Bão số 6 gây thiệt hại hàng nghìn héc-ta lúa, hoa màu, nhiều công trình giao thông, thủy lợi

Đăng ngày: 13-11-2019 | Lượt xem: 1179
Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai, bão số 6 đã khiến 14 nhà bị sập đổ, 16 nhà bị hỏng, tốc mái, 424 nhà bị ngập. Mưa lũ tại tỉnh Đắk Lắk làm 360 hộ dân tại hai huyện Ea Kar và Krông Bông tạm thời bị cô lập, hiện nay, nước đã rút, các phương tiện đã lưu thông được. Về sản xuất nông nghiệp: có 930 ha lúa, 328,7 ha hoa màu, 8,5 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại...

Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định giúp người dân phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn thu dọn đống đổ nát do bão số 6 gây ra.

Về thủy lợi, đê điều: 5.010 m kênh mương bị sạt, trôi, hỏng, sạt lở 13.339 m3 đất đá, bê -tông ; bốn cống bị hư hỏng, cuốn trôi; hai đập thủy lợi bị sạt lở. Tổng thiệt hại ban đầu do bão số 6 ước tính khoảng 86,3 tỷ đồng.

* Theo Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền trung - Tây Nguyên, sau cơn bão số 6, mưa lũ gây sạt lở hàng trăm vị trí trên các tuyến quốc lộ, hàng nghìn khối đất đá vùi lấp các tuyến đường, gây chia cắt, cô lập nhiều khu vực dân cư, địa bàn.

Tổng khối lượng đất đá sạt lở khoảng 2.000 m3 ở 107 vị trí tại các tuyến Trường Sơn Đông, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14G, quốc lộ 26.

Hiện các vị trí sạt lở đã được xử lý, bảo đảm giao thông thông suốt. Đường giao thông tại các địa phương bị sạt lở, hỏng 25,5 km.

* Huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất sau bão số 6. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, tính đến cuối ngày 11-11, toàn huyện có 1.021 căn nhà, 486 ha cây trồng bị ảnh hưởng do bão số 6; hơn 3.400 con gia cầm, 40 con heo bị lũ cuốn trôi. Ngoài ra, một số công trình hạ tầng cũng bị ảnh hưởng do lũ.

* Tại Quảng Ngãi, nhiều huyện vùng cao đang tiếp tục khắc phục các tuyến đường bị sạt lở. Tại xã Ba Giang, huyện Ba Tơ, chính quyền địa phương đã di dời 32 hộ dân, hơn 120 khẩu ở thôn Ba Nhà đến nơi an toàn. Đây là những hộ dân nằm dưới chân núi có nguy cơ sạt lở cao. Huyện yêu cầu các hộ dân nâng cao ý thức phòng, chống sạt lở để tránh thiệt hại về người.

* Sáng 12-11, tuyến giao thông đường thủy Sa Kỳ - Lý Sơn (Quảng Ngãi) hoạt động trở lại sau năm ngày tạm ngưng do ảnh hưởng cơn bão số 6. Theo đó, trong ngày có bốn chuyến tàu vận tải hành khách và hàng hóa từ đất liền ra đảo Lý Sơn, giải quyết nhu cầu đi lại của người dân và chở hàng trăm tấn hàng hóa bổ sung nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu. Ngoài ra, còn có ba chuyến tàu vận tải chở hơn 130 tấn hành củ của người dân tồn ứ vào đất liền tiêu thụ. Cũng trong ngày 12-11, một chuyến tàu vận tải chở hơn hai tấn lương thực, thực phẩm thiết yếu từ đảo Lớn sang đảo Bé (huyện đảo Lý Sơn) giải quyết tình trạng khan hiếm lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân sau hơn hai tuần bị cô lập do biển động mạnh.

* Tại Kon Tum, bão số 6 làm mất điện 182 trạm biến áp với hơn 8.810 hộ gia đình bị cúp điện. Đến ngày 11-11, Công ty Điện lực Kon Tum đã khắc phục toàn bộ lưới điện của 182 trạm biến áp bảo đảm cấp điện trở lại cho 100% hộ gia đình.

* Theo Văn phòng Thường trực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, vào lúc 18 giờ 30 phút ngày 10-11, tại tổ 4, ấp Tân Hậu A1, xã Tân An, thị xã Tân Châu, An Giang đã xảy ra sạt lở đê bắc kênh Xáng với diện tích 150 m2, dài khoảng 30 m, sâu vào đất liền khoảng 5 m và cách mép ngoài đê bắc kênh Xáng khoảng 10 m, gây ảnh hưởng hai hộ dân và một nhà kho.

* Hiện các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang vào vụ gieo sạ lúa đông xuân 2019 - 2020. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương khuyến khích nông dân chọn sử dụng giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao, cố gắng toàn vùng xuống giống sớm, đến hết tháng 11 đạt khoảng 1,2 triệu héc-ta và kết thúc giai đoạn xuống giống trong tháng 12 - 2019 nhằm bảo đảm lịch thời vụ tốt, tránh hạn, mặn.

* Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo, các địa phương cần xuống giống tập trung, tránh rầy theo dự báo rầy nâu di trú và rầy nâu tại chỗ nhằm phòng ngừa bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá; thường xuyên thăm đồng, theo dõi và phòng, chống sâu bệnh hại kịp thời.

* Tại Sóc Trăng, vùng ven biển có 15 nghìn héc-ta lúa đông xuân có nguy cơ cao bị hạn, mặn. Vụ này, tỉnh khẩn trương thực hiện các biện pháp trữ nước ngọt, nạo vét kênh dẫn nước nội đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh điều chỉnh lịch thời vụ, khuyến cáo nông dân xuống giống sớm hơn hằng năm từ 15 đến 30 ngày, cố gắng thu hoạch trước Tết Nguyên đán Canh Tý để né hạn, mặn.

Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng không khí lạnh, hôm nay 13-1, các tỉnh Bắc Bộ có mưa, mưa rào và có nơi có dông. Từ gần sáng 14-11, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đêm và sáng trời rét. Từ đêm nay, ở vịnh Bắc Bộ và khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió chuyển hướng Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh.

Theo nhandan.com.vn

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: