Điêu đứng vì xâm nhập mặn

Đăng ngày: 20-03-2020 | Lượt xem: 3411
Mùa hạn mặn năm nay, mặc dù cơ quan chức năng đã có khuyến cáo, một số nơi chủ động né vụ nên phần nào giảm được thiệt hại, không như mùa khô năm 2016. Tuy nhiên, người dân nơi đây đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Từ hơn hai tháng nay người dân TP Bến Tre không có nước ngọt sinh hoạt vì bị xâm nhập mặn.

Hàng trăm nghìn hộ dân thiếu nước ngọt

Là tỉnh nằm ở vùng cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau có ba mặt giáp biển và là tỉnh duy nhất trong vùng ĐBSCL không được cung ứng bởi nguồn nước mặt của sông Cửu Long. Thời gian qua, địa phương này chủ yếu khai thác nước ngầm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất. Tuy nhiên, tình trạng khai thác nước ngầm quá mức tại Cà Mau cũng được Bộ Tài Nguyên và Môi trường cảnh báo do nguy cơ ô nhiễm, cạn kiệt và gây sụt lún. Mặc dù vậy, do thiếu nước ngọt sinh hoạt, người dân vẫn khoan giếng nước ngầm nhưng chỉ có nước phèn, mặn, không có nước ngọt.

Theo thống kê, mùa khô hạn gay gắt trong năm nay, toàn tỉnh hiện có đến 20.542 hộ gia đình bị thiếu nước ngọt sinh hoạt.

Tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt cục bộ cũng diễn ra tại nhiều tỉnh như: Kiên Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng (hơn 24 nghìn hộ dân)… khi cao điểm nước mặn xâm nhập sâu vào sông rạch. Tuy nhiên, nghiêm trọng nhất là tại tỉnh Bến Tre. Cả tỉnh, từ thành phố đến nông thôn đều bị nước mặn xâm nhập gây thiếu nước ngọt sinh hoạt kéo dài suốt hai tháng qua. Theo thống kê, tỉnh Bến Tre hiện có khoảng 57 nghìn hộ dân, với 205 nghìn người dân sống xa nội đồng, bãi ngang, vùng ven biển, khu vực cù lao sẽ thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh do hết nguồn dự trữ. Trong khi đó, nguồn nước sinh hoạt tại các nhà máy nước cấp cho các đô thị trên địa bàn tỉnh và hệ thống nhà máy của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre đã nhiễm mặn hơn 2‰.

Bà Nguyễn Thị Ngọc, ngụ phường 1, TP Bến Tre cho biết, gần hai tháng nay, nước máy nhiễm mặn nên tắm bị ngứa rất khó chịu, việc nấu ăn thì dùng bình nước lọc rất tốn chi phí. Gia đình bà đành phải thắt chặt chi tiêu các khoản khác để mua nước ngọt với giá cao. Theo bà Ngọc ước tính, mỗi ngày tốn hơn 100 nghìn đồng để mua nước ngọt. Mỗi tháng tốn hơn 3 triệu đồng, đây là số tiền không nhỏ đối với mức sống nhiều hộ gia đình ở miền tây, bên cạnh đó còn có những khoản chi phí khác. Trước thực trạng đó, nhiều chủ xà-lan chuyên chở cát sông đã “nắm bắt cơ hội” làm ăn, chuyển sang dùng xà-lan đi đến các địa phương chưa bị xâm nhập mặn chở nước ngọt về bán lại cho người dân với giá khá cao từ 100 nghìn đến 300 nghìn đồng/m3 tùy vào đoạn đường vận chuyển.

Người dân xếp hàng mua nước ngọt tại TP Bến Tre. Trung bình mỗi ngày tốn từ 150 đến 300 nghìn đồng/gia đình.

Do nước mặn xâm nhập ngày càng sâu, nên các xà-lan đi lấy nước ngọt phải đi xa hơn về phía thượng nguồn nên giá thành cũng theo đó tăng cao. Ngồi chực chờ mua nước ngọt với hàng đống can nhựa chung quanh, anh Nguyễn Minh Phương ngụ phường Phú Tân, TP Bến Tre, thổ lộ rằng phải chi tiêu dè xẻn hết mức để dành tiền mua nước ngọt sinh hoạt. Mỗi ngày đều đặn ba lần: 4 giờ sáng, 12 giờ trưa và 17 giờ cùng ngày, anh Phương buộc ba chiếc can nhựa loại 30 lít lên xe máy rồi chạy ra khu vực Bến Lở để chờ mua nước ngọt. Mỗi ngày anh Phương tốn khoảng 150 nghìn đồng tiền mua nước dùng cho sinh hoạt của gia đình. Còn tại các huyện vùng nông thôn cũng có dịch vụ cung ứng nước ngọt, được khai thác từ các giếng tầng nông đến tận hộ gia đình với giá từ 150 nghìn đồng 350 đồng đồng/m3, tùy đoạn đường vận chuyển gần hay xa. Ông Nguyễn Văn Tuấn, ngụ xã Thới Thuận (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Mỗi ngày tôi dùng xe công nông chở bồn nhựa phía sau để chở nước cung ứng cho người dân. Do chung quanh nước đã bị nhiễm mặn nên nhu cầu người dân dùng trong sinh hoạt, cho gia súc, gia cầm uống rất lớn”.

Dọc các tuyến đường ở các huyện ven biển như: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú dễ dàng bắt gặp những chiếc xe công nông chở theo bồn nước ngọt phía sau để cung ứng cho các hộ dân. Nước ở đây chỉ có độ ngọt chứ chưa bảo đảm vệ sinh vì lấy từ những giếng tầng nông ở giồng cát chưa qua lắng lọc, xử lý.

Nước sông đầy ắp mà không sử dụng được

Những cánh đồng lúa khô nứt nẻ vì thiếu nước ngọt do bị xâm nhập mặn.

Cũng tại tỉnh Bến Tre, nông dân hai huyện Ba Tri và Giồng Trôm đã “xé rào”, tự ý gieo sạ hơn 5.200 ha, có khả năng cao là mất trắng do xâm nhập mặn nên không có nước tưới. Đi dọc các cánh đồng từ huyện Giồng Trôm sang huyện Ba Tri, đâu đâu cũng thấy cây lúa chết khô. Nhiều nông dân đã không chăm sóc, bón phân để giảm thiệt hại. Tại huyện Ba Tri đã xuống giống 4.500 ha, Trong đó, hơn 90% diện tích lúa bị ảnh hưởng, giảm năng suất và mất trắng. Hiện tại, lúa chết trong giai đoạn mạ non và số còn lại nguy cơ lúa chết là rất lớn khi hạn, mặn còn khốc liệt. Ngoài ra còn có khoảng 20 nghìn ha cây ăn trái; hơn 72 nghìn ha dừa; gần 1.500 ha rau màu; hơn 100 nghìn cây giống, hoa kiểng cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn. Chợ Lách là huyện nằm cách xa biển nhất của tỉnh Bến Tre, nhưng cũng đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nước mặn xâm nhập. Độ mặn đo được trên nhiều tuyến sông và kênh rạch trên địa bàn huyện Chợ Lách đạt mức rất cao từ 4 đến 6‰. Nhiều hộ sản xuất cây giống đang ngồi trên “đống lửa” tìm giải pháp dự trữ nước phục vụ tưới tiêu. Còn tại ấp cù lao Tiên Lợi, xã Tiên Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, do được bao bọc bởi con sông Hàm Luông nên nước mặn xâm nhập đã ở mức 7‰ đến 10‰. Nhiều vườn sầu riêng bị rụng trái non, rụng lá do không có nước ngọt tưới. Chị Huỳnh Thị Đăng, chủ vườn cho biết, mà hầu hết các nhà vườn khác đều phải mua nước ngọt với giá khá cao để duy trì sự sống cho cây, chứ vụ mùa này xem như mất trắng. Dưới gốc chỉ dám tưới nhỏ giọt, trên lá thì phun sương, chủ yếu là giữ độ ẩm cho cây. Nhà vườn còn phải cắt bỏ trái non và nhánh để tập trung dinh dưỡng nuôi cây.

Giữa tháng ba, trời nắng như “bão lửa” quét qua các vùng canh tác của tỉnh Sóc Trăng, từ vùng ven biển đến các địa phương nằm trong dự án ngọt hóa. Nước mặn đã len lỏi vào sâu nội đồng nên chỉ có những đám ruộng lúa đã trổ chín, còn lại màu vàng cháy lá phủ khắp cánh đồng. Tuyến kênh 96 Long Hưng xuyên qua nhiều xã thuộc huyện ven biển Trần Đề vốn là niềm tự hào về kỳ tích giữ nước ngọt của tỉnh Sóc Trăng đã “thất thủ” với những đợt triều mặn công kích liên tục từ mấy ngày qua.

Khoát một vòng tay, Lâm Thị Thu Hương, cán bộ Trạm TT và BVTV Trần Đề cho biết, từ nửa tháng nay do nước mặn xâm nhập nên hầu như không ai canh tác được bất cứ loại rau màu nào. Còn “kiện tướng trồng hành lá” Lâm Phôl, ở ấp Trà Ông, xã Viên Bình chua chát chấp nhận thu vớt phần còn lại của hai công (2.000 m2) đất trồng hành. Các vùng trồng cây ăn trái của tỉnh Sóc Trăng, do là vùng hở, vì hệ thống các cống dọc sông Hậu chưa được đầu tư khép kín, nên mặn xâm nhập sâu và kéo dài đang đe dọa các nhà vườn. Còn ở vùng cù lao sông Hậu và huyện đảo Cù Lao Dung, do hệ thống đê biển được đầu tư từ năm 2000, đến nay đê đã xuống cấp, tuyến đê cửa sông tả, hữu Cù Lao Dung mới được đầu tư hoàn chỉnh nhưng hệ thống nội đồng gần 1.000 km chưa được đầu tư. Vì vậy, khi mặn xâm nhập sâu và độ mặn cao kéo dài rò rỉ vào thân đê, ảnh hưởng đến vùng trồng trọt rất nặng nề.

Người dân Bến Tre bỏ hoang ruộng lúa vì bị nước mặn xâm nhập gây mất trắng.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng Phạm Tấn Đạo cho biết, từ cuối 2019 ranh mặn 4 đến 5‰ đã xâm nhập sâu vào địa phận xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, cách cửa sông Hậu từ 30 đến 45 km, theo dự báo của Viện Khí tượng thủy văn Miền Nam, trong những ngày tới ranh mặn 4‰ trên tuyến sông Hậu sẽ vào sâu hơn 70 km và tình trạng xâm nhập mặn có khả năng gay gắt hơn đợt mặn lịch sử năm 2015-2016.

Huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh là hai địa phương của tỉnh Hậu Giang chịu ảnh hưởng nặng của tình hình xâm nhập mặn theo triều cường biển Tây. Từ cuối tháng 12-2019, mặn đã bắt đầu xâm nhập địa bàn. Nồng độ mặn trên các sông, kênh, rạch luôn diễn biến thất thường, có chiều hướng tăng nhanh và xâm nhập sâu vào nội đồng. Giữa tháng hai vừa qua, nồng độ mặn có nơi lên đến hơn 18 phần nghìn, gần bằng với năm 2016. Cùng với nồng độ mặn tăng cao, thủy triều bất thường từ biển Tây dâng cao, mức chênh lệch lớn đã dẫn đến sự cố vỡ bốn đập ngăn mặn cải tiến ở xã Lương Nghĩa, xã Vĩnh Viễn A và thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ làm cho nước mặn có nồng độ từ 2 đến 4 phần nghìn xâm nhập vào hơn 800 ha lúa đông xuân. Tuy nhiên, do ngành chức năng khắc phục kịp thời, thông báo người dân tạm dừng đưa nước lên đồng ruộng, nên thiệt hại không đáng kể. Theo dự báo, trong tháng 3 này nồng độ mặn sẽ diễn biến phức tạp và gay gắt hơn theo đỉnh triều giữa và cuối tháng. Nhiều nông dân ngao ngán lắc đầu bộc bạch: “Nước trong xanh, đầy ắp trên sông như thế mà không sử dụng được vì nước mặn xâm nhập sâu theo con nước lớn, nếu chủ quan lấy nước bơm lên đồng hay tưới vườn cây ăn trái là lúa chết, cây héo khô ngay”.

Theo nhandan.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: