Nâng cao năng lực cộng đồng trước hiểm họa sạt lở ở vùng ĐBSCL

Đăng ngày: 05-07-2021 | Lượt xem: 1571
Tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng và khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển, hệ thống đê biển là một trong những ưu tiên trong Nghị quyết 120.

 

Trước khi Nghị quyết 120/NQ-CP ban hành, Bộ NN-PTNT và các địa phương trong vùng xác định có 195 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển đặc biệt nguy hiểm cần xử lý với tổng chiều dài 297 km, dự kiến kinh phí 14.765 tỷ đồng. Ảnh: Hữu Đức.

TP Cần Thơ trong những năm gần đây diễn biến biến đổi khí hậu (BĐKH) bão lũ gia tăng. Nạn sạt lở bờ biển, bờ sông, kinh, rạch là một trong các loại hình thiên tai phổ biến, không theo quy luật tự nhiên và thường xuyên xảy ra ở vùng ĐBSCL.

Trên địa bàn TP Cần Thơ, do tập quán sinh cư lâu đời hiện còn tồn tại hàng ngàn hộ dân cất nhà ở ven sông. Tình trạng sạt lở liên tục báo động, khoanh vùng điểm nóng dọc theo một số đoạn các sông Hậu, sông Cần Thơ, sông Ô Môn, Bình Thủy, Trà Nóc, kinh xáng Cái Sắn, kinh Bò Ót…

Từ đầu năm đến nay thành phố đã xảy ra hàng chục điểm sạt lở. Mới đây, cuối tháng 6 xảy ra sạt lở bờ sông Ô Môn, một đoạn đường bê tông ngang gần 3m, dài gần 60m đổ sụp hoàn toàn xuống lòng sông, cắt đứt đường giao thông tuyến dân cư ven sông tại khu vực Thới Trinh B, phường Thới An, quận Ô Môn.

Bà Nguyễn Thị Út, một hộ dân có nhà ở sát bên con đường ngang qua khu vực vừa xảy ra sạt lở, tỏ vẻ lo lắng: Chỉ một khúc đường ngắn nằm kề miệng Hà Bá có dấu hiệu nứt nẻ trước nhiều tháng qua, nhưng ai ngờ phút chốc đã trôi tuột mất tăm dưới lòng sông sâu. Trước đó dân trong xóm có xốc cừ tràm, vài chục bao cát xem ra không thấm tháp gì.

Căn nhà sàn nhỏ làm nơi sửa chửa cơ khí của anh Khải nằm gần đoạn sạt lở chưa đầy 50 m. Anh Khải cảm thấy lo âu: Sau mấy ngày sạt lở xảy ra, dân trong xóm lo sợ khi ra bờ sông nhìn dòng nước cuộn cuộn lúc triều dâng cao đạp thẳng vào khúc vịnh đoạn sông Ô Môn này. Đường tắt, xe máy 2 bánh không qua lại được, mua bán làm ăn càng khó khăn, sợ nhất vào đêm hôm đổ bệnh biết làm sao cấp cứu?

Người dân địa phương cho rằng, dòng chảy tự nhiên con sông có doi có vịnh. Bên doi đất bồi nhô ra còn có thể trồng bần hay các loại cây giữ đất. Bên vịnh gặp nước xoáy mạnh chỉ còn cách đóng cọc làm kè. Vì vậy, sạt lở xảy ra chính quyền địa phương và cán bộ Chi cục Thủy lợi thành phố đã đến khảo sát đo đạc quanh khúc sông này. Hiện thời chính quyền địa phương đã rào chắn, gắn biển báo không cho người dân đến gần khu vực sạt lở.

Ông Lê Việt Sĩ, Chủ tịch UBND quận, Trưởng ban Ban Chỉ huy Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) quận Ô Môn, cho biết thêm: Dọc theo bờ tả ngạn sông Ô Môn, đoạn đi từ phường Thới Hòa đến phường Thới An chiều dài khoảng 5 km.

Vừa qua chính quyền địa phương cùng cơ quan chức năng qua khảo sát, xác định xuất hiện dấu hiệu sạt lở và nguy cơ sạt lở rất cao. Đặc biệt có một số điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng nhiều trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, con em học hành và sinh hoạt của người dân.

Một đoạn đường bị sạt lở bên bờ sông Ô Môn (Cần Thơ). Ảnh: Hữu Đức.

Trước đó cơ quan chức năng TP Cần Thơ đã lập dự án xây dựng kè và đưa vào danh mục công trình xây dựng khẩn cấp, phòng chống sạt lở. Trong đó có một số đoạn báo động nguy cấp dọc theo phía bờ phải sông Ô Môn. Tuy vậy, do nguồn lực có giới hạn, nguồn kinh phí của thành phố còn hạn chế nên rất cần sự đầu tư, hỗ trợ của Bộ, ngành Trung ương để triển khai xây dựng. Trong khi đó chính quyền địa phương, người dân rất mong đợi có giải pháp hiệu quả lâu dài để ngăn chặn nạn sạt lở, giúp người dân an cư lạc nghiệp.

Ngược lên phía đầu nguồn sông Hậu, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận Thốt Nốt (Cần Thơ), cho biết hiện thời trên địa bàn quận Thốt Nốt có 39 điểm có nguy cơ sạt lở cao với tổng chiều dài hơn 15 km và 269 căn nhà cần phải di dời.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, trên dịa bàn TP Cần Thơ liên tục xảy ra lốc xoáy và sạt lở. Đây là 2 loại hình thiên tai khiến người dân sinh sống tại các cụm dân cư, nhất là tuyến ven sông thường chịu ảnh hưởng nặng nề. Sạt lở bờ sông xảy ra 11 điểm, làm sạt mất hoàn toàn 5 căn nhà, 35 căn nhà bị sạt một phần. Tổng chiều dài các đoạn sạt lở gần 320m, tổng thiệt hại hơn 3,8 tỷ đồng.

Để đối phó kịp thời, chủ động trước tình huống thiên tai có nguy cơ xảy ra BCH PCTT-TKCN TP Cần Thơ phối hợp chính quyền địa phương thường xuyên tiến hành khảo sát thực địa, kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở cao, lập kế hoạch, lên phương án ứng phó nhanh, chủ động trước khi thiên tai xảy ra.

Đặc biệt trong điều kiện cơ sở hạ tầng và nhà cửa người dân chưa an toàn quanh khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai cao, thành phố yêu cầu chính quyền cùng các sở ngành liên quan chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng hiểu biết về thiên tai. Các biện pháp ứng phó hiệu quả, không chủ quan trước thiên tai để giảm thiểu tối đa mức thiệt hại do thiên tai gây ra.

Trong 3 năm 2018 - 2020, TP Cần Thơ triển khai xây dựng 9 tuyến kè bảo vệ bờ sông tại các quận, huyện Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt và Phong Điền với chiều dài 21.940m, tổng vốn đầu tư trên 2.440 tỷ đồng và tiến hành di dời hơn 1.000 hộ dân sống ven sông vào nơi an toàn.

Trước khi Nghị quyết 120/NQ-CP ban hành, Bộ NN-PTNT và các địa phương trong vùng xác định có 195 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển đặc biệt nguy hiểm cần xử lý với tổng chiều dài 297 km, dự kiến kinh phí 14.765 tỷ đồng.

Trong 3 năm, từ 2018-2020, Bộ NN-PTNT cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ, Quốc hội hỗ trợ các tỉnh vùng ĐBSCL 6.622 tỷ đồng từ các nguồn vốn ngân sách Trung ương, nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để hỗ trợ xử lý 119 điểm sạt lở với chiều dài 157km, góp phần ổn định đời sống dân sinh, phát triển vùng ven sông, ven biển.

Báo Nông Nghiệp

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: