Miền Trung ngổn ngang trước mùa mưa bão - Bài 3: Muốn yên thì sống thuận thiên

Đăng ngày: 09-09-2020 | Lượt xem: 1566
Trước thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, không theo quy luật, nhiều ý kiến của giới chuyên môn, nhà khoa học cảnh báo xu thế phát triển nóng, đô thị hóa quá mức đã gây tác động tiêu cực vào thiên nhiên.

Thu vài tỷ đồng nhưng phải chi hàng trăm tỷ chống sạt!

Từ lâu Chính phủ đã có quy định rõ ràng về việc kiểm soát, khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách hài hòa. Hệ thống pháp lý ngày càng được hoàn thiện và sâu sát hơn. Tuy nhiên, thực tế thì ngược lại. Rừng núi vẫn đang bị tàn phá nặng nề, đồi trọc không có khả năng giữ nước, gây khô hạn vào mùa nắng và lũ quét vào mùa mưa. Tình trạng khai thác cát trái phép hoạt động khắp nơi gây sạt lở bờ sông, bờ biển và nhiều hệ lụy về môi trường. Đô thị phát triển ồ ạt thiếu định hướng khoa học, bê tông hóa. 

Việc khai thác và xuất khẩu cát nhiễm mặn - nguyên nhân gây sạt lở nặng nề dọc biển miền Trung từ lâu đã bị cấm. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát trên sông vẫn rất phức tạp. Một cán bộ Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho biết, việc cho doanh nghiệp khai thác cát trên sông thu ngân sách chẳng bao nhiêu so với hệ lụy mà nó gây ra, cả về môi trường và tiền của. Thu vài tỷ đồng tiền thuế khai thác cát, nhưng phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để xây dựng kè vì sạt lở, trong khi môi trường thì bị tàn phá.

Trồng rừng ngập mặn trên đầm Thị Nại (tỉnh Bình Định) để góp phần chống biến đổi khí hậu. Ảnh: NGỌC OAI

Ông Nguyễn Mẫu Văn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, quy định của Chính phủ về việc xử lý sạt lở có 3 loại: Sạt lở đặc biệt nguy hiểm, nguy hiểm và bình thường. Đối với loại đặc biệt nguy hiểm thì cần phải đầu tư công trình cấp bách. Hai loại còn lại có thể xếp vào phi công trình, trồng rừng, quản lý khai thác cát… Từ năm 2014, Quảng Ngãi đã tổ chức khảo sát và lập quy hoạch phòng chống lũ lụt, chỉnh trị tại 4 dòng sông lớn Trà Bồng, Trà Khúc, Vệ và Trà Câu. Trong quy hoạch sẽ phân định rõ vị trí nào cần phải nạo vét, khai thác cát, còn vị trí nào cần được bảo vệ chống xói lở. Quy hoạch cũng sẽ quy định rõ chiều dài, sâu, rộng của các mỏ cát…

Trong khi đó, UBND tỉnh Quảng Nam cơ bản hoàn thành bản đồ hiện trạng sạt lở bờ sông, bờ biển. Từ đó, các khu dân cư ven sông, ven biển ở vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở được cảnh báo kịp thời và được hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi xảy ra sạt lở. Quảng Nam cũng quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà cửa tại khu vực ven sông, ven biển cũng như chủ động sắp xếp lại dân cư, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Dự kiến, đến năm 2030, hoàn thành chỉnh trị ổn định dòng chảy tại một số phân lưu, hợp lưu trên các đoạn sông chính, khu vực cửa sông, ven biển có diễn biến xói bồi phức tạp cần chỉnh trị.

Phá vỡ quy luật tự nhiên

Ông Hồ Đắc Chương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Định, nhìn nhận, xu hướng phát triển là điều tất yếu nhưng thực tế cho thấy là chưa đi đúng hướng. Nhiều công trình, đô thị, dự án và cách làm chạy theo tiến độ nên phá vỡ quy luật của thiên nhiên, sau đó phải trả giá quá đắt. 

Ông Chương kêu gọi, cần phải đầu tư các công trình thân thiện với môi trường để giữ nguyên được hiện trạng cây xanh dọc bờ sông, ven biển. Đối với các dòng sông sạt lở cần phải đầu tư các công trình kè mỏ hàn, kè vuông góc để điều phối, chỉnh trị và giảm áp lực dòng chảy xiết. Ngoài ra, đối với các công trình, đô thị ven biển cần phải đầu tư thân thiện, không nên tác động, xâm phạm thô bạo làm biến dạng bờ biển, bãi tắm. Và phải có quy hoạch lại các khu dân cư, hạ tầng ven biển để thích ứng với biến đổi khí hậu…

“Làm gì cũng phải tính đến sự hài hòa, đối đãi tử tế với sông biển, rừng núi để giữ lại thiên nhiên, cảnh quan cho con cháu mai sau. Bây giờ cứ kè bê tông, đô thị hóa, phá hết rừng cây thì sau này con cháu lấy cái gì để sống…”, ông Chương chia sẻ.

Ông Hồ Đắc Chương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Định, nhìn nhận: “Bây giờ việc đầu tư các công trình phòng chống thiên tai, các đơn vị thiên về giải pháp dùng tiền ngân sách hàng chục, hàng trăm tỷ đồng để đầu tư cho nhanh, gọn, lẹ. Nhưng khi đề cập đến các giải pháp, công trình thân thiện với môi trường và giảm chi phí thì họ phớt lờ. Cứ thế các dòng sông dần bị nhốt trở nên bức bí mà tàn phá vào mùa mưa lũ. Đáng tiếc hơn, những bờ tre, cây xanh, rừng dương ven sông biển đang dần bị chặt phá và thay vào đó là các công trình bê tông trơ xác, vô hồn…”.


Trao đổi với PV Báo SGGP, PGS-TSKH Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho biết, miền Trung là dải đất hẹp, do cấu trúc địa hình phức tạp nên chịu nhiều tác động của thiên tai. Bờ biển miền Trung hình thành khoảng trăm ngàn năm nay và có sự biến động liên tục. Vậy nên bất cứ một động thái nào của con người can thiệp vào tự nhiên quá mức thì cần phải làm rõ được các cơ chế về địa chất, địa mạo, động lực khí quyển và động lực Biển Đông…

Từ 20 năm trước, những người làm khoa học như ông đã liên tục cảnh báo bằng nhiều kênh, nhưng đến nay tình hình không những không được cải thiện mà còn có vẻ tồi tệ hơn. Thấy rõ nhất là bờ biển, bờ sông, cảng cá, cửa biển bị sạt lở, bồi lấp nặng nề và tác động tiêu cực đến đời sống của người dân. Thiên nhiên được hình thành từ hàng tỷ năm, là một kết cấu có hệ thống, khối hoàn chỉnh, vì thế nếu chúng ta tác động mạnh quá sẽ phá vỡ quy luật đó.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, tình trạng xâm thực bờ biển diễn ra mạnh mẽ nhất từ sau trận lũ lịch sử năm 1999 và diễn biến với cường độ ngày càng mạnh từ năm 2001 đến nay. Qua nghiên cứu cũng như kinh nghiệm của nhiều địa phương, đối với xói lở bờ biển thì thông dụng và hiệu quả nhất là trồng rừng phi lao chắn sóng hoặc xây kè chỉnh trị. Tuy nhiên, đặc điểm địa hình vùng biển ở Thừa Thiên - Huế là vùng bờ thấp, nằm sát mực nước nên việc trồng các loại cây chắn sóng ở một số nơi sẽ không hiệu quả do cây chưa đủ lớn, bộ rễ chưa đủ độ chống chọi với thiên tai, giữ đất thì đã bị sóng cuốn trôi.

“Biện pháp xây kè chống sạt lở rất tốn kém và đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao. Do vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và chọn vùng nào phù hợp để triển khai xây kè, vùng nào có thể phát triển cây phi lao để ứng phó sạt lở”, ông Hùng nói.

Theo sggp.org.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: