Chắt chiu tăng trưởng trên những nẻo đường nắng mưa

Đăng ngày: 29-06-2020 | Lượt xem: 1211
Trong chính trường có người nói, Chính phủ nhiệm kỳ này thiếu vắng công trình ghi dấu ấn. Trong nhân gian, người dân, nhất là người già lại thấy “công trình” đặc biệt dấu ấn của Chính phủ, không phải bằng xi măng sắt thép, mà bằng niềm yêu dân.

Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 10 tại Quảng Bình tháng 9/2017. - Ảnh: VGP

Vào 3 năm trước, tháng 9 năm 2017, có một cơn bão mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã phải dùng các cụm từ “quằn quại”, “dai dẳng” để mô tả, cơn bão số 10.

Đó là cơn bão với cường độ rất lớn từ cấp 10-11, giật cấp 13-14, đổ bộ thẳng vào đèo Ngang, ảnh hưởng lớn nhất là tỉnh Hà Tĩnh. Tại đây, nó quần thảo dữ dội liên tục trong 8 tiếng đồng hộ, đồng thời gây mưa lớn, mưa cấp tập trên diện rộng từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế.

Sốt ruột lo cho dân, “thi gan” cùng với bão, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi dọc 3 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình. Quan sát suốt dọc đường đi, ông cảm thấy giảm bớt phần nào nỗi lo khi chính quyền địa phương làm rất tốt công tác tuyên truyền nên người dân đều trú bão, không có ai trên đường.

Nhiều người dân không dám ra đường nhưng Thủ tướng vẫn trên đường để bảo đảm “không để dân đói cơm đứt bữa, không để tiêu điều nối tiêu điều”, như khẳng định của Thủ tướng trước khi ông khẩn cấp đi vào nơi tâm bão.

Thủ tướng chỉ đạo chính quyền địa phương cũng như các bộ ngành phải làm những việc cụ thể nhất, không nói dài, nói nhiều, không chỉ tay năm ngón chung chung. Và ông làm gương bằng cách tự mình xông pha.

Đến Đồng Hới (Quảng Bình) lúc chiều muộn sau khi đi ô tô quãng đường hơn 300 km mịt mù trong mưa, chứng kiến cả thành phố này chìm trong bóng tối, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Bộ Công Thương phải tập trung bằng mọi cách cấp điện lại bình thường cho dân.

Bão số 10 năm đó tàn phá nhiều tuyến đường, công trình thủy lợi bị hư hỏng nặng; hàng loạt cây trồng lâu năm, cây trồng hằng năm bị gãy đổ giảm năng suất gần 25.000 ha; gần 20.000 ha lúa, hoa màu bị ngập; hơn 200.000 ngôi nhà ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế bị sập, tốc mái, hư hỏng; 2.440 cột điện bị đổ gãy, 71 tàu cá, thuyền bị chìm, cuốn trôi…

Tàn phá như vậy, nhưng bão số 10 lại chỉ gây ra con số thiệt hại về người rất thấp, với 6 người chết, trong đó Thanh Hóa 2 người, Nghệ An 1 người; Quảng Bình 2 người; Thừa Thiên-Huế 1 người.

Có người đã nói với Thủ tướng rằng, thiệt hại về người rất ít là bởi trong khi người dân biết nghe chính quyền mà sợ bão, không ra đường thì Thủ tướng và các thành viên Chính phủ vẫn trên đường để ứng phó với bão. Một Chính phủ dũng cảm luôn là thành đồng lũy thép che chắn cho dân.

Nhưng Thủ tướng thấy, điều trước tiên cần được ghi nhận là cả hệ thống chính trị đã vào cuộc nhanh chóng, chủ động, quyết liệt trong ứng phó với bão và tất cả các cấp chính quyền đều có trách nhiệm rất cao trong việc bảo vệ an toàn cũng như tài sản cho người dân.

Tất cả các tỉnh nằm trong tâm bão và có cơn bão đi qua, lãnh đạo địa phương đều ra đường chỉ đạo ứng cứu. Quân khu 4 điều hơn 22.000 chiến sĩ, Bộ Công an tăng cường 9.000 người cho 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả bão và sẵn sàng cử thêm quân theo yêu cầu của địa phương…

Về phía Chính phủ, Thủ tướng nêu rõ đồng cam cộng khổ với nhân dân là trách nhiệm đương nhiên của Chính phủ. Ngay từ khi được Quốc hội bầu và phê chuẩn nhiệm kỳ khóa mới vào tháng 7 năm 2016, Chính phủ đã ra Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, trong đó thống nhất, quyết tâm xây dựng Chính phủ đoàn kết, vững mạnh, quyết liệt hành động, tập trung phục vụ Nhân dân làm mục tiêu cao nhất. Từng thành viên Chính phủ nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát điểm sạt lở tại xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang tháng 9/2019. Ảnh: TTXVN

Không chỉ đi trên những nẻo đường mưa chống bão cùng dân, Thủ tướng cũng đi trên những nẻo đường nắng cùng dân chống hạn.

Tháng 1/2020, khi Chính phủ cũng như đông đảo người dân cả nước “nín thở” trước diễn biến của virus Corona, Thủ tướng vẫn không quên ra Chỉ thị 04 yêu cầu triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Trước đó vài tháng, Chính phủ đã có dự báo  xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thể ở mức tương đương hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2016, năm 2020 sẽ là năm xảy ra xâm nhập mặn lịch sử. Do tác động của biến đổi khí hậu và nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, nhất là trên hệ thống sông Mekong, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có thể xảy ra thường xuyên và khốc liệt hơn.

Tháng 3/2020, Thủ tướng trực tiếp đi thị sát các tỉnh ĐBSCL. Liên tục đi thị sát trong 4 năm, ông đã làm người dân nơi đây thấy quá quen thuộc với hình ảnh của một Thủ tướng bước hối hả trong nắng gắt, bên những cánh đồng nứt toác, cùng chịu khổ cực với một miền Tây khô khát.

Đúng như dự báo, mùa khô 2019-2020 xuất hiện sớm hơn so trung bình nhiều năm, thời gian hạn mặn kéo dài gấp đôi so với mùa khô năm 2016. Xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 khu vực ĐBSCL đã “soán ngôi” năm 2016 và trở nên nghiêm trọng chưa từng có.

Tuy nhiên, giống như một phép màu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến thời điểm hiện tại, mức độ gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh được giảm thiểu ở mức đáng kể. Giữa sự khắc nghiệt gần đến ngưỡng tận cùng của Mẹ thiên nhiên, vẫn thu được “quả ngọt” bởi sự chỉ đạo điều hành sớm, sát sao các giải pháp ứng phó từ Chính phủ đến địa phương.

Ông Cường cho hay, “ngay từ tháng 9/2019, Thủ tướng đã triệu tập họp khẩn cấp với lãnh đạo 13 tỉnh ĐBSCL bàn về tình hình 2020, vì vậy,  khi hạn mặn tấn công mãnh liệt hơn, chúng ta đã có sẵn sàng các giải pháp đồng bộ tương ứng để kịp thời chống chọi”.

Thủ tướng thị sát công trình phòng chống ngập mặn tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre tháng 3/2020, giữa thời điểm dịch COVID-19 đang hoành hành. Ảnh: VGP

Từ những ngày mưa bão trắng trời ở miền Trung hay những ngày khô khát ở miền Tây, Thủ tướng nhìn nhận, “đã là lãnh đạo thì phải chịu hiểm nguy, gian khổ cùng dân thì mới có thể thực sự hiểu được nỗi vất vả của dân; có hiểu, có đồng cảm mới có thể tận tâm, tận lực trong ra chính sách và thực thi chính sách”.

Như trong việc thực hiện các chính sách “cứu” miền Tây. Giữ đúng cam kết về việc hai năm một lần đánh giá toàn diện chính sách cho ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, từ năm 2016 đến nay, người đứng đầu Chính phủ đã chủ trì hai Hội nghị quy mô đều ở mức “choáng ngợp”như mô tả của nhiều lãnh đạo địa phương trong vùng.

Choáng ngợp là bởi cả hai Hội nghị đều quy tụ được đông đảo đại biểu là các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng cùng đại biểu QH, chuyên gia cũng như các nhà tài trợ quốc tế đáp lời hiệu triệu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến để cùng ngồi bàn thảo diễn biến về nguy cơ thảm họa vì biến đổi khí hậu ĐBSCL, ra giải pháp và huy động nguồn lực.

Nghị quyết số 120/NQ-CP và Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết được ban hành từ năm 2017 với rất nhiều tâm huyết của Thủ tướng cũng như của cả Chính phủ. Yêu cầu của Thủ tướng, năm nào cũng phải tổng kết việc thực hiện đã triển khai được đến đâu, còn những điểm gì còn vướng mắc. Theo đó, diễn ra hàng loạt các cuộc họp, làm việc, thị sát của Người đứng đầu Chính phủ với các Bộ, ngành, địa phương…

Hiện, miền Bắc, miền Trung đang trong những ngày hè “đỏ lửa”. Cũng như mùa hè năm ngoái, nắng đổ rát bỏng trên mọi ngả đường. Tưởng như năm ngoái đã trải qua những ngày nóng nhất trong lịch sử khi đạt mức kỷ lục trong 140 năm, nhưng xem ra năm nay cũng không chịu kém phần kỷ lục.

Theo chu kỳ 2 năm, sau hạn hán gay gắt trên diện rộng như năm 2019 và 2020 thì mưa bão diễn biến phức tạp, khó lường. Dự báo ngay khi hạn hán kỷ lục lui, mưa đặc biệt lớn gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất sẽ tức thời tiếp bước.

Nắng vật vã, mưa xối xả, chưa kể bạt ngàn những thách thức to lớn nối đuôi nhau mà ngay lúc này là đại dịch COVID-19 vẫn rập rình trước cửa, các con số GDP mà Chính phủ hàng năm báo cáo tại Quốc hội luôn chứa đựng ở trong đó cả bầu trời khó nhọc.

Không chỉ là những cuộc họp liên miên bất kể ngày đêm bàn tới bàn lui đau đầu giải bài toán phát triển, Thủ tướng muốn “chắt chiu từng phần trăm tăng trưởng cho nền kinh tế từ những chuyến đi liên tục trên những nẻo đường nắng mưa”.

Ông còn nói, “đi để thấy có thật là không ai bị bỏ lại phía sau”.

Tại Nghị trường ba năm trước, khi chứng kiến khí thế thừa thắng ào ào xông lên trong thúc đẩy GDP, một số đại biểu Quốc hội cật vấn Chính phủ chỉ cố sức chạy theo tăng trưởng kinh tế, trong khi “tăng trưởng” niềm tin của người dân cũng đòi hỏi cần phải lưu tâm, cần phải cố sức.

Giờ thì hầu như không còn ai đặt ra vấn đề như vậy.

Theo baochinhphu.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: