Mục tiêu cuối cùng là giảm nhẹ thiệt hại thiên tai

Đăng ngày: 16-01-2024 | Lượt xem: 1686
(TN&MT) - Xác định công tác cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) có ý nghĩa quan trọng trong giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, nước ta đã chú trọng phát triển ngành KTTV, chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, góp phần giảm tổn thất nặng nề về người và tài sản.

Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi với ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV để làm rõ vai trò của công tác dự báo, cảnh báo KTTV cũng như những nỗ lực phát triển ngành trong thời gian qua.

Ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tính hiệu quả của công tác dự báo, cảnh báo KTTV những năm qua, đặc biệt trong các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai?

Ông Hoàng Đức Cường: Hiệu quả của các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai trong thời gian qua đã có những đóng góp hết sức thực tế đối với xã hội. Minh chứng điển hình là năm 2019 - 2020, trong dự báo hạn mặn, nhờ dự báo sớm nên mặc dù hạn mặn và xâm nhập mặn xảy ra với quy mô lớn và mức độ khốc liệt nghiêm trọng nhất trong lịch sử tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng mức độ thiệt hại đến sản xuất, dân sinh được giảm thiểu, đặc biệt là thiệt hại về sản xuất nông nghiệp chỉ bằng khoảng 10% so với các năm hạn mặn khốc liệt trước đây.

Một dẫn chứng khác là năm 2022, dự báo sát về cường độ bão số 4 (bão Noru) đã giúp Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, chính quyền địa phương các cấp, người dân, doanh nghiệp chủ động phòng, chống thiên tai hiệu quả, góp phần giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản... Nê´u không dự báo trước được 2-3 ngày và có ứng phó kịp thời thì thiệt hại về người và tài sản trong cơn bão Noru còn nhiều hơn so với cơn bão Ketsana năm 2009.
Hơn nữa, năm 2023, nhờ sự chủ động dự báo, cảnh báo sớm về El Nino và các nguy cơ có khả năng diễn ra đã giúp cho công tác chủ động điều tiết nguồn nước hạn chế đến mức thấp nhất những tác động và thiệt hại trong việc thiếu nguồn nước phục vụ sản xuất điện năng.

PV: Theo các chuyên gia khí tượng, công tác KTTV đã tăng cường theo dõi từ sớm, từ xa các hiện tượng thiên tai. Xin ông cho biết, để đạt được kết quả này, ngành KTTV đã đầu tư nâng cấp mạng lưới quan trắc KTTV hiện đại, đồng bộ như thế nào?

Ông Hoàng Đức Cường: Ngành KTTV đã chuyển dần từ đo đạc thủ công sang đo đạc tự động, đan dày các trạm quan trắc ở vùng núi, vùng sâu kết hợp các nguồn thông tin dữ liệu của hệ thống quốc gia và hệ thống chuyên dùng của bộ ngành và thuê hệ thống của một số doanh nghiệp nhằm đảm bảo giám sát tốt các thông tin và các hiện tượng thiên tai có nguồn gốc KTTV. Với hệ thống 10 trạm ra-đa thời tiết được nâng cấp, đầu tư, chúng ta có thể giám sát cấu trúc bão, đặc điểm các cơn bão, áp thấp nhiệt đới khi tiến vào gần đất liền, qua đó có thể cảnh báo chính xác hơn cường độ, hướng di chuyển của bão cũng như khả năng gây mưa lớn, gió mạnh đến các khu vực ven bờ và sâu trong đất liền. Với hệ thống ra-đa này, chúng ta cũng đã từng bước nâng cao chất lượng cảnh báo dông, lốc, sét, mưa đá hạn cực ngắn.

Cảnh báo, dự báo KTTV có ý nghĩa quan trọng góp phần giảm nhẹ thiệt hại thiên tai

Mạng lưới hơn 3.000 trạm đo mưa tự động được đầu tư thay thế mạng lưới đo mưa nhân dân là một trong những bước tiến rõ rệt của ngành KTTV khi áp dụng thành tựu khoa học công nghệ mới, từng bước chuyển đổi số mạng lưới quan trắc. Hiện nay, dù chưa được như yêu cầu thực tiễn nhưng với mạng lưới đo mưa tự động phủ khắp toàn quốc đã góp phần từng bước nâng cao hiệu quả trong cảnh báo nguy cơ mưa lớn diện rộng, lũ, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất.

PV: Thưa ông, ngành KTTV có đề xuất gì để ứng phó với tình hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt khi El Nino tiếp tục duy trì đến đầu mùa hè năm 2024 như dự báo?

Ông Hoàng Đức Cường: Năm 2024 chúng ta vẫn chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nắng nóng có thể xuất hiện nhiều hơn và gay gắt hơn bình thường, chưa có dấu hiệu mưa lũ sớm ở Bắc Bộ, nguồn nước trên các sông suối khu vực Bắc Bộ phổ biến sẽ tiếp tục thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm, tình hình hạn hán, thiếu nước có khả năng xảy ra tại một sông vùng ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và xu hướng thiên tai đến cuối năm 2024 có diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường hơn.

Trước hết, Tổng cục KTTV sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường giám sát, theo dõi và dự báo nguồn nước trên các lưu vực sông trong 6 tháng đầu năm, thực hiện tham mưu kịp thời cho Lãnh đạo Bộ TN&MT có ý kiến chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong ứng phó tình hình El Nino và sử dụng, khai thác nguồn nước hiệu quả trong thời gian tới.

Về lâu dài, để chủ động hơn nữa trong công tác ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, Tổng cục KTTV đề xuất Bộ TN&MT kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư cho công tác quan trắc, thông tin dữ liệu, dự báo cảnh báo thiên tai để hoàn thiện cơ sở dữ liệu lớn, các mô hình dự báo có độ tin cậy tương đương các nước tiên tiến như mô hình dự báo thời tiết, dự báo lũ cực ngắn, dự báo ngập úng đô thị, dự báo hải văn, tiếp tục mục tiêu nâng chất lượng dự báo tương đương các nước tiên tiến trong khu vực.

Các địa phương trong quá trình xây dựng và triển khai các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần lưu ý có sự gắn kết, đồng bộ với Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hành lang kỹ thuật công trình KTTV; đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ, liên kết, chia sẻ dữ liệu quan trắc KTTV để tránh trùng lặp, lãng phí, tiết kiệm kinh phí đầu tư của Nhà nước.
Tổng cục cũng đề nghị Bộ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ trong triển khai thực hiện Đề án "Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam".

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng để người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của các hiện tượng KTTV nguy hiểm, đặc biệt là các vấn đề như: nứt đất, sạt lở đất, sụt lún...; cử cán bộ chuyên môn giám sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, những tác nhân gia tăng nguy cơ sạt lở, sụt lún tại các khu vực có nguy cơ cao; đặc biệt trong điều kiện thời tiết mưa lớn, mưa kéo dài, mưa cục bộ thời đoạn ngắn cần phải thực hiện ngay phương án di dời toàn bộ dân đến nơi an toàn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: