Nhận định tình hình mưa lũ ở khu vực miền núi phía bắc và đồng bằng Bắc Bộ

Đăng ngày: 30-06-2020 | Lượt xem: 2451

1. Tình hình mưa, lũ ở Trung Quốc

Theo thông tin truyền thông, trong 2 tuần qua, trên lãnh thổ Trung Quốc đã xuất hiện mưa lũ lớn, lũ lịch sử, đặc biệt trên lưu vực sông Trường Giang.

Số mưa thực đo tại các trạm khí tượng phát báo quốc tế trong tháng 6/2020 tại một số tỉnh ở Trung Quốc phổ biến như sau: tỉnh Hồ Bắc từ 300-400m; Trùng Khánh, Quý Châu, Quảng Tây từ 200-400mm; riêng trạm Guilin thuộc Quảng Tây đạt trên 600mm.

Sử dụng nguồn dữ liệu vệ tinh GSMaP, ước tính tổng lượng mưa tháng 6/2020 một số tỉnh chịu ảnh hưởng của lũ lụt gồm: Trùng Khánh có tổng lượng mưa từ 200mm-300mm, Quảng Tây là 500mm-600mm có nơi  >700mm, tỉnh Quý Châu từ 250mm-300mm; còn lại Vân Nam và Hồ Bắc dưới 250mm.

Nguyên nhân của các đợt mưa lớn trong 2 tuần qua ở khu vực phía Đông và phía Đông Nam của Trung Quốc là do tác động của một dải mây Front; gọi là Front Mei-yu đã được rất nhiều các nhà khoa học Trung Quốc và Nhật Bản nghiên cứu, là nguyên nhân gây ra mưa lớn cùng lũ lụt ở Nam Trung Quốc và Đài Loan trong tháng 5, tháng 6 và Nhật Bản trong tháng 6, tháng 7; Front Mei-yu ít tác động đến khu vực phía Bắc của Việt Nam.

2. Nhận định tình hình khí tượng thủy văn khu vực Bắc Bộ 6 tháng cuối năm 2020

Về tình hình mưa, bão:  Đối với khu vực Bắc Bộ trong mùa mưa bão tập trung vào giai đoạn từ tháng 8 đến giữa tháng 10, có khoảng từ 1-2 XTNĐ/bão ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ giai đoạn từ tháng 8-10/2020.

Tổng lượng mưa: Tháng 7/2020 phổ biến ở mức thiếu hụt khoảng từ 10-25%; tháng 8, tháng 10, tháng 11/2020 ở mức xấp xỉ TBNN; tháng 9 cao hơn TBNN từ 15-30% so với TBNN, riêng khu vực đồng bằng Bắc Bộ ở mức xấp xỉ so với TBNN. Tháng 12/2020 phổ biến thấp hơn từ 15-30% so với TBNN

Tình hình thủy văn khu vực các sông Bắc Bộ: Thời kỳ nửa đầu tháng 7, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng-Thái Bình sẽ xuất hiện lũ nhỏ với biên độ lũ lên từ 2-4m.  Đỉnh lũ trên các sông có thể đạt mức BĐ1, sông suối nhỏ mức BĐ2. Đỉnh lũ lớn nhất trên các sông suối từ cuối tháng 7-10/2020 phổ biến ở mức BĐ1-BĐ2, cao hơn năm 2019, cụ thể như sau: Đỉnh lũ trên lưu vực trên sông Thao, thượng lưu sông Lô, sông Chảy và sông Hoàng Long từ BĐ2-BĐ3; sông Đà và thượng lưu sông Thái Bình ở mức BĐ1- BĐ2;  lũ hạ lưu sông Lô ở mức BĐ1; hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội và hạ lưu sông Thái Bình tại Phả Lại ở mức dưới BĐ1. Lũ trên các sông suối nhỏ thuộc hệ thống sông Hồng-Thái Bình ở mức BĐ3 và trên BĐ3. Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực vùng núi, đặc biệt khu vực Tây Bắc.

Theo nhận định chung tổng lượng mưa tháng có xu thế ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN, tuy nhiên theo số liệu thực tế cho thấy mưa lớn trong một thời gian ngắn đã gây nên những trận lũ lớn và đặc biệt lớn. Với những diễn biến thời tiết bất thường như hiện nay và tình hình mưa, lũ đang xảy ra ở các tỉnh phía nam Trung Quốc cho thấy sự phức tạp của mùa mưa lũ năm nay ở khu vực Bắc Bộ nói riêng, trên toàn quốc nói chung. Nguy cơ về suất hiện lũ lớn là luôn tiềm ẩn và cần được theo dõi cập nhật thông tin dự báo thường xuyên.

PHỤ LỤC

Bảng 1: Tổng lượng mưa các trạm từ ngày 1-28/6/2020 ở Trung Quốc

Hình 1: Lượng mưa ước lượng từ ảnh mây vệ tinh

Hình 2: Hình thế Front Mei-yu gây mưa ở Trung Quốc

Văn phòng Tổng cục KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: