Sơn La: Lắp đặt hơn 1.300 hệ thống cảnh báo lũ quét và sạt lở đất

Đăng ngày: 21-01-2019 | Lượt xem: 1147
(TN&MT) - UBND tỉnh Sơn La vừa công bố Dự án Rà soát, bổ sung Quy hoạch phòng, chống thiên tai tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng 2030. Tổng kinh phí dự kiến đầu tư cho các nội dung quy hoạch là 4.663,7 tỷ đồng.

Sơn La dự kiến lắp đặt hơn 1.300 hệ thống cảnh báo lũ quét và sạt lở đất, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Sơn La dự kiến lắp đặt hơn 1.300 hệ thống cảnh báo lũ quét và sạt lở đất, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo đó, với các loại hình thiên tai chính như lũ, lũ quét và sạt lở đất, tỉnh Sơn La sẽ triển khai lắp đặt thêm 1.032 biển cảnh báo, 133 trạm đo mưa tự động, 152 trạm cảnh báo trên địa bàn 12 huyện, thành phố nhằm cảnh báo lũ quét và sạt lở đất.

Tiến hành nạo vét, gia cố hang thoát lũ suối Nậm La, đào hầm thoát lũ đèo Cao Pha, suối Muội; một số công trình thoát lũ tại huyện Mai Sơn, Yên Châu… Xây dựng kè phòng chống lũ, lũ quét và sạt lở đất bờ sông, suối, gồm: Kè tuyến mương thoát lũ Chiềng Sinh – Quyết Thắng, thành phố Sơn La; kè suối Nậm Pàn đoạn qua thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn; kè suối Nậm Công, xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp; đoạn kè bản Lướt xã Ngọc Chiến, các tuyến kè bản Ta Mo và tiểu khu 3 xã Mường Bú, đoạn kè bản Mòn, xã Tạ Bú, đoạn kè suối Nậm Păm, địa phận xã Nậm Păm và thị trấn Ít Ong huyện Mường La…

Tiếp tục trồng và bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng đặc dụng và phòng hộ đầu nguồn, đảm bảo lưu vực có độ che phủ 54% vào năm 2025 và 56% năm 2030. Bảo vệ khu dân cư và ruộng lúa bằng kè sinh học với diện tích kè gần 51.000m, trên địa bàn 7 huyện. Phân cấp lại cấp báo động trên sông Mã, suối Nậm La, suối Tấc, Nậm Pàn. Điều tra, đánh giá các khu vực thường xuyên xảy ra ngập úng.

Đặc biệt, tiến hành rà soát, bố trí, sắp xếp dân cư di dời khỏi vùng thiên tai. Trong đó, tổng số hộ cần di chuyển khoảng 7.348 hộ. Kinh phí di dời người dân khỏi vùng thiên tai khoảng hơn 1.600 tỷ đồng, gồm hỗ trợ di dân và xây dựng cơ sở hạ tầng đi kèm.

Bên cạnh đó, sẽ ưu tiên đầu tư 12 dự án, gồm: Tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức người dân trong phòng tránh thiên tai và nâng cao năng lực văn phòng thường trực phòng tránh thiên taicacs cấp; Lắp đặt các biển cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và các trạm đo mưa, đo thủy văn; Nạo vét và gia cố hang thoát lũ suối Nậm La; Nâng cấp cải tạo hồ chứa nước, điều tiết lũ hạn chế tác hại của lũ quét; Xử lý khẩn cấp ngập úng khu vực xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ; Điều tra, đánh giá tình hình ngập úng toàn tỉnh…

Tổng kinh phí dự kiến đầu tư cho các nội dung quy hoạch phòng chống thiên tai là 4.663,7 tỷ đồng, huy động từ vốn lồng ghép các Chương trình, dự án trên địa bàn; Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương; nguồn vốn vay và huy động hợp pháp khác; ngân sách địa phương.

Mục tiêu của Quy hoạch là nhằm nâng ca năng lực dự báo, huy động mọi nguồn lực thực hiện hiệu quả công tác phòng chống thiên tai từ nay đến năm 2025, định hướng 2030, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, hạn chế sự phá hoại về tài nguyên, thiên nhiên, môi trường và di sản văn hóa, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: