Bão Pabuk đổ bộ Thái Lan: Hàng ngàn người mắc kẹt trên đảo, du khách lo sợ

Đăng ngày: 05-01-2019 | Lượt xem: 912
(TN&MT) - Hàng ngàn người mắc kẹt trên bờ biển phía Nam của Thái Lan khi bão Pabuk đổ bộ vào ngày 4/1.

Theo Trung tâm cảnh báo bão chung, các nhà chức trách đã yêu cầu tất cả các chuyến bay và dịch vụ phà ngừng hoạt động trước cơn bão khi nó chính thức đổ bộ vào huyện Pak Panang của tỉnh Nakhon Si Thammarat vào khoảng 15h30 giờ địa phương (3h35 sáng giờ ET), với tốc độ gió duy trì tối đa 95 km/h.

Một số điểm du lịch nổi tiếng nhất của đất nước, trong đó có các đảo Koh Samui, Koh Phangan và Koh Tao, cùng với các hòn đảo trên biển Andaman như Phuket và Koh Phi Phi theo dự báo sẽ bị ảnh hưởng bởi cơn bão trong mùa nghỉ lễ cao điểm.

"Thật đáng sợ khi ở đây vì chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra và không có cách nào để rời đi", du khách người Mỹ Miranda Abidyer, 26 tuổi bị mắc kẹt trên đảo Koh Samui nói với CNN.

Abidyer, du khách đến hòn đảo này cùng gia đình để chúc mừng sinh nhật lần thứ 30 của chồng cô cho biết họ có chuyến bay ​​vào ngày 4/1 nhưng chuyến bay đó đã bị hủy và dịch vụ phà cũng đã bị đình chỉ. Cô cho biết cả gia đình đã không nhận được bất kỳ thông tin nào từ chính quyền địa phương về cơn bão hoặc những gì họ nên làm. Bây giờ họ không biết làm gì ngoài việc chờ trong biệt thự riêng của họ, cách bãi biển khoảng 1km.

"Chúng tôi sẽ trốn trong phòng tắm nếu cơn bão nghiêm trọng hơn. Nhưng tất cả những gì chúng tôi có thể làm là chờ đợi", Abidyer nói thêm.

Trao đổi với CNN qua điện thoại vào ngày 4/1, huyện trưởng Koh Samui, Kittipop Roddon thông tin có khoảng 20.000 khách du lịch ở lại trên đảo lớn thứ hai của Thái Lan.

“Hòn đảo đã bị chia cắt hoàn toàn với đất liền và tất cả phương tiện giao thông trên đất liền đã ngừng hoạt động từ ngày hôm qua”, ông nói và cho biết thêm rằng có đủ lương thực và nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ người sống trên đảo cho tới khi bão tan.

Những người còn lại hiện đang chuẩn bị để vượt qua cơn bão, những người dân ở Koh Samui leo lên những ngôi nhà bằng ván gỗ. Các nhân chứng nói với CNN, đến ngày 4/1, các con đường trên đảo trở nên yên tĩnh hơn và các cửa hàng trống rỗng hơn.

Tuy nhiên, giới chức trách Thái Lan lo ngại một số đảo nhỏ hơn như Ko Phangan và Koh Tao có thể phải hứng chịu nhiều thiệt hại từ siêu bão do đảo này nằm ở khu vực khá hẻo lánh, dẫn đến việc đội ngũ cứu hộ có thể không đến kịp khi có sự cố xảy ra.

Huyện trưởng Koh Phangan cho biết 15.000 du khách vẫn mắc kẹt ở đảo Koh Phangan và khoảng 4.000 khách ở trên đảo Koh Tao.

Người dân địa phương dọn dẹp bờ biển vào ngày 4/1 để chuẩn bị cho cơn bão đang đến gần ở Pak Phanang, tỉnh Nakhon Si Thammarat, phía Nam Thái Lan

Người dân địa phương dọn dẹp bờ biển vào ngày 4/1 để chuẩn bị cho cơn bão đang đến gần ở Pak Phanang, tỉnh Nakhon Si Thammarat, phía Nam Thái Lan

Theo Cơ quan phòng chống và giảm nhẹ thiên tai Thái Lan, trước đó, hàng ngàn cư dân sống ở khu vực ven biển đã được sơ tán đến nơi trú bão vào ngày 3/1. Khoảng 5.700 người đã được chuyển đến nơi an toàn ở tỉnh Nakhon Si Thammarat, trên bờ biển phía Đông của đất nước - một trong những khu vực theo dự báo ​​sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão.

Tổng giám đốc của Cơ quan phòng chống và giảm nhẹ thiên tai của Thái Lan, Chyapol Thitisa nói với CNN rằng trong ba ngày, quân đội đã giúp sơ tán những người sống sót ở vùng sâu vùng xa và ven biển trong tỉnh và một số ngôi làng ven biển dễ bị nhấn chìm trong bão.

Theo Đài truyền hình Thái Lan PBS, tàu sân bay duy nhất của Hải quân Hoàng gia Thái Lan đã được huy động cùng với 2 tàu khác để hỗ trợ các hoạt động cứu hộ và cứu trợ. Sẽ mất 15 giờ để tàu đi từ căn cứ của họ đến Nakhon Si Thammarat.

Sóng vỗ vào một bến tàu ở tỉnh Surat Thani, phía Nam Thái Lan vào ngày 4/1

Sóng vỗ vào một bến tàu ở tỉnh Surat Thani, phía Nam Thái Lan vào ngày 4/1

Hàng ngàn du khách đã tháo chạy khỏi các hòn đảo, chen chúc trên phà và thuyền.

Sân bay Nakhon Si Thammarat đã bị đóng cửa và Bangkok Airlines tuyên bố hủy tất cả các chuyến bay đến và đi từ Koh Samui vào ngày 4/1 "vì lý do an toàn."

Các trận mưa lớn đã gây ra lượng mưa 200mm trên một số khu vực. Theo Cục Khí tượng Thái Lan, gió mạnh trên bờ vịnh Thái Lan, nằm trực tiếp trên đường đi của bão, có thể gây ra sóng cao tới 3-5 mét.

Sau khi băng qua Quần đảo Chumphon và các tỉnh trên đất liền, cơn bão sẽ di chuyển vào biển Andaman, ảnh hưởng đến quần đảo Andaman và Nicobar với mưa lớn và gió giật mạnh trước khi bão tan ở vịnh Bengal vào cuối tuần này.

Du khách Mandira Popat nói với CNN rằng cô cùng chồng cô, Akshyat Bhatia bị mắc kẹt trên hòn đảo nghỉ mát nhỏ Koh Ngai ở biển Andaman.

"Có những cơn gió rất mạnh và mưa rào rải rác cùng với sóng mạnh trên biển. Đêm qua có những cơn giông lớn kéo dài đến 9 giờ sáng. Mọi người phải ở trong nhà và cách xa biển Andaman kể từ hôm qua vì sóng biển dữ dội” - Mandira Popat cho biết.

“Chúng tôi đặt chuyến bay từ Phuket vào ngày 5/1 nhưng không không thể đến đảo vì không có phà chở, do đó chúng tôi bị mắc kẹt trên đảo Koh Ngai”, Mandira Popat cho biết thêm.

Các du khách Trung Quốc đem hành lý trở lại sân bay Surat Thani ở miền Nam Thái Lan sau khi tour du lịch bằng thuyền bị hủy hoãn do bão

Các du khách Trung Quốc đem hành lý trở lại sân bay Surat Thani ở miền Nam Thái Lan sau khi tour du lịch bằng thuyền bị hủy do bão

Theo dự báo, bão Pabuk ​​sẽ mang theo gió mạnh, sóng cao, thủy triều và mưa lớn cùng với lũ lụt. Mặc dù gió, thủy triều và nước dâng sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt là ở khu vực không thường xảy ra những cơn bão như Pabuk nhưng mối nguy hiểm đáng sợ nhất là mưa và lũ lụt.

Các khu vực ở phía Nam của Thái Lan có thể nhận lượng mưa hơn 250 mm vào thời điểm cơn bão đi qua. Ngoài ra còn có nguy cơ gây sạt lở ở dãy núi Phuket ở phía Tây của bán đảo.

Tỉnh có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Nakhon Si Thammarat, nơi cơn bão nhiệt đới Harriet tấn công hồi năm 1962.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: