Bảo đảm an toàn đê điều trong mùa mưa, lũ

Đăng ngày: 13-08-2021 | Lượt xem: 1626
Trước dự báo tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là các hiện tượng thời tiết cực đoan, thành phố Hà Nội đang khẩn trương thực hiện các phương án khắc phục sự cố, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trong mùa mưa, lũ...

Xử lý sự cố đê hữu Bùi, đoạn xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ.

Sau hơn hai tháng, đến tháng 7/2021, sự cố nứt đê hữu Hồng, đoạn Km46+160, thuộc địa bàn xã Liên Hà (huyện Đan Phượng) do thi công hố móng trạm bơm nước thô thuộc dự án xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng gây ra, đã cơ bản được khắc phục. Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Nước mặt sông Hồng đã đắp lấp hố móng tạo cơ phản áp; gia cố mặt, mái cơ đê bằng thảm đá, bên dưới lót vải địa kỹ thuật; xử lý vết nứt mặt đê, đường hành lang, ngăn không cho nước chảy vào khe nứt. Đồng thời, thi công khép kín tuyến đê quây hố móng và lắp đặt hệ thống quan trắc để theo dõi thường xuyên diễn biến sự cố. Theo đánh giá của đại diện Tổng cục Phòng, chống thiên tai (PCTT), đây là sự cố hết sức nghiêm trọng trên tuyến đê bảo vệ Thủ đô. Chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc khắc phục sự cố, phối hợp chặt chẽ các đơn vị liên quan xây dựng phương án bảo vệ để bảo đảm an toàn tuyệt đối đoạn đê trong mùa mưa, lũ. Tổng cục PCTT đề nghị thành phố Hà Nội xem khu vực này là trọng điểm thiên tai ngay từ mùa mưa, bão năm nay để có phương án bảo vệ.

UBND thành phố Hà Nội vừa công bố tình trạng khẩn cấp sự cố sạt lở bờ hữu sông Bùi, đoạn qua địa bàn xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ, tại ba khu vực, với tổng chiều dài khoảng 1.340 m. Cụ thể, khu vực từ trạm bơm Chợ Sẽ đến đầu kè tuyến Đồng Vực, thôn Mới xảy ra hai cung sạt, vách sạt thẳng đứng; khu vực từ hộ gia đình ông Lê Văn Trung, thôn Thượng đến hết địa phận thôn Trung xảy ra bảy cung sạt và khu vực từ cống tiêu thôn Yên Cốc đến hết địa phận xã Hồng Phong xảy ra năm cung sạt. Trước tình hình sự cố sạt lở diễn biến phức tạp, nếu không được xử lý kịp thời có thể tiếp tục gây sạt lở, UBND thành phố yêu cầu lực lượng chức năng triển khai ngay các biện pháp xử lý giờ đầu các sự cố bảo đảm tuyệt đối an toàn cho khu vực dân cư ven sông Bùi; thực hiện biện pháp gia cố để hạn chế sự phát triển sự cố công trình; đồng thời thực hiện dự án xử lý cấp bách khắc phục sạt lở bằng nguồn vốn ngân sách thành phố…

Trên đây chỉ là hai sự cố đê điều xảy ra thời gian gần đây trên địa bàn thành phố Hà Nội, đã được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Ngoài ra, trên gần 627 km đê của thành phố còn xảy ra nhiều sự cố khác, như sạt lở kè Cổ Đô, địa bàn xã Cổ Đô (huyện Ba Vì), sạt lở đê sông Đáy, địa bàn xã Hoàng Diệu (huyện Chương Mỹ), sạt lở kè Linh Chiểu đê hữu Hồng, thuộc xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ)…, đã được phát hiện, xử lý kịp thời theo phương châm bốn tại chỗ, bảo đảm an toàn công trình đê điều.

Đại diện Chi cục PCTT Hà Nội cho biết, từ năm 2012 đến tháng 7/2021, thành phố đầu tư 4.786 tỷ đồng để cứng hóa mặt đê, xử lý ẩn họa thân đê, tu sửa, nâng cấp và xây mới kè bờ sông, cống qua đê... Tuy nhiên, do ngân sách của thành phố còn hạn chế, cho nên một số tuyến đê, như tả Bùi, hữu Đáy, Mỹ Hà chưa được đầu tư đồng bộ, còn thiếu cao trình chống lũ từ 0,5 - 2,5 m so với quy hoạch hệ thống đê điều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Một số hạng mục công trình xuống cấp, hư hỏng, nền đê nhiều đoạn nằm trên vùng có địa chất xấu và có ao, hồ sát đê phía đồng, dòng chảy chính thường áp sát các công trình. Vào mùa mưa, lũ, khi mực nước sông lên cao, thường xuyên xảy ra các sự cố mạch đùn, mạch sủi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đê điều. Trên cơ sở đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước mùa lũ năm 2021, các cơ quan chức năng xác định bốn trọng điểm phòng, chống lụt bão, gồm khu vực đê, kè, cống Xuân Canh - Long Tửu đê tả Đuống (huyện Đông Anh); công trình cống Liên Mạc, đê hữu Hồng (quận Bắc Từ Liêm); cống Cẩm Đình, đê Vân Cốc (huyện Phúc Thọ); khu vực đê, kè, cống thuộc địa bàn các xã Tân Hưng, Bắc Phú, đê hữu Cầu (huyện Sóc Sơn) và 12 vị trí đê xung yếu thuộc địa bàn các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thường Tín; các quận Long Biên, Hoàng Mai…

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ, với vai trò Thường trực Ban Chỉ huy PCTT thành phố, đơn vị tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cấp, ngành tổ chức thực hiện phương án hộ đê và bảo vệ trọng điểm PCTT năm 2021; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện. Đối với các vị trí trọng điểm, ngoài việc xây dựng phương án bảo vệ chi tiết, Sở hoàn thiện phương án bảo vệ toàn tuyến, tổ chức tuần tra canh gác theo quy định, bảo đảm an toàn đê điều theo mức thiết kế, phấn đấu vượt mức thiết kế. Còn đối với những điểm xung yếu, các quận, huyện, thị xã xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm PCTT. Trước tác động của thời tiết, thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường, Sở tham mưu UBND thành phố đầu tư 4.739 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025, để cải tạo, nâng cấp hệ thống đê điều... Đồng thời, các cấp chính quyền tiếp tục tuyên truyền người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi; chủ động xây dựng và thực hiện các phương án PCTT hiệu quả.

Theo Báo Nhân dân

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: