Những người “bắt mạch” ông trời ở đảo Bạch Long Vỹ

Đăng ngày: 15-07-2019 | Lượt xem: 4833
Chẳng có công việc nào âm thầm như nghề quan trắc viên khí tượng thuỷ văn và cũng không nơi đâu cán bộ quan trắc viên sống và làm việc vất vả như ở đảo Bạch Long Vỹ. Họ dành cả tuổi thanh xuân của mình ở đây chỉ để làm đúng một việc:“bắt mạch” ông trời.

Sau hơn 8 tiếng “nhảy” sóng, tàu cập âu cảng Bạch Long Vỹ. Từ phía xa đã thấy hàng trăm tàu cá neo đậu, bao nhiêu tàu thì có bấy nhiêu cờ Tổ quốc, những lá cờ này cũng “kiên cường” trước giông tố biển cả như chính ngư dân trên đảo đang hằng ngày bám trụ, mưu sinh. Nhưng quan trọng hơn nữa là chính họ đang góp phần gìn giữ một phần máu thịt của Tổ  quốc.

Trạm khí tượng hải văn Bạch Long Vỹ được hải quân xây dựng vào năm 1957, đến năm 1962 bàn giao lại cho Nha khí tượng Hà Nội mà nay là Tổng cục Khí tượng thuỷ văn. Trên trạm hiện nay có 8 cán bộ quan trắc viên, trong đó 5 người chưa tới 30 tuổi, trẻ nhất là em út Lý Mạnh Trường, SN 1995 quê ở Bắc Cạn. Vất vả khổ sở là vậy nhưng anh em cũng luôn động viên nhau cố gắng rèn luyện, hoàn thành tốt công việc.

Chẳng có công việc nào âm thầm như nghề quan trắc viên khí tượng thuỷ văn và cũng không nơi đâu cán bộ quan trắc viên sống và làm việc vất vả như ở đảo Bạch Long Vỹ. Họ dành cả tuổi thanh xuân của mình ở đây chỉ để làm đúng một việc:“bắt mạch” ông trời.

Quan trắc viên Phạm Ngọc Tú trong một ca trực. 

Vì được thông báo trước nên tôi được các anh em trong trạm đón ở nhà công vụ của trạm. Đây vừa là nơi đón khách vừa là chỗ anh em sống và sinh hoạt, đằng sau có khoảng sân rất rộng để đặt máy thám không. 

Anh Nguyễn Văn Cường là trạm trưởng đón tôi như một người thân từ xa trở về nhà. Như các quan trắc viên khác mà tôi từng gặp, anh Cường cũng điềm đạm, ít nói, thi thoảng cười mỉm khá duyên. Có lẽ đó là đặc thù nghề nghiệp đã tạo cho họ tính cách như vậy.

Trạm này có tên là Trạm khí tượng hải văn chứ không phải thuỷ văn như nhiều trạm khác bởi ở đây thay vì đo nước sông thì, các anh phải đo độ mặn của nước biển và thêm cả chuyên môn thám không. 

Anh Cường ra đây cũng ngót nghét chục năm, ấy vậy mà chưa bao giờ anh nghĩ việc bỏ nghề dù anh biết người ngoài bảo nghề của anh… vừa chán, vừa nghèo! Đúng vậy, công việc của quan trắc viên chỉ là lấy số liệu từ mấy chiếc máy rồi báo về đài ở trong đất liền.

Họ làm vậy từ năm này qua năm khác không thay đổi với đồng lương ít ỏi. Đó còn chưa kể thời tiết ở Bạch Long Vỹ khắc nghiệt muôn phần. Đây là nơi đón bình minh sớm nhất của Việt Nam và cũng hứng bão đầu tiên. Bão ngoài biển thì khủng khiếp, biển khơi mênh mông là điều kiện thuận lợi cho bão phát triển. Ngoài này, lúc thì nắng cháy da cháy thịt, lúc lại gió giật từng cơn, mưa như tát vào mặt nhưng cũng có lúc đại dương kia lại dịu dàng như thiếu nữ đôi mươi. Giữa biển cả mênh mông thế này lúc nắng lúc mưa, lúc bình yên khi giống bão, anh Cường tâm sự.

Thật sự đến đây sống cùng anh em mới thấy họ khổ mọi mặt và sự chịu đựng khắc nghiệt của thời tiết không khổ bằng thiếu nước ngọt. Đảo Bạch Long Vỹ sống chủ yếu dựa vào nước mưa và hai giếng khoan nhưng nói chung vẫn phụ thuộc vào ông trời. Mưa nhiều thì tích được nhiều, có khi mấy tháng liền không có giọt nào thì cũng đành chịu!

Tiếp đó là cơ sở hạ tầng đã xuống cấp trầm trọng, bây giờ đang mùa mưa bão nên nhà dột là thường xuyên, nhà cửa của anh em đã dột đến mức tường nhà mọc rêu xanh lè, anh em phải căng bạt để ngồi làm việc.

Người lâu nhất làm việc ở đây cũng đã chục năm, còn ít nhất cũng phải đôi ba năm. Họ hy sinh cả gia đình, tuổi thanh xuân để thực hiện nhiệm vụ nhưng thu nhập lại rất ít ỏi so với những gì họ làm. Nếu như anh Nguyễn Đình Tuấn có bằng đại học thì tính tổng thu nhập của anh bao gồm cả chế độ… thì cũng chỉ được 10 triệu, thế là cao nhất trong số 8 anh em.

Để nuôi gia đình và tiêu dùng hằng ngày ở đảo anh còn đi nhặt ve chai rồi bán cho mấy nhà thu mua đồng nát. Mới đầu nhìn anh, tôi tưởng anh là dân chài vì làn da nâu bóng hơn hẳn các anh em khác nhưng, hoá ra đó là những ngày anh phơi nắng nhặt ve chai ở ngoài âu cảng.

Khi mặt trời vừa lặn thì cũng là lúc anh em ăn cơm xong, mọi sinh hoạt ở đây đều chuẩn chỉnh như quân đội vì giờ trực lấy số liệu phải đúng từng giây. Cùng vào một thời điểm, tất cả các quan trắc viên trên cả nước và cả thế giới sẽ ra trạm lấy số liệu rồi gửi về đài. Khác với các trạm trong đất liền, ở Bạch Long Vỹ chế độ quan trắc là 24/24h, với khí tượng là 8Obs/ngày (Obs là lần) còn với hải văn và thám không là 4Obs/ngày. Vào ngày có bão thì số lần quan trắc có thể hơn để cập nhật nhanh nhất số liệu vào bờ.

7h tối, tôi theo chân quan trắc viên Phạm Ngọc Tú (SN 1990, quê ở Hải Phòng, ở đảo đã 5 năm) lên trạm quan trắc bề mặt nằm cách nhà công vụ khoảng hơn 1km. Đường lên đây rất dốc uốn éo từ chân đồi lên đỉnh, chiếc xe máy mượn của anh Cường phải chật vật lắm mới lên đến chỗ để xe, lên trạm còn phải đi bộ khoảng hơn 100 mét dốc nữa. 

Tú chia sẻ rằng, những ngày khô ráo còn đi bộ được chứ gặp hôm mưa gió cấp 7, 8 thì chỉ có mà… bò. Tôi thật sự ngạc nhiên về chi tiết này, để đến mức anh em phải bò đi làm thì đúng là không có gì khổ hơn. Nhưng đúng vậy, gió giật cấp 7, 8 kèm mưa thì có buộc người vào dây cũng bị thổi bay đi chứ đừng nói là đứng dậy. Nên anh em chỉ còn biết bò lên trạm.

Có những ngày, ngoài trời mưa như trút nước, sét đánh ầm ầm nhưng cứ đúng giờ đó Tú cùng anh em phải thực hiện ca trực. Bằng mọi cách phải có dữ liệu gửi vào bờ. Tú kể, mới đầu đến đây thấy giông bão kinh quá cứ trùm áo mưa chạy một mạch lên trạm, cũng sợ bị sét đánh nhưng sợ hơn là không hoàn thành công việc.

Tú cũng vui vẻ chia sẻ, sắp tới Tổng cục Khí tượng thuỷ văn sẽ đầu tư sửa chữa lại nhà cửa và làm lại con đường lên trạm. Đường tốt thì anh em cũng làm việc tốt hơn, nhanh hơn. Gặp nhiều hôm bão bùng, sóng điện thoại mất phải chạy xuống nhờ điện đàm của quân đội mà anh em ngã từ đỉnh dốc xuống không biết bao nhiêu lần…

Công việc quan trắc ở các trạm khí tượng thuỷ/hải văn đòi hỏi các quan trắc viên phải có chuyên môn cao, và đặc biệt phải cực kỳ cẩn thận, tỉ mỉ. Yêu cầu dữ liệu chỉ cho phép họ được phép sai số 0,01%!

Đảo tuy bé nhưng để di chuyển vẫn cần phương tiện, và Tổng cục cấp cho 8 anh em hai chiếc xe đạp mà anh em gọi vui là “xe công”. Người dân ở đây kể, nhìn cán bộ quan trắc đèo nhau trên hai chiếc xe đạp đã gỉ sét gần hết cũng thấy thương và càng khâm phục ý chí của họ. Chẳng khó khăn nào mà họ không vượt qua, dù nắng cháy mưa giông, không điện không nước nhưng dữ liệu khí tượng hải văn vẫn đúng giờ đó, phút đó được gửi về bờ.

8 anh em làm nên một gia đình, cùng chia sẻ, nương tựa nhau nhưng nỗi nhớ nhà chưa bao giờ nguôi ngoai trong họ. Những chàng trai đôi mươi ngày nào chỉ sau vài tháng làm việc ở Bạch Long Vỹ đã cứng cáp, phong trần hơn xưa. Họ chào đón tôi như một thành viên trong gia đình với tình cảm vô cùng giản dị, không phô trương hào nhoáng mà tất cả là sự chân thật của người sống nơi đảo xa. Ở đây cái gì cũng thiếu nhưng lại chan chứa là tình người.

Theo cand.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: