Công nghệ ứng dụng cảnh báo ngập lụt: Lượng mưa sẽ được dự báo trước 3 giờ

Đăng ngày: 22-07-2021 | Lượt xem: 3406
Một tin vui là Việt Nam vừa nhận chuyển giao công nghệ cảnh báo ngập lụt cho khu vực nội thành Hà Nội. Theo đó, người dân sẽ được cảnh báo trước các nguy cơ về ngập lụt thay vì nhận thông tin về hiện trạng ngập lụt như hiện nay…

Cứ mưa lớn là nhiều tuyến phố ở Hà Nội biến thành sông. Ảnh: Quang Vinh.

Tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với cường độ mưa lớn xảy ra đã gây ra ngập lụt đô thị thường xuyên hơn, gây thiệt hại lớn hơn cho cơ sở hạ tầng, cộng đồng và môi trường. Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn, Hà Nội nằm ở trung tâm của Đồng bằng Sông Hồng, nơi thường xuyên hứng chịu nhiều đợt ngập lụt gây thiệt hại khá nặng nề. Người dân hẳn chưa quên trận lụt lịch sử năm 2008, khi ấy, các tuyến phố như biến thành sông. Hồ Gươm bị tràn nước lên bờ, không thể phân biệt được đâu là bờ và đâu là hồ nữa.

Mưa lớn và ngập lụt đã trở thành chuyện thường ngày của Hà Nội. Mặc dù theo thống kê, cuối mùa mưa năm 2020, Hà Nội đã giảm được 5/16 điểm trọng điểm về ngập úng, thế nhưng trong năm 2021, thành phố vẫn còn tồn đọng 11 trọng điểm về ngập úng.

Trước thực trạng đó, việc thiết lập một hệ thống cảnh báo và giám sát tình hình ngập lụt hiệu quả cho TP Hà Nội mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm cảnh báo sớm, giảm thiểu thiệt hại do mưa, ngập lụt gây ra.

Thực tế thời gian qua, TP Hà Nội đã có nhiều đơn vị triển khai các hệ thông cảnh báo các khu vực ngập lụt, như ứng dụng HSDC Maps trên điện thoại thông minh. Đây là ứng dụng trên nền bản đồ với thông số chi tiết về tình trạng mưa, không mưa và các khu vực ngập úng rất hữu ích, tiện dụng cho người dân, nhất là vào mùa mưa bão. Khi người dùng ứng dụng muốn di chuyển đến các địa điểm trong lúc mưa bão, ứng dụng HSDC Maps còn cung cấp các tuyến đường thay thế, đường vòng để tránh các điểm đang ngập…

Theo ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, mặc dù TP Hà Nội đã có nhiều đơn vị đã triển khai các hệ thống cảnh báo các khu vực ngập lụt; nhiều ứng dụng thực tế được triển khai phục vụ người dân thủ đô như tra cứu thông tin ngập úng khu vực nội thành, xây dựng bản đồ vị trí các điểm úng ngập khi mưa dựa trên ảnh chụp thực tế từ các camera giám sát... Nhưng những dự án này chỉ thông báo về các khu vực ngập lụt (các khu vực đã và đang xảy ra ngập lụt) chứ không phải là cảnh báo các nguy cơ về ngập lụt.

Để thiết lập một hệ thống cảnh báo và giám sát tình hình ngập lụt hiệu quả cho TP Hà Nội, mới đây, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia và Công ty HydroScan (Vương quốc Bỉ) đã ký kết Thỏa thuận hợp tác Dự án “Chuyển giao công nghệ ứng dụng cảnh báo ngập lụt cho khu vực nội thành Hà Nội”.

Dự án do Chính phủ Vương quốc Bỉ tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam, thực hiện trong 3 năm (từ năm 2021 - 2024) nhằm xây dựng công nghệ cảnh báo thời gian thực về ngập lụt do mưa cho khu vực nội thành Hà Nội.

Được triển khai trên 12 quận của TP Hà Nội với tổng diện tích 306,64 km2, tuy nhiên, dự án sẽ tập trung triển khai chi tiết cho 8 quận nội thành gồm Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai - những khu vực chịu ảnh hưởng ngập úng nặng nề nhất của TP Hà Nội với diện tích khoảng 120 km2, tổng dân số gần 2 triệu người.

Đây là khu vực có nhiều khu phố cổ, hệ thống tiêu thoát nước được xây dựng từ lâu, tuy đã được cải tạo nhưng thực trạng ngập lụt khi xuất hiện mưa lớn vẫn xảy ra thường xuyên, đặc biệt ở nhiều tuyến phố thuộc các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Thanh Xuân.

Được biết, với công nghệ này, lượng mưa sẽ được dự báo trước trong 3 giờ. Có nghĩa là người dân sẽ nhận được thông tin sớm về nguy cơ ngập lụt chứ không phải là hiện trạng ngập lụt. Các kịch bản lũ lụt tương ứng trong tương lai cũng được lập bản đồ trong khoảng thời gian dự báo này.

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, dự án được kỳ vọng hỗ trợ cơ quan dự báo khí tượng thủy văn quốc gia một công cụ giám sát, cảnh báo, dự báo có độ tin cậy, hiệu quả, phục vụ công tác dự báo ngập úng đô thị Hà Nội kịp thời.

Theo Báo Đại đoàn kết

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: