). Đây là đất 02 (đất trồng rừng), các hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nay đã chuyển nhượng cho người khác. Hàng chục ngôi nhà xây kiên cố đang “mọc lên” trên đồi Lều.

                         Đơn vị thi công mặt bằng trên đồi Lều trồng cỏ chống lũ quét       

Anh Nguyễn Văn Bảy, đứng giữa ruộng lúa đang kỳ trổ bông, giọng bùi ngùi, nói: Bồ thóc nhà cháu sắp mất rồi, khu ruộng này ở dưới khe nước lớn, mùa mưa, nước từ đồi chảy xuống như thác. Nước rút đi, lúa còn hồi phục được, nay lũ kéo theo bùn đất đổ vào ruộng thì không cây gì sống nổi, biết kêu ai.   

Ông Nguyễn Văn Đích phàn nàn: Họ khoan, san ủi trên đồi, nguồn nước sinh hoạt của mấy chục hộ dân bị tắc tịt, các hộ phải khoan giếng, nạo vét lại giếng cũ để dùng. Tuy nhiên mất nước sinh hoạt còn khắc phục được, nay mai mưa to, lũ lớn bùn đất từ trên núi đổ xuống vườn tược, nhà cửa thì có trời mà chống đỡ được. Nguy hiểm nhất là các hộ nằm dưới mỏ khai thác đất, thảm họa khôn lường đã nhìn thấy ngay trước mặt mà khó tránh.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng xóm Văn Minh cho biết: Đất thải đồn xuống khu dân cư, đồng ruộng là chắc chắn. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân, xóm đã báo cáo với chính quyền xã. Xã cũng đã kiểm tra yêu cầu đơn vị khai thác đất phải có biện pháp xử lý, ngăn chặn không để đất tràn xuống khu dân cư khi mưa lũ. Tuy nhiên, việc xử lý có hiệu quả hay không còn do ý thức, trách nhiệm của đơn vị thi công và khai thác mỏ đất.

Ông Vinh, đơn vị thi công hạ tầng khu nhà trên đồi Lều cho biết: Để ngăn chặn, giảm thiểu mưa lũ xô đất xuống chân đồi ảnh hưởng đến khu dân cư, đơn vị đã tiến hành trồng cỏ Nhật trên mái taluy công trình. Đồng thời, xây hệ thống cống thoát nước và nhiều hố ga lớn để tiêu lũ. Sẽ xây dựng tường chắn lũ dưới các công trình đang thi công. Đơn vị cố gắng hạn chế thấp nhất mức độ ảnh hưởng đến khu dân cư.

Được biết, tình trạng khai thác đất, san ủi mặt bằng ở khu đồi Lều, địa phận xóm Văn Minh và xóm Rợn, xã Yên Quang mới diễn ra rầm rộ từ giữa năm 2018 đến nay. Quả đồi này trước là rừng trồng, có độ che phủ cao nên mưa  lũ không gây thiệt hại nhiều, nay cả quả đồi đã bị đào bới, trong khi địa hình ở đây có độ dốc cao, lượng mưa lớn, liệu những núi đất thải trên đồi có đổ xuống khu dân cư?

Mùa mưa, lũ núi, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, đá vùi lấp nhà cửa, ruộng vườn, thậm chí chết người, hàng năm đã xảy ra ở một số địa phương trong tỉnh Hòa Bình. Nguyên nhân thiệt hại thường là do thiên tai gây ra, là tại “ông trời”. Nay nhìn cảnh tượng cả một mỏ đất lớn trên “đầu” nhà dân... Thiên tai hậu họa có xảy ra thì xin: Ai ơi đừng trách “ông trời”.

Theo thanhtra.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: