Phòng tránh trượt lở đất đá: Không bị động

Đăng ngày: 31-08-2018 | Lượt xem: 1014
(TN&MT) - Các hiện tượng thời tiết thất thường gây mưa lớn, cùng với các hoạt động nhân sinh như: Phá rừng, khai khoáng, xây dựng các công trình giao thông, nhà cửa… đã thúc đẩy các quá trình...
Phòng tránh trượt lở đất đá

Hiện tượng trượt lở đất đá ngày càng tăng, đe dọa đến an sinh cộng đồng. Ảnh: Hoàng Minh

Hậu quả khôn lường

Thời gian qua, lũ quét, trượt lở đất đã hoành hành nhiều tỉnh vùng núi phía Bắc, trong đó, tỉnh Hòa Bình chịu nhiều tổn thất về người, nhà cửa và ruộng nương. Gần đây nhất, ngày 30/7/2018. Tại khu vực tổ 26, phường Đồng Tiến, TP. Hòa Bình đã xảy ra hiện tượng sạt lở bờ sông trên diện rộng làm nhà của 29 hộ dân (28 hộ có nhà xây, 1 hộ có đất trống) bị thiệt hại và đổ xuống lòng sông Đà. Trong đó, 9 hộ với 22 nhân khẩu vị sập nhà hoàn toàn; 10 hộ (27 nhân khấu) bị sập nửa nhà; 9 hộ (17 nhân khẩu) nhà bị rạn nứt lớn có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.

Lường trước được vấn đề này, tháng 10/2017, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai sạt lở đất do ảnh hưởng của mưa lớn gây ra trên địa bàn tỉnh, ngay sau đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TN&MT, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã triển khai khảo sát thực địa trên địa bàn 5 xã chịu nhiều thiệt hại do thiên tai và cần phải có kế hoạch tái định cư bao gồm: Vầy Nưa, Tiền Phong, Đồng Ruộng, Suối Nhánh và xã Mường Chiềng thuộc huyện Đà Bắc. Sau đó, tiếp tục khảo sát, đánh giá địa chất sạt lở cho một số hộ dân nằm trong khu vực trọng điểm thuộc tổ 4 phường Chăm Mát; tổ 4,5 phường Thái Bình; tổ 22, 26 phường Đồng Tiến.

Ông Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, TP. Hoà Bình là một thành phố bán sơn địa, phát triển dọc theo thung lũng sông Đà. Ở khu vực phường Chăm Mát và phường Thái Bình phát triên dãy núi cao 140 - 160m chạy dọc theo phương Đông Bắc - Tây Nam. Các khối trượt đều phát triển trên địa hình đồi thấp (50 - 100m), năng lượng địa hình không lớn với sườn dốc phần lớn là thoải 20 - 30oC. Mùa mưa ở đây kéo dài từ tháng 5 tới tháng 10, lượng mưa chiếm 85 - 90% lượng mưa cả năm. Cường độ mưa lớn, đặc biệt là từ tháng 6 đến tháng 9 có mưa lớn kèm theo lốc xoáy, tạo ra lũ quét vàsạt lở đất đá.

Ông Hòa cho biết, riêng tại phường Đồng Tiến, báo cáo của Đoàn Khảo sát đã nhận định rõ, sau trận mưa lớn tháng 10/2017, nước sông Đà dâng cao, phần đất (đất san gạt) phía sau các hộ dân bị ngâm nước trong thời gian dài đã trở nên bở rời, gắn kết kém. Khi nước rút đã làm trôi các vật liệu kích thước nhỏ, làm rỗng bên trong nền đất gây nên hiện tượng sụt lún cho khu vực tổ 26, phường Đồng Tiến. Mặt khác địa hình sau lưng nhà dân cũng khá dốc không có biện pháp bảo vệ: cọc tre, tường chắn… nên dễ bị xói mòn khi có mưa lớn. Một trong những ảnh hưởng thường xuyên có thể tác động dần dần tới hiện tượng sạt lở tại đây đó là quá trình xả nước thải bừa bãi không chỉ ở tổ 26, phường Đồng Tiến mà có thể các khu vực khác ở dọc bờ sông Đà. Các đường ống xả thải được xả trực tiếp và phía sườn sau nhà cũng đã ảnh hưởng phần nào đến khả năng giữ đất tại các khu vực này.

Cân nâng cao năng lực phòng tránh

Để hạn chế hậu quả do trượt lở đất gây ra, trong báo cáo của Đoàn Khảo sát Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã khuyến cáo UBND TP. Hòa Bình nên áp dụng các mô hình nhà thích ứng với địa hình và điều kiện của từng khu vực, tránh để người dân tự ý xây dựng đặc biệt ở các khu vực đồi núi và bờ sông không theo định hướng và thiết kế kỹ thuật.

Bộ TN&MT đã xây dựng hệ thống bản đồ cơ sở dữ liệu, bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt trượt đất đá tại các vùng miền núi, trung du làm cơ sở phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sắp xếp lại dân cư đảm bảo ổn định, bền vững; đồng thời, nâng cao khả năng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, phục vụ chỉ đạo sơ tán dân cư kịp thời, phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Các tỉnh miền núi đều đã có bộ bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 trên cơ sở kết quả điều tra và sơ bộ đánh giá các điều kiện tự nhiên - kinh tế - xã hội của toàn khu vực. Đề án đã khoanh định các vùng nguy hiểm, tiềm ẩn các nguy cơ trượt lở đất đá có thể ảnh hưởng đến điều kiện kinh tế, giao thông, dân cư và kế hoạch phát triển kinh tế địa phương.

Dù công tác dự báo lũ quét, sạt lở của nước ta được các chuyên gia trong nước và thế giới đánh giá rất cao. Tuy vậy, do điều kiện kinh tế - xã hội rất đặc thù của các địa phương miền núi phía Bắc nên để đối phó với trận sạt lở thường xảy ra bất ngờ, cách tốt nhất là địa phương phải làm tốt công tác phòng tránh.

Cụ thể, các địa phương cần có đủ năng lực để tích hợp được kết quả bản đồ cảnh báo vào trong công tác quy hoạch tại địa phương để phòng ngừa từ xa. Trong việc xây dựng công trình giao thông, nhà ở cho người dân phải hết sức để ý đến sự ổn định của các sườn dốc. Đối với người dân, các chuyên gia khuyến cáo rằng, nước chính là tác nhân nguy hiểm số một gây nên trượt lở đất đá nên người dân sống gần các dòng nước chảy, khối nước trên cao cần sơ tán đến nơi an toàn khi có cảnh báo về nguy cơ trượt lở đất trong mùa mưa.

Đặc biệt, địa phương cần tăng cường nguồn lực xây dựng các vùng dân cư tránh lũ; khi có mưa lớn, chính quyền cần kiên quyết di dời người dân đến vùng an toàn khi có dự báo lũ quét, trượt lở. Cần có quy định cụ thể về thời gian đảm bảo an toàn để quay về khu vực có nguy cơ trượt lở cao, để đảm bảo an toàn cho người dân và hạn chế nguy cơ thiệt hại.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: