Hạn, mặn thách thức các tỉnh, thành

Đăng ngày: 12-02-2020 | Lượt xem: 2090
Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đến sớm, các tỉnh - thành miền Trung chủ động các biện pháp ứng phó, nhất là bảo đảm cung cấp nước tưới tiêu cho vụ hè thu

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đang triển khai thực hiện dự án Rà soát quy hoạch thủy lợi trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Các kịch bản ứng phó cho thấy xâm nhập mặn đã vào sâu hạ lưu các sông Vu Gia, Thu Bồn và Vĩnh Điện, gây ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt cấp cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Hạn, mặn thách thức các tỉnh, thành - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh thị sát tình hình sản xuất vụ đông xuân ở tỉnh Quảng Nam. Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Hạn, mặn sẽ khốc liệt

Trước tình hình trên, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ NN-PTNT vào ngày 7-2, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đề nghị lãnh đạo bộ này sớm có chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Thu Bồn.

Theo ông Thanh, dù mới bước vào sản xuất vụ đông xuân nhưng mặn đã sớm xuất hiện trên các sông ở tỉnh Quảng Nam. Báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết từ ngày 21- 1, xâm nhập mặn đã vào sông Thu Bồn tại cầu Câu Lâu với nồng độ 0,2‰; tại trạm bơm 19/5, độ mặn đã đạt 2,5‰. Đến ngày 23- 1, xâm nhập mặn sâu vào hạ du sông Thu Bồn ở mức đỉnh điểm khá cao, lên tới mức 5‰. Còn ở thời điểm này, xâm nhập mặn đã giảm nhưng trước tình hình mưa ít hơn các năm dẫn đến mực nước các sông giảm trong một vài tháng tới, có khả năng cao là xâm nhập mặn sẽ trở lại và gay gắt hơn.

Quảng Nam là tỉnh dự báo bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong mùa khô hạn năm nay. Cụ thể, từ tháng 3, trong khi lượng mưa giảm thì nắng nóng sẽ kéo dài trên diện rộng làm cho mực nước trên các sông xuống thấp. Đặc biệt, tại trạm Giao Thủy trên sông Thu Bồn có thể xuống thấp hơn mực nước thấp nhất lịch sử. Sau vụ đông xuân, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước tưới tiêu cho vụ hè thu 2020 là khó tránh khỏi.

Để chủ động ứng phó với tình hình thời tiết phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, ngay từ đầu vụ đông xuân, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam đã có văn bản hướng dẫn các địa phương bố trí giống lúa trung - ngắn ngày để gieo sạ, đồng thời thực hiện các biện pháp chống hạn, xâm nhập mặn. Hiện nay, thị xã Điện Bàn đã tiến hành đắp đập ngăn mặn Tứ Câu trên sông Vĩnh Điện; Công ty Khai thác thủy lợi Quảng Nam cũng đã đắp đập ngăn mặn Gò Nổi...

Toàn tỉnh Quảng Trị có 131 hồ chứa nước, trong đó có 130 hồ chứa thủy lợi lớn, vừa và nhỏ, 1 hồ chứa nước thủy lợi - thủy điện. Lượng nước ở các hồ chứa đang đạt khoảng 70%, khả năng nhiều hồ sẽ không tích được đầy nước so với dung tích thiết kế.

Ông Lê Quang Lam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Trị, nhận định nguy cơ thiếu hụt nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp là rất lớn, nhất là ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ. Vì vậy, Chi cục Thủy

 lợi tỉnh Quảng Trị yêu cầu các địa phương điều tiết, xây dựng phương án tưới tiêu phù hợp; tận dụng tối đa nguồn nước tại chỗ như ao hồ, kênh mương và tích trữ nguồn nước ở các hồ chứa để phục vụ tưới khi cần thiết cho vụ hè thu.

Chuẩn bị nhiều phương án ứng phó

Nhằm lên phương án dự trữ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô 2020, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành nhiều kế hoạch, giao cho các sở, ngành liên quan chuẩn bị nhiều phương án. Trong đó, giao Sở NN-PTNT đề xuất phương án sử dụng nước từ các hồ Đồng Nghệ và hồ Hòa Trung phục vụ tưới tiêu nhằm bảo đảm còn đủ nguồn nước dự phòng cấp nước sinh hoạt trong trường hợp hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng hoặc xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước trong mùa khô 2020.

Hiện nay, phần lớn nguồn nước cấp cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng gồm các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn huyện Hòa Vang và các hồ chứa thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn.

Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng tính toán trong vụ hè thu, nguồn nước phục vụ sản xuất có khả năng gặp khó khăn do khô hạn đến sớm, kéo dài từ tháng đầu năm 2020.

Trong khi đó, ông Phan Thanh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho hay nguồn nước cung cấp cho vụ đông xuân cơ bản bảo đảm nhưng đến vụ hè thu sẽ gặp nhiều khó khăn. Lo ngại là do lượng mưa thời gian qua khá ít nên tích trữ nước của các hồ chứa, hồ thủy điện như Bình Điền, Hương Điền, Tả Trạch... đều đang ở mức thấp so với dung tích thiết kế.

Trước tình hình này, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có công văn yêu cầu các ngành, địa phương triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống hạn, thiếu nước và xâm nhập mặn. Cụ thể là tiến hành kiểm kê, đánh giá thực trạng, dự báo nguồn nước tại các hồ chứa, hệ thống thủy lợi trên địa bàn; tính toán cân bằng nước để điều chỉnh; bổ sung phương án phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với thực tiễn nguồn nước, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Căn cứ tình hình nguồn nước và khả năng cấp nước, các địa phương điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp. Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp cần thiết để có thể lấy nước chủ động, không phụ thuộc vào việc xả nước của hồ thủy điện; kết hợp chủ động tích trữ nước trong các hồ, ao, vùng trũng thấp, kênh rạch... để sử dụng trong thời kỳ cao điểm hạn hán, xâm nhập mặn.

Mực nước sông Vu Gia dự báo thấp kỷ lục

Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Trung Trung Bộ cho biết trong tháng 1, lượng mưa trung bình ở các tỉnh miền Trung xấp xỉ 80%- 100%, có nơi cao hơn và đạt 110%-130% so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên đến tháng 2, tháng 3, lượng mưa thấp hơn và chỉ bằng 60%-90%. Trong mùa khô năm 2020, xâm nhập mặn có khả năng sẽ xuất hiện sớm hơn và ở mức mạnh hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ. Riêng mực nước ở sông Vu Gia có khả năng xuống thấp hơn mực nước thấp nhất từ trước đến nay.

Theo nld.com.vn 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: