Hạn, mặn tiếp tục diễn biến phức tạp ở Đồng bằng sông Cửu Long

Đăng ngày: 19-03-2020 | Lượt xem: 2213
Hạn, mặn tiếp tục diễn biến phức tạp ở ĐBSCL, tuy nhiên từ 25/3 sẽ có xu hướng giảm, dần xuất hiện nước ngọt.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến ngày 10/2 hạn hán và mặn xâm nhập làm thiệt hại hơn 30.000 ha lúa mùa năm 2019 và vụ Đông Xuân 2019-2020; khoảng 332.000 ha lúa Đông Xuân; 136.000 ha cây ăn quả  khả năng sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tiếp theo của mùa khô 2020.

Tại các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng 82.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Trong thời gian tiếp theo của mùa khô năm 2020, sẽ có gần 159.000 hộ sẽ thiếu nước sinh hoạt.

han, man tiep tuc dien bien phuc tap o dong bang song cuu long hinh 1
Hạn mặn ở ĐBSCL sẽ có xu hướng giảm trong thời gian tới.

Hạn hán và mặn xâm nhập năm nay được cho là khốc liệt chưa từng có trong lịch sử. Nếu như đợt hạn, mặn năm 2016, nước mặn lần đầu tiên xâm nhập Cảng Cái Cui, thành phố Cần Thơ - cách cửa biển Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng hơn 100km, các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long nước mặn mới vào tới trung tâm thì hạn, mặn năm 2020 tình hình trầm trọng hơn nhiều.

Ứng phó với hạn mặn và tình hình nguồn nước tại các hồ chứa xuống thấp trong khi nông dân chuẩn bị xuống giống lúa Hè Thu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến nguồn nước, thông tin dự báo mặn xâm nhập để thực hiện việc xuống giống lúa vụ Hè thu phù hợp với điều kiện nguồn nước, quyết liệt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.

 

Đến nay đã có 5 công trình phòng chống hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long sử dụng vốn ngân sách nhà nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư đã đưa vào khai thác sử dụng kiểm soát mặn cho mùa khô 2019-2020, với diện tích kiểm soát trực tiếp khoảng 83.000 ha và kiểm soát gián tiếp ảnh hưởng của hạn mặn đến 300.000 ha diện tích đất canh tác. Ngoài ra, 11 dự án công trình khác đã và đang được gấp rút hoàn thành để đưa vào phục vụ công tác phòng, chống hạn mặn tại khu vực này.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết: "Trước mắt Tổng cục sẽ cùng các cơ quan liên quan tập trung công tác dự báo đáp ứng nhu cầu sản xuất vụ Hè thu và Thu đông. Đồng thời theo Nghị quyết 120 của Chính phủ cũng sẽ cho rà soát tổng thể về vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó đề xuất những giải pháp công trình cũng như phi công trình để có giải pháp trước mắt cũng như lâu dài ứng phó hạn mặn".

Trong khi đó, theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, độ mặn ở các cửa sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang có xu thế tiếp tục giảm từ nay đến ngày 20/3, sau đó sẽ tăng nhẹ trong các ngày từ 21 đến ngày 25/3, và tiếp tục xu thế giảm từ ngày 25/3 đến ngày 4/4. Trong thời gian mặn xâm nhập giảm, các khu vực có khả năng xuất hiện nước ngọt, có khả năng lấy được vào thời kỳ triều thấp, chân triều bao gồm:

Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, tỉnh Long An: Từ 75 km đến 85km trở vào, thuộc xã Bình Đức huyện Bến Lức; và xã Mỹ Phú, thành phố Tân An;  Sông Cổ Chiên: Từ 35km đến 40km trở vào thuộc xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre;Trên sông Hậu: Từ 40 km đến 45km trở vào thuộc xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh; xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Trên sông Cái Lớn: Từ 45km đến 50km trở vào thuộc xã Vĩnh Phước B, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang.

Tổng cục Thủy lợi lưu ý, riêng các cửa sông Hàm Luông, Cửa Tiểu, Cửa Đại, thuộc các tỉnh Bến Tre và Tiền Giang, mặn vẫn liên tục duy trì ở mức cao, ít có khả năng xuất hiện nước ngọt, kể cả vào lúc chân triều. Để phục vụ nước cho sản xuất và dân sinh, các địa phương cần tiếp tục thực hiện đo độ mặn, lấy nước có độ mặn cho phép để khẩn trương cung cấp cho các vùng cây ăn trái đang có nguy cơ thiếu nước và tạo nguồn nước sinh hoạt. Các vùng canh tác lúa đã thu hoạch cần lấy nước để tiến hành rửa mặn, chuẩn bị cho gieo cấy vụ Hè thu khi có nguồn nước ngọt về ổn định./.

Theo vov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: