Nhiều bài học quý đúc kết sau đợt hạn mặn lịch sử

Đăng ngày: 22-06-2020 | Lượt xem: 2799
ĐBSCL đã vượt qua mùa hạn mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử, song thiệt hại lại giảm xuống mức thấp nhất. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, từ mùa hạn mặn này chúng ta đúc kết được những bài học quý giá cho thời gian tới.

Thiệt hại giảm xuống mức thấp

Báo cáo tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh khu vực ĐBSCL mùa khô năm 2019-2020 của Bộ NN-PTNT nêu rõ, do ảnh hưởng của tình trạng thiếu hụt dòng chảy từ thượng nguồn về ĐBSCL trong mùa khô năm 2019-2020, xâm nhập mặn đã xuất hiện ở mức cao nhất trong lịch sử, gay gắt hơn đợt xâm nhập mặn năm 2015-2016.

Song, ngay từ tháng 6/2019, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo tăng cường theo dõi, dự báo sớm tình trạng xâm nhập mặn để báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện sớm một số giải pháp chủ động ứng phó. Đồng thời thành lập Tổ công tác tiền phương để thường xuyên tổ chức và phân công các đoàn công tác phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Các công trình thủy lợi đang xây dựng được đẩy nhanh tiến độ thi công vượt kế hoạch từ 6-13 tháng và đưa vào vận hành phòng tạm thời, chống xâm nhập mặn từ tháng 12/2019. Tháng 1/2020, đã chủ động trực tiếp kiểm soát xâm nhập mặn khoảng 83.000 ha đất canh tác nông nghiệp và hỗ trợ kiểm soát ảnh hưởng xâm nhập mặn cho 300.000 ha. 

Dù trải qua đợt hạn mặn nghiêm trong nhất trong lịch sử, song với những nỗ lực của bộ ngành cùng các địa phương nên thiệt hại giảm đáng kể so với mùa hạn mặn 2015-2016

Bên cạnh đó, Bộ còn phối hợp với các địa phương tổ chức tổ chức xuống giống vụ Đông-Xuân năm 2019-2020 sớm hơn so với thời vụ các năm trước từ 10 đến 20 ngày. Tập trung xuống giống trong tháng 10, 11, kết thúc xuống giống trước tháng 12/2019 để bảo đảm né thời điểm xâm nhập mặn lên cao.

Ngoài ra, đã tổ chức chuyển đổi diện tích cây trồng trên đất lúa có nguy cơ hạn, xâm nhập mặn cho khoảng 50.000 ha sang canh tác rau màu, cây ăn quả lâu năm, nuôi trồng thủy sản và chủ động cắt vụ, giãn vụ đạt gần 100.000 ha để tránh nguy cơ bị thiệt hại.

Các địa phương cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn với kịch bản bằng và cao hơn đợt xâm nhập mặn lịch sử năm 2015-2016; đồng thời tổ chức sát sao việc theo dõi thông tin về xâm nhập mặn và thực hiện nhiều giải pháp phù hợp với địa bàn.

Dù đợt hạn hặn này ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ĐBSCL, nhưng với sự lỗ lực của Bộ NN-PTNT, cùng các địa phương và người dân nên thiệt hại giảm xuống mức thấp.

Cụ thể, tổng diện tích lúa bị thiệt hại 58.400ha, bằng 14% so với diện tích bị ảnh hưởng năm 2015-2016 (tổng mức ảnh hưởng năm 2015-2016 là 405.000 ha). Có tổng cộng khoảng 96.000 hộ dân gặp khó khăn trong thời gian diễn ra hạn, mặn, chỉ bằng 54% mức ảnh hưởng năm với năm 2015-2016 (tổng cộng 210.000 hộ).

Đúc kết nhiều bài học quý

Tại Hội nghị “Tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống hạn, mặn năm 2019-2020” với sự tham dự của các nhà khoa học, lãnh đạo địa phương và cơ quan chuyên môn được tổ chức tại Long An vào ngày 20/6, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 ở khu vực ĐBSCL ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử, tuy nhiên, mức độ gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh được giảm thiểu đáng kể. Theo ông, từ mùa hạn mặn này có thể đúc kết được những bài học quý giá cho thời gian tới.

Cụ thể, các cơ quan chuyên môn đã làm tốt công tác dự báo xâm nhập mặn. Việc nhận định sớm thời điểm xâm nhập mặn ảnh hưởng cực kỳ quan trọng trong việc bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với tình trạng nguồn nước.

Công tác điều hành sớm, sát sao các giải pháp ứng phó của Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo các Bộ, ngành đã giúp thực hiện sớm các giải pháp ứng phó, đặc biệt việc khoanh vùng, cắt giảm, chuyển đổi thời vụ sản xuất để né mặn.

Sự vào cuộc quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND và các ban ngành ở các tỉnh, thành phố trong việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành đã triển khai kịp thời các giải pháp ứng phó hiệu quả.

Việc bố trí diện tích, cơ cấu thời vụ (thời gian gieo cấy) phù hợp với tình hình diễn biến xâm nhập mặn, nguồn nước là giải pháp hữu hiệu để ứng phó với xâm nhập mặn.

Nhận thức của người dân về nguy cơ, diễn biến, ảnh hưởng tác động của xâm nhập mặn đã được nâng cao, để từ đó, người dân đã đúc rút kinh nghiệp, có nhiều sáng kiến, chủ động có phương án ứng phó, tuân thủ theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn đã làm giảm nhiều thiệt hại.

Việc thu thập thông tin từ thượng nguồn để hỗ trợ thực hiện việc dự báo xâm nhập mặn là rất cần thiết, cần tiếp tục phải tăng cường trong thời gian tới, đặc biệt là nâng cao chất lượng dự báo dài hạn.

Công tác thủy lợi như nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đào ao, giếng, đắp đập tạm ngăn mặn, lắp đặt trạm bơm dã, đầu tư xây dựng các công trình kiểm soát mặn đóng vai trò rất quan trọng. 

Cần phải tăng cường các giải pháp, kế hoạch dài hạn, bền vững nhằm bảo đảm cho việc nước sinh hoạt cho người dân trong vùng thích ứng với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn dài ngày, đặc biệt ở khu vực thường xuyên bị hạn hán, xâm nhập mặn.

Thực hiện mở rộng tuyến ống cấp nước theo hình thức xã hội hóa, Nhà nước và nhân dân cùng làm, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cung cấp vật tư, nhân công kỹ thuật lắp đặt ống nước, người dân tham gia ngày công lao động đào đường rãnh đặt ống nước (kinh nghiệm tại Sóc Trăng đã tiết kiệm khoảng 30% kinh phí thực hiện), Bộ trưởng cho hay.

Theo vietnamnet.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: