Canada hứng lũ lụt nặng chưa từng thấy

Đăng ngày: 22-04-2019 | Lượt xem: 1194
Hơn 1.000 ngôi nhà bị lũ lụt trên khắp tỉnh Quebec – Canada trong khi nước lũ tiếp tục dâng cao hôm 21-4.

Theo Thị trưởng TP Sainte-Marie, tỉnh Quebec, ông Gaétan Vachon, đây là trận lụt lớn nhất kể từ khi Canada hứng chịu hai trận lũ lụt vào năm 1987 và 1991.

Hơn 1.000 ngôi nhà đã chìm trong nước lũ, trong đó có khoảng 500 ngôi nhà ở TP Sainte-Marie. Tại khu vực này, cư dân địa phương đang sử dụng thuyền đi sơ tán.

Hôm 21-4, mực nước sông Chaudière ở tỉnh Quebec tăng 20-25 cm/giờ, đạt mức cao kỷ lục chưa từng thấy trước đây.

Canada hứng lũ lụt nặng chưa từng thấy - Ảnh 1.

Lực lượng cứu hộ giúp người dân sơ tán ở tỉnh Quebec. Ảnh: CBC

Canada hứng lũ lụt nặng chưa từng thấy - Ảnh 2.

Ảnh: The Canadian Press

Nhiệt độ gia tăng khiến tuyết tan nhiều hơn, cộng thêm mưa lớn kéo dài làm cho tình hình càng trở nên tồi tệ. Nhiệt độ đạt mức 18 độ C ở khu vực Montreal, 17 độ C ở Trois-Rivières và 15 độ C ở TP Quebec cuối tuần rồi.

Người đứng đầu bang Quebec François Legault nói rằng nhà chức trách đang tạo điều kiện sơ tán người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng. Khoảng 600 binh sĩ đã được triển khai trên toàn tỉnh để ứng phó với tình huống khẩn cấp.

"Chắc chắn rằng biến đổi khí hậu đang gây tác động và chúng tôi phải điều chỉnh chương trình của mình. Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ yêu cầu người dân đi tránh lũ " - ông Legault phát biểu khi đến thăm các khu vực bị ảnh hưởng ở Laval.

Canada hứng lũ lụt nặng chưa từng thấy - Ảnh 3.

Binh sĩ bảo vệ một nhà máy lọc nước. Ảnh: CBC

Giám đốc Cơ quan hoạt động an ninh dân sự tỉnh Quebec, ông Éric Houde, thông báo hoạt động sơ tán đang diễn ra suôn sẻ.

Tại TP Bécancour, binh sĩ làm việc không ngừng nghỉ để đặt bao cát xung quanh nhà máy lọc nước nhằm bảo vệ nguồn nước khỏi bị nhiễm bẩn.

Quân đội cũng được huy động tới Saint-André-Avelin, Trois-Rivières và Pontiac – nơi một cụ bà 72 tuổi thiệt mạng do bị nước lũ cuốn trôi.

Chính quyền TP Montreal đã yêu cầu các tình nguyện viên giúp đặt bao cát ở những khu vực có nguy cơ cao. Một số khu vực khác cũng bị ảnh hưởng nặng, bao gồm Rigaud, Vaudreuil-Dorion và Gatineau.

Theo Người Lao Động

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: