Nâng cao năng lực dự báo giảm thiểu thiệt hại do thiên tai

Đăng ngày: 27-03-2022 | Lượt xem: 2669
Theo Kế hoạch phòng chống thiên tai đến năm 2025 mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Nâng cao năng lực dự báo và đầu tư hạ tầng phòng chống thiên tai là hai trong nhiều giải pháp nhằm chủ động và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đối với giải pháp nâng cao năng lực, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần xây dựng, rà soát phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo rủi ro thiên tai, nhất là lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn.

Nâng cấp, hiện đại hóa công nghệ dự báo, cảnh báo thiên tai thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhất là khu vực miền núi, ven biển miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng hệ thống dự báo dựa trên tác động, cảnh báo dựa trên rủi ro đối với các hiện tượng, thiên tai khí tượng thủy văn.

Tiếp tục xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hệ thống thông tin cảnh báo thiên tai ứng phó với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác dự báo khí hậu; điều tra, đánh giá tài nguyên khí tượng thủy văn và giám sát biến đổi khí hậu.

Hiện đại hóa hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn theo hướng tự động hóa, nhất là hệ thống trạm đo mưa; nâng cấp hạ tầng truyền dẫn trong việc thu thập số liệu khí tượng thủy văn.

Phát triển công nghệ dự báo số và công nghệ dự báo định lượng mưa; công nghệ dự báo lũ phục vụ vận hành hồ chứa.

* Đầu tư hàng loạt cơ sở hạ tầng

Để phòng chống áp thấp nhiệt đới, bão, bão mạnh, siêu bão, cần tập trung xây dựng, củng cố, nâng cấp khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp với dịch vụ hậu cần nghề cá theo quy hoạch. Tiếp tục trồng rừng phòng hộ ven biển; tu bổ, củng cố, nâng cấp hệ thống đê, kè biển; xây dựng, củng cố nhà kết hợp sơ tán dân khi có bão lũ lớn; xây dựng, củng cố hệ thống cảnh báo thiên tai đa mục tiêu.

Để phòng chống lũ, ngập lụt, cần triển khai các dự án tu bổ, nâng cấp hệ thống đê chống lũ, kiểm soát lũ, tăng cường khả năng thoát lũ; trồng rừng phòng hộ đầu nguồn; chống ngập cho các thành phố lớn; xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long.

Xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất; công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất. Chủ động di dời, sắp xếp lại dân cư ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng để di dời dân cư (đối với những khu vực không thể bố trí sắp xếp dân cư theo hình thức xen ghép, phải bố trí sắp xếp dân cư tập trung) là các giải pháp để phòng chống lũ quét, sạt lở đất.

Phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển bằng cách triển khai các dự án kè phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; khôi phục rừng ngập mặn ven biển, đặc biệt là tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và ven biển Trung Bộ theo Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

Để phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, cần triển khai các dự án xây dựng, nâng cấp hồ chứa nước; xây dựng công trình ngăn mặn; sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi phục vụ cấp nước chống hạn; kiểm soát nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước, trữ và cấp nước cho những vùng thường xuyên bị hạn hán.

Ngoài ra, cần đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất đảm bảo công tác theo dõi, giám sát, chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai. Xây dựng Trung tâm điều hành phòng chống thiên tai quốc gia; xây dựng, nâng cấp trung tâm dữ liệu phục vụ phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tạp chí KTTV

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: