Tăng cường ứng phó thiên tai

Đăng ngày: 03-09-2020 | Lượt xem: 1379
Theo dự báo, năm nay khó có lũ lớn, khả năng lũ về muộn và thấp hơn nhiều so với bình quân nhiều năm cùng thời kỳ. Tuy nhiên, những loại hình thời tiết nguy hiểm, cực đoan vẫn có thể xảy ra. Trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, công tác ứng phó thiên tai đòi hỏi phải nâng tầm cao hơn.

Tiếp diễn nỗi lo “đói lũ”

Là người định cư lâu năm ở vùng đầu nguồn sông Hậu nên nhìn diễn biến con nước dưới sông, ông Trần Văn Hữu (xã Khánh An, An Phú, An Giang) không khỏi lo lắng. “Ông bà ta có câu “Tháng 7 nước nhảy khỏi bờ” để chỉ diễn biến lũ bình thường. Hồi trước, sang tháng 7 âm lịch là nước bắt đầu tràn bờ đê, ngập lên đồng ruộng. Năm nay là năm nhuần (tháng 4 (âm lịch) lặp lại 2 lần), đến rằm tháng 7 rồi mà nước dưới sông vẫn còn rất thấp, không khác gì mùa khô. Hồi trước, ngày “thất lịch” (mùng 7-7 (âm lịch), tương truyền Ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau trên cầu Ô Thước) là mưa tầm tã nhưng năm nay nắng chan chan. Câu nói “tháng 7 mưa ngâu” cũng không đúng với năm nay bởi từ đầu tháng 7 (âm lịch) đến giờ cũng chẳng thấy mưa. Với diễn biến thời tiết kiểu này, năm nay chắc lại “đói lũ” nữa rồi” - ông Hữu nhận định.

Chủ động ứng phó với thiên tai

Nỗi lo này là có cơ sở bởi nếu so sánh cùng thời điểm năm 2015 (năm lũ rất thấp, gây nên tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử mùa khô năm 2016) thì mực nước năm nay thậm chí còn thấp hơn. So sánh gần với năm “đói lũ” 2019 vừa qua thì mực nước hiện tại vùng đầu nguồn sông Cửu Long, vùng hạ lưu và nội đồng Tứ giác Long Xuyên (TGLX) có nơi cao hơn chút ít, có nơi xấp xỉ bằng, có nơi thấp hơn.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn An Giang, đến ngày 31-8, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu chỉ đạt 1,85m, thấp hơn rất nhiều so mức báo động (BĐ) 1 (BĐ1 tại trạm Tân Châu là 3,5m); trên sông Hậu tại Châu Đốc là 1,88m (BĐ1 là 3m), tại Khánh An là 2,45m (BĐ1 là 4,2m), tại Long Xuyên 1,73m (BĐ1 là 1,9m); trên rạch Ông Chưởng tại Chợ Mới 1,7m (BĐ1 là 2m); trên sông Vàm Nao tại Vàm Nao là 1,75m (BĐ1 là 2,5m). Đối với vùng nội đồng TGLX, mực nước cao nhất ngày 31-8 trên kênh Vĩnh Tế tại Xuân Tô đạt 0,84m (BĐ1 là 3m), tại Vĩnh Gia là 0,45m (BĐ1 là 2m); trên kênh Tri Tôn tại Tri Tôn là 0, 78m (BĐ1 là 2m), tại Cô Tô 0,77m (BĐ1 là 1,4m); trên kênh Tám Ngàn tại Lò Gạch là 0,5m (BĐ1 là 1,7m); trên kênh Ba Thê tại Vọng Thê là 0,84m (BĐ1 là 1,4m); trên kênh Núi Chóc - Năng Gù tại Vĩnh Hanh là 1,07m (BĐ1 là 1,9m); trên kênh Rạch Giá - Long Xuyên tại Núi Sập là 0,82m (BĐ1 là 1,4m)...

Dự báo trong những ngày tới, mực nước cao nhất ngày tại các trạm đầu nguồn sông Cửu Long và vùng hạ lưu sông tiếp tục xuống theo triều; mực nước tại các trạm khu vực nội đồng TGLX biến đổi chậm.

Đề cao cảnh giác

Dù dự báo diễn biến lũ nhỏ, về muộn nhưng diễn biến thời tiết, thiên tai từ nay đến cuối năm 2020 và những năm tới là rất phức tạp, khó lường. Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 115-KH/TU, ngày 7-7-2020 của Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24-3-2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh An Giang.

UBND tỉnh yêu cầu triển khai thực hiện kế hoạch nghiêm túc nhằm tạo chuyển biến rõ rệt, thống nhất về nhận thức và hành động, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Qua đó, đảm bảo triển khai thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai một cách đồng bộ, thống nhất trong cả hệ thống chính trị, tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai phải có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ cấp bách, đồng thời phải có kế hoạch định hướng lâu dài trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Không chủ quan với thiên tai, thời tiết nguy hiểm

Căn cứ nội dung công việc được phân công, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định nhiệm vụ trọng tâm, bố trí nguồn lực thực hiện. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương rà soát, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh về phòng, chống thiên tai đảm bảo phù hợp các quy định của Trung ương, có tính đến tình hình đặc thù của tỉnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Qua đó, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, khả thi, có chế tài để thực thi hiệu quả, thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương rà soát, kiểm tra, giám sát việc lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, địa phương theo hướng kết hợp đa mục tiêu, thích ứng với đặc điểm của từng huyện, thị xã, thành phố, từng lĩnh vực, ngành để hạn chế tối đa việc phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành làm gia tăng rủi ro thiên tai… UBND tỉnh cũng yêu cầu nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, theo dõi, giám sát thiên tai bằng cách ứng dụng những công nghệ mới, hiện đại, đảm bảo tính chính xác, kịp thời.

Các cấp chính quyền từ tỉnh đến phường, xã, thị trấn phải quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ), nâng cao năng lực xử lý tình huống sự cố, chỉ huy điều hành để phòng ngừa, ứng phó thiên tai đạt hiệu quả cao nhất của địa phương, đơn vị nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

Theo baoangiang.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: