Chủ động ứng phó với nắng nóng kỷ lục

Đăng ngày: 09-06-2023 | Lượt xem: 1427
Trong những tuần gần đây, nắng nóng kỷ lục đã bao trùm khắp các quốc gia khu vực Đông Nam Á với nền nhiệt tại nhiều nơi của Thái Lan, Singapore, Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam thường xuyên ở trên mức 40 độ C trong khoảng thời gian dài bất thường.

Người dân dùng ô che nắng khi di chuyển trên phố ở Bangkok, Thái Lan ngày 20/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân dùng ô che nắng khi di chuyển trên phố ở Bangkok, Thái Lan ngày 20/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuối tháng 4, Thái Lan đã chứng kiến ngày nóng nhất trong lịch sử với mức nhiệt 45,4 độ C. Thậm chí, nhiệt độ cảm nhận thực tế lên tới trên 46 độ C - mức nhiệt được coi là cực đoan và đe dọa đến tính mạng của bất kỳ ai, kể cả những người đã quen với kiểu thời tiết nắng nóng gay gắt kết hợp độ ẩm cao - trong 20 ngày của tháng 4 và ít nhất 10 ngày trong tháng 5. Myanmar cũng đã hứng chịu 12 ngày nắng nóng khắc nghiệt trong tháng 4 cho đến khi bão Mocha đem mưa đến xoa dịu bầu không khí nhưng lại tàn phá nặng nề quốc gia này. Nắng nóng tiếp tục tấn công Myanmar khi ngày 31/5, thị trấn Hkamti ở miền Tây nước này ghi nhận mức nhiệt 42,3 độ C, cao nhất trong 58 năm qua, và thị trấn Myitkyina ở miền Bắc cũng ghi nhận mức nhiệt 41,8 độ C, cao nhất trong 57 năm.

Người dân Singapore cũng đã trải qua ngày nắng nóng nhất trong 40 năm khi nhiệt độ vào ngày 13/5 lên tới 37 độ C, cao nhất kể từ tháng 4/1983. Lào ghi nhận mức nhiệt kỷ lục 43,5 độ C trong 2 ngày liên tiếp của tháng 5. Tình trạng nắng nóng kéo dài cũng xảy ra ở Campuchia và Malaysia trong tháng 4 và 5 năm nay.

Ở Việt Nam, theo dữ liệu của nhà khí hậu học Maximiliano Herrera, mức nhiệt cao kỷ lục 44,2 độ C cũng đã được ghi nhận vào đầu tháng 5. Ngày 1/6, Việt Nam trải qua ngày tháng 6 nóng nhất từ trước đến nay với mức nhiệt 43,8 độ C.

Dữ liệu của cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus thuộc Liên minh châu Âu (EU) còn cho thấy trong thời gian từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 5 vừa qua, 6 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á đã ghi nhận các mức nhiệt cảm nhận thực tế khoảng 40 độ C mỗi ngày - cao hơn ngưỡng nhiệt độ được cho là nguy hiểm, đặc biệt đối với những người có bệnh nền hoặc những người chưa thích nghi với tình trạng nắng nóng cực đoan. Tổ chức World Weather Attribution (WWA) cũng cho rằng đợt nắng nóng trong tháng 4 ở Đông Nam Á là sự kiện 200 năm mới có một lần mà “hầu như không thể xảy ra” nếu không có biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Các nhà khoa học nhận định tình trạng nóng lên toàn cầu đang khiến các hình thái thời tiết trở nên khó lường hơn. Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) cảnh báo rằng nhiệt độ Trái Đất càng tăng lên sẽ làm gia tăng nhiều rủi ro đồng thời. Riêng tình trạng nắng nóng gay gắt như thiêu đốt ở Đông Nam Á thời gian qua đã trở nên nguy hiểm hơn do độ ẩm cao, khiến cơ thể khó hạ nhiệt, gây ra các triệu chứng như say nắng, kiệt sức, có thể đe dọa tính mạng, nhất là những người mắc bệnh về tim, thận, tiểu đường, phụ nữ có thai. Đặc biệt, nắng nóng tác động trực tiếp tới những người lao động làm việc ngoài trời, lao động phi chính thức. Theo báo cáo năm 2018 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hơn 60% lao động ở Đông Nam Á làm việc trong lĩnh vực phi chính thức. Riêng ở Campuchia và Myanmar, con số này lên tới 80% Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, các đợt nắng nóng như đổ lửa còn đe dọa môi trường và sinh kế vốn bấp bênh của những người dễ bị tổn thương nhất khi gây hạn hán, tàn phá mùa màng, góp phần gây hỏa hoạn, cháy rừng, phá hủy cơ sở hạ tầng, đường sá. Tuy nhiên, con số tử vong do nắng nóng chưa được công bố chính xác.

Nắng nóng cực đoan kéo dài đã khiến việc đảm bảo nguồn cung ứng điện năng tại các nước Đông Nam Á đối mặt thách thức. Một số quốc gia đã phải chủ động cắt điện luân phiên hoặc giới hạn cung ứng điện cho sản xuất để đảm bảo nguồn cung điện.

Tại Thái Lan, nhiệt độ cao khiến nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng, đặt hệ thống điện ở mức báo động. Ủy ban Điều tiết năng lượng Thái Lan (ERC) cho biết, nắng nóng cực đoan khiến nhu cầu sử dụng điện của nước này có thời điểm lên gần 35.000 MW chỉ trong một ngày. Đây là mức tiêu thụ điện kỷ lục trong mùa nắng nóng của nước này và cao hơn tới 6% so với cùng kỳ năm 2022. Một số địa phương tại Thái Lan đã xảy ra các sự cố điện lưới diện rộng khi chịu quá tải cục bộ. Ủy ban Điều tiết năng lượng Thái Lan cho biết sẽ có biện pháp phù hợp nếu như nhu cầu sử dụng điện của Thái Lan vượt ngưỡng 35.000MW.

Trong khi đó, nhu cầu dùng nước tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu nước triền miên ở Campuchia. Bộ Tài nguyên nước và khí tượng Campuchia cảnh báo thời tiết nóng bức sẽ tiếp tục kéo dài và sẽ có ít mưa hơn so với năm 2022, do thời tiết đang bị ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino. Bộ trên cho biết thêm lượng mưa ở Campuchia năm nay dự kiến sẽ "thấp hơn từ 20 - 30% so với mức trung bình trong nhiều năm", điều này có nghĩa tình trạng hạn hán sẽ quay trở lại.

Trước những nguy cơ đe dọa tính mạng con người, nhà chức trách Thái Lan đã khuyến cáo người dân ở trong nhà, uống đủ nước, mặc quần áo sáng màu và tránh ăn một số loại thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Giới chức Singapore cũng đã nới lỏng các quy định về đồng phục của học sinh để phù hợp với thời tiết nắng nóng ở nước này. Tại Malaysia, chính phủ nước này đã đưa ra một số biện pháp để giảm thiểu ảnh hưởng do nắng nóng kéo dài bao gồm gieo mây, triển khai 101 giếng khoan để phục vụ cho các khu vực khó tiếp cận nguồn nước, tạm thời dừng các hoạt động ngoài trời tại trường học, cung cấp nước uống miễn phí.

Mặc dù các nước đã nhanh chóng triển khai các biện pháp ứng phó tức thời nhưng hiện tượng nóng lên toàn cầu, được cho là nguyên nhân khiến các đợt sóng nhiệt xảy ra thường xuyên hơn, đang làm trầm trọng thêm các hình thái thời tiết bất lợi nếu các chính phủ không có những hành động quyết liệt để đảo ngược xu hướng này. Giới chuyên gia cho rằng các nước trong khu vực Đông Nam Á, một trong những nơi dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng biến đổi khí hậu, cần chủ động hơn nữa trong việc tìm cách thích nghi, cải thiện khả năng dự báo để có thể hành động ứng phó sớm, nhằm tránh thiệt hại tối đa do sóng nhiệt được coi là "mối đe dọa thầm lặng" này gây ra. Giảng viên Khoa địa lý thuộc Đại học Chiang Mai của Thái Lan Chaya Vaddhanaphuti, cho rằng cần có "một kế hoạch quốc tế có thể bảo vệ những nhóm dân số dễ bị tổn thương hơn trước những rủi ro biến đổi khí hậu ngày càng tăng và các biện pháp chủ động để ngăn ngừa các vấn đề tiềm tàng liên quan đến sức khỏe" con người.

Trần Quyên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/chu-dong-ung-pho-voi-nang-nong-ky-luc-20230609114429545.htm

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: