Lũ lụt đi cùng đại dịch Covid-19 đẩy hàng triệu trẻ em Nam Á vào tình trạng mất an toàn

Đăng ngày: 29-07-2020 | Lượt xem: 1966
Giám đốc UNICEF đặc trách Nam Á, bà Jean Gough, cho biết, ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 và các hiện tượng thời tiết cực đoan đang là vấn đề lớn nhất ảnh hưởng đến trẻ em ở Nam Á hiện nay khiến hàng triệu trẻ em đứng trước nguy cơ mất an toàn.

Trẻ em Nam Á đối mặt với nguy cơ mất an toàn do cùng lúc chịu ảnh hưởng từ lũ lụt và đại dịch COVID-19. Nguồn ảnh: AFP

Theo nguồn tin từ UNICEF, hàng triệu trẻ em và gia đình ở Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Nepal đang chịu ảnh hưởng nặng nề sau nhiều tuần mưa gió mùa, lũ lụt lan rộng và sạt lở đất gây chết người. Ước tính có hơn 4 triệu trẻ em đang đối mặt với điều này và cần hỗ trợ khẩn cấp; ngoài ra còn hàng triệu trẻ em khác cũng đang trong tình cảnh tương tự.

Giám đốc UNICEF đặc trách Nam Á, bà Jean Gough, cho biết: "Ngay cả đối với một khu vực đã quá quen thuộc với tác động tàn phá của thời tiết khắc nghiệt, những cơn mưa gió mùa lớn gần đây, lũ lụt và lở đất vẫn đang tiếp tục đang tạo ra một cơn khủng hoảng cho trẻ em và gia đình bị ảnh hưởng. Hơn nữa, đại dịch COVID-19 và các biện pháp ngăn chặn đã gây ra một số hệ lụy khôn lường bởi nhiều trường hợp nhiễm COVID-19 đang gia tăng ở một số khu vực bị ảnh hưởng".

UNICEF đang trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với chính phủ và các tổ chức nhân đạo để tăng cường đáp ứng và hỗ trợ các nhu cầu tức thời của trẻ em và gia đình bị ảnh hưởng, song phản hồi từ các phía này vẫn chưa cụ thể bởi sự diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và các nỗ lực ngăn chặn khác có liên quan. Các biện pháp như giữ khoảng cách vật lý và rửa tay thường xuyên cần phải được tuân thủ để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh giữa những người dân, đặc biệt là những người ở nơi cư trú khẩn cấp.

Nhiều khu vực vẫn chưa thể tiếp cận với các nhu cầu cơ bản để đảm bảo sức khỏe do bất cập về cầu đường, đường sắt và sân bay. Nhu cầu cấp thiết nhất đối với trẻ em lúc này là nước sạch, dụng cụ vệ sinh để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh tật, nguồn cung cấp thực phẩm và nơi ở an toàn trong các trung tâm sơ tán cho trẻ em.

Bà Jean Gough cho biết: "Sự sụp đổ từ đại dịch COVID-19 đang tác động đến biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan - được cho là vấn đề lớn nhất ảnh hưởng đến trẻ em ở Nam Á hiện nay. Cần sự viện trợ tức thì, nhiều nguồn lực và chương trình đổi mới hơn để giải quyết những thách thức mà các mối đe dọa này gây ra cho trẻ em trong khu vực".

Lũ lụt đi cùng đại dịch COVID-19 đẩy hàng triệu trẻ em nam Á vào tình trạng mất an toàn - Ảnh 1.

Lũ lụt ở Banladesh. Nguồn: UNICEF

Tại Bangladesh

Ước tính hơn 2,4 triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, bao gồm khoảng 1,3 triệu trẻ em và hơn 548 nghìn gia đình đã mất nhà cửa do lũ. Lũ lụt đã đến vào thời điểm Bangladesh vẫn đang trong giai đoạn phục hồi từ bão Amphan và các hệ thống ứng phó khẩn cấp về y tế, sức khỏe đang được ra sức củng cố với nỗ lực để ngăn chặn sự lây lan của virus COVID-19 với hơn 210.000 trường hợp nhiễm bệnh. Hiện tại UNICEF đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác chính phủ, những người đang dẫn đầu ứng phó với lũ lụt và các tổ chức phi chính phủ để cung cấp nước, tiếp tế các sản phẩm vệ sinh, y tế cần thiết cho trẻ em và cộng đồng có nhu cầu. UNICEF cũng tích cực tham gia hỗ trợ ứng phó ở diện rộng hơn cũng như trên phạm vi cả nước.

Tại Ấn Độ

Hơn 6 triệu người trên khắp Bihar, Assam, Odisha, Gujarat, Maharashtra, Madhya Pradesh, Kerala, Uttarakhand, Uttar Pradesh và tây Bengal bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, trong đó có khoảng 2,4 triệu trẻ em. Mặc dù đây là giai đoạn lũ thường về trong năm, nhưng lũ lụt xảy ra trên diện rộng vào giữa tháng 7 là một điều không bình thường. Đồng thời, số trường hợp nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ mỗi ngày cũng đã vượt qua ngưỡng 30.000 ca. UNICEF đang làm việc với chính phủ và các đối tác, tổ chức để ứng phó nhanh chóng và hiệu quả. Ngoài ra, UNICEF cũng đang hỗ trợ chính phủ thích ứng với Child Friendly Spaces (không gian an toàn được thiết lập trong tình trạng khẩn cấp để giúp hỗ trợ và bảo vệ trẻ em) ở các quận được chọn, cũng như tập trung hỗ trợ cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe của mẹ và bé trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ở nhiều bang.

Lũ lụt đi cùng đại dịch COVID-19 đẩy hàng triệu trẻ em nam Á vào tình trạng mất an toàn - Ảnh 2.

Trẻ em chuyển sách vở trong lũ lụt. Nguồn: UNICEF

Tại Nepal

Kể từ ngày 9/7 mưa lớn gió mùa đã gây ra lũ lụt và lở đất trên nhiều nơi của đất nước, ảnh hưởng đến hơn 20 quận. Thống kê cho thấy hơn 100 người đã chết, 48 người mất tích, 87 người bị thương. Hơn 10.000 người và một nửa trong số đó là trẻ em đã bị ảnh hưởng với khoảng 7.500 trẻ phải rời khỏi nhà. Ngoài ra, trong khoảng thời gian này, các trường hợp dương tính với COVID-19 ở Nepal cũng gia tăng đáng kể. 

UNICEF cho đến nay đã hỗ trợ các nhu cầu trước mắt ở khu vực miền trung và viễn tây của Nepal, nơi xảy ra lở đất. Những nơi này được cung cấp chăn, bạt, bộ dụng cụ vệ sinh, xô, cốc và các máy lọc nước. UNICEF vẫn đi đầu trong việc hỗ trợ cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu cũng như liên quan đến COVID-19, đồng thời đang lên kế hoạch hỗ trợ thêm cho các nạn nhân lở đất và lũ lụt.

Tại Bhutan

Mưa đã gây ra lở đất trên khắp đất nước, cản trở giao thông và liên lạc vì đường cao tốc chính và đường liên huyện đã bị xuống cấp. Nước tràn ra 7 con suối và các nhánh sông đổ vào sông Mao gây ra hiện tượng lũ quét ở đây. Mực nước ở sông Mao vẫn rất cao dẫn tới rủi ro đáng kể, lũ lụt nhiều hơn. Lũ lụt cũng đã gây thiệt hại cho cây trồng và nhà máy xử lý nước. Cho đến nay, 4 người đã chết vì lũ lụt.

Theo phunuvietnam.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: