Kỳ cuối: Trữ nước, giữ rừng

Đăng ngày: 07-04-2021 | Lượt xem: 1627
(Chinhphu.vn) - Hàng năm Tây Nguyên thiếu khoảng 5 tỷ m3 nước, đến năm 2030 thiếu khoảng 5,5 tỷ m3 nước. Chính vì vậy, quản lý, bảo vệ tốt nguồn nước là giải pháp căn cơ trước mắt và lâu dài phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân vùng này.
Người dân ở khu vực Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn nước cho cây trong mùa khô hạn. Ảnh: VGP/Thế Phong

Theo đánh giá của Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang tác động rất lớn đến phát triển nông nghiệp ở Tây Nguyên. Hiện tượng El Nino gây hạn hán kéo dài làm giảm 20-25% lượng mưa từ đó làm thiếu nước trầm trọng ở khu vực Tây Nguyên. BĐKH làm giảm dòng chảy trên các dòng sông từ đó làm thiếu nước tưới cho cây trồng, nhất là cây cà phê.

Lượng mưa giảm dẫn đến tình trạng mất rừng do cháy rừng thường xuyên, làm cho độ che phủ rừng giảm đi. Khô hạn dẫn đến mất dần tính phù hợp của cây trồng, vật nuôi trên các vùng sinh thái nông nghiệp và ảnh hưởng trực tiếp đến sự thiếu nước của hệ thống thủy lợi.

Tổng cục Thủy lợi ước tính, hàng năm Tây Nguyên thiếu khoảng 5 tỷ m3 nước, đến năm 2030 thiếu khoảng 5,5 tỷ m3 nước. BĐKH gây nên hiện tượng thời tiết cực đoan, mưa gió thất thường phá vỡ quy luật sinh trưởng phát triển của cây trồng, làm phát sinh nhiều sâu bệnh.

Tìm và giữ nguồn nước

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, ông Mai Trọng Dũng cũng cho rằng: “Hiện nay, công tác chống hạn ở Đắk Lắk gặp khó khăn nhất là phải đi tìm nguồn nước vào mùa khô. Ở đồng bằng khi suối cạn thì có thể bơm nước ở sông, nhưng ở vùng Tây Nguyên những năm nắng nóng kéo dài thì sông suối, ao hồ đều khô, nước ngầm cạn kiệt”.

“Địa phương thường xuyên khuyến cáo bà con áp dụng giải pháp tưới tiêu tiết kiệm nhằm giảm tối đa lượng nước tưới cho cây nhưng vẫn còn một số hạn chế như chi phí đầu tư ban đầu khá cao và thường xuyên duy tu bảo dưỡng khiến nhiều hộ dân vẫn còn e ngại trong việc tiếp cận công nghệ này. Trong khi đó, việc chuyển đổi cây trồng chỉ tập trung ở cây ngắn ngày, còn cây công nghiệp cần phải có thời gian. Đắk Lắk có 203.000 ha cây cà phê, muốn chuyển đổi rất khó, phải làm từng bước”, ông Dũng cho biết.

Cà phê là trồng mang lại giá trị kinh tế cao nhưng rất khó phục hồi nếu cây bị khô, cháy do thiếu nước. Ảnh: VGP/Thế Phong

Để chủ động ứng phó với tình hình hạn hán bảo vệ diện tích cây trồng, đặc biệt là cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao, ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai nhiều phương án phòng hạn như đắp đập tạm giữ nước, nâng cao ngưỡng tràn để tăng dung tích trữ đối với các hồ chứa, nạo vét kênh dẫn, lắp đặt trạm bơm dã chiến để bơm nước những vùng dễ bị khô kiệt, còn nước ao hồ, đập trữ lại dùng sau; khi hạn xảy ra thì ưu tiên nước cho sinh hoạt, gia súc gia cầm, cây cà phê, hồ tiêu có giá trị cao.

“Về lâu dài, cần tiếp tục đầu tư các dự án trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn. Tiếp tục đầu tư xây dựng, đẩy nhanh các tiến độ các công trình thủy lợi lớn trọng điểm; nâng cấp các công trình thủy lợi vừa và nhỏ nhằm đáp ứng đủ nguồn nước vụ nhu cầu phát triển sản xuất của nhân dân.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp điều kiện nguồn nước. Xây dựng chính sách hỗ trợ áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm. Đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với nhu cầu dùng nước, tính chất đất đai theo Chỉ thị 04 của Tỉnh ủy Đắk Lắk. Nếu thực hiện được đồng bộ các giải pháp đó tôi tin rằng Đắk Lắk sẽ giảm thiểu hạn hán hằng năm”, ông Dũng trao đổi.

Còn tại tỉnh Kon Tum, để khắc phục tình hình hạn hán thường xuyên xảy ra, giảm thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, cuối năm 2020, tỉnh đã phối hợp với Viện Quy hoạch Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) xây dựng Đề án Quản lý hạn hán trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, chú trọng các nhóm giải pháp trọng tâm phù hợp với nguồn lực, định hướng phát triển của địa phương: Xây dựng bộ công cụ quản lý hạn hán, thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi, cấp nước, sử dụng nước hiệu quả. Tăng cường năng lực và thể chế chính sách cũng hoạt động thông tin truyền thông.

Ông Văn Tất Cường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum cho biết địa phương này đang đang áp dụng thành công chu trình quản lý thảm họa thiên tai bao gồm 2 giai đoạn chính là quản lý rủi ro và quản lý sự cố, từ  lập kế hoạch phòng chống hạn hán, dự phòng, giảm nhẹ, dự báo và cảnh báo sớm, ứng phó đến đánh giá tác động, phục hồi và tái thiết sau khi xảy ra thiên tai, hạn hán..

Các địa phương cần thúc đẩy chính sách hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước như phun sương, tưới nhỏ giọt cho cây cà phê, hồ tiêu. Ảnh:  VGP/Thế Phong

Căn cơ, bền vững phải từ công nghệ

Chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ, TS. Trần Vinh, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên cho rằng, để giảm nhẹ sự tác động của BĐKH, hạn hán cần tiến hành đồng bộ các giải pháp ứng phó, phòng tránh là chủ yếu. Trong đó cần quản lý bảo vệ tốt nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.

Thủy lợi là yếu tố quan trọng hàng đầu để đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp bền vững. Chúng ta cần bảo vệ tốt nguồn nước ngay thượng nguồn của các con sông lớn, có kế hoạch cung cấp nguồn nước cân đối cho các vùng canh tác. 

Đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng tưới tiết kiệm nước cho các loài cây chủ lực ở mà cần nhiều nước như cà phê, hồ tiêu. Tăng cường đa dạng sinh học trên vườn cà phê theo phương thức trồng xen. Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với hoàn cảnh BĐKH, đặc biệt không mở rộng thêm diện tích trồng cây công nghiệp mà tập trung thâm canh diện tích hiện có.

Tiếp tục đầu tư kinh phí cho nghiên cứu khoa học công nghệ, đặc biệt là nghiên cứu chọn tạo các giống cây trồng kháng hạn, kháng sâu bệnh thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu kỹ thuật canh tác thích ứng với BĐKH. Cần mở rộng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh ở một số vùng có điều kiện để góp phần cho sự ổn định và bền vững nông nghiệp ở Tây Nguyên.

Theo baochinhphu.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: