Mưa, bão, lũ phải chăng là tương lai của biến đổi khí hậu?

Đăng ngày: 22-09-2023 | Lượt xem: 1929
Tháng 9 bắt đầu với một cơn bão quét qua Hong Kong làm bật gốc cây cối và làm ngập lụt thành phố. Đây là lần đầu tiên trong số hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan tấn công 10 quốc gia và vùng lãnh thổ chỉ trong 12 ngày - trong đó thảm khốc nhất là trận lũ lụt lịch sử ở Libya làm hơn 11.000 người thiệt mạng và khiến hàng nghìn người mất tích.

Từ trận bão tồi tệ nhất châu Âu…

Đầu tháng 9, nhiều khu vực ở Địa Trung Hải đã bị bão Daniel tấn công, là kết quả của một hệ thống áp thấp rất mạnh phát triển thành “bão Địa Trung Hải” - một loại bão tương đối hiếm có đặc điểm tương tự bão lớn và cuồng phong có thể gây ra lượng mưa cực lớn và lũ lụt kinh hoàng.

Cảnh tượng tan hoang sau lũ quét ở thành phố Derna, Libya

Cảnh tượng tan hoang sau lũ quét ở thành phố Derna, Libya

Cơn bão hình thành vào ngày 5/9 đã ảnh hưởng đến Hy Lạp trước tiên, gây ra lượng mưa nhiều hơn mức thường thấy trong cả năm. Đường phố biến thành những dòng sông chết chóc, nhấn chìm cả ngôi làng và buộc các nhân viên cứu hộ khẩn cấp trên thuyền bơm hơi phải giải cứu các gia đình mắc kẹt trong các ngôi nhà bị ngập.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết ít nhất 15 người đã thiệt mạng và gọi đây là “một trong những cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào châu Âu”. Bộ trưởng Môi trường Hy Lạp Theodoros Skylakakis nói với CNN hôm 12/9 rằng lũ lụt xảy ra sau các vụ cháy rừng tàn khốc ở nước này “có dấu vết của biến đổi khí hậu”.

Nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ cũng chịu tác động không nhỏ, ghi nhận ít nhất 7 người thiệt mạng. Người dân ở các khu vực nhiều cây cối rậm rạp phải lội qua dòng nước cao đến đầu gối, xung quanh là cây đổ, trong khi nhiều khu vực ở Istanbul chứng kiến lũ quét chết người khiến ít nhất hai người thiệt mạng. Lũ lụt nghiêm trọng cũng tấn công Bulgaria, với ít nhất 4 người chết được xác nhận. Ở những nơi khác ở châu Âu, một cơn bão khác - bão Dana - gây mưa xối xả trên khắp Tây Ban Nha, làm hư hại nhà cửa và làm chết ít nhất 3 người.

…đến thảm kịch ở Libya

Cho đến nay, tác động tàn khốc nhất được ghi nhận ở Libya khi cơn bão Daniel di chuyển qua Địa Trung Hải, nhận thêm sức mạnh từ vùng nước ấm bất thường của biển trước khi trút mưa xối xả xuống phía Đông Bắc nước này. Theo Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), lượng mưa thảm khốc đã khiến hai con đập bị sập, tạo ra một làn sóng cao 7 mét. Dòng nước tràn về thành phố ven biển Derna, quét sạch toàn bộ khu dân cư và cuốn trôi nhiều ngôi nhà xuống biển.

Theo Liên hợp quốc, hơn 11.000 người đã thiệt mạng và ít nhất 10.000 người khác vẫn mất tích, trong đó nhiều người được cho là đã bị cuốn ra biển hoặc bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Hôm 18/9, các lực lượng cứu hộ lũ quét ở Libya đã ghi nhận hàng trăm xác chết trôi dạt vào bờ biển ở Derna.

Lũ ở ngôi làng Palamas, miền trung Hy Lạp

Lũ ở ngôi làng Palamas, miền trung Hy Lạp

Khi các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn ngày càng trở nên tuyệt vọng, các chuyên gia cho rằng quy mô của thảm họa đã tăng lên rất nhiều do sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm cơ sở hạ tầng xuống cấp, cảnh báo không đầy đủ và tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu đang gia tăng. Giám đốc viện trợ Liên hợp quốc Martin Griffiths nói: “Đây là một thảm kịch trong đó khí hậu và năng lực điều hành xung đột với nhau gây ra thảm kịch khủng khiếp này”.

Libya đã bị tàn phá bởi một cuộc nội chiến và bế tắc chính trị trong gần một thập kỷ, với việc quốc gia này bị chia rẽ giữa hai chính quyền đối địch nhau kể từ năm 2014. Các chuyên gia cho biết, tình trạng chia cắt đã khiến đất nước này không được chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó lũ lụt và có thể cản trở việc cung cấp viện trợ nhân đạo cần thiết. Phó Chủ tịch cấp cao về ứng phó, phục hồi và phát triển khủng hoảng tại Ủy ban Cứu hộ Quốc tế Ciaran Donnelly cho biết: “Tình hình ở Libya ngày càng xấu đi do nhiều năm xung đột và bất ổn, cộng thêm do tác động của biến đổi khí hậu”. Ông nói thêm: “Trên toàn cầu, biến đổi khí hậu đã khiến những hiện tượng thời tiết cực đoan này xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn, khiến cộng đồng càng khó đối phó hơn, công tác tái thiết khó khăn hơn, đặc biệt là ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột”.

Theo một bài báo nghiên cứu do Đại học Sebha của Libya xuất bản năm ngoái, Derna dễ bị lũ lụt và các hồ chứa đập ở đây đã gây ra ít nhất 5 trận lũ lụt chết người kể từ năm 1942, trận lũ mới nhất là vào năm 2011. Hai con đập bị vỡ hôm 11/9 được xây dựng cách đây khoảng nửa thế kỷ, từ năm 1973 đến năm 1977, bởi một công ty xây dựng Nam Tư. Đập Derna cao 75 mét với sức chứa 18 triệu mét khối. Đập thứ hai là đập Mansour cao 45 mét với dung tích 1,5 triệu mét khối.

Phó thị trưởng thành phố Derna Ahmed Madroud nói với Al Jazeera rằng những con đập đó đã không được bảo trì kể từ năm 2002. Nhưng vấn đề với các con đập đã được biết đến. Bài báo của Đại học Sebha cảnh báo rằng các con đập ở Derna có “nguy cơ lũ lụt cao” và cần phải bảo trì định kỳ để tránh thảm họa lũ lụt.

Bão kép ở châu Á, mưa kỷ lục ở châu Mỹ

Tuy quy mô tàn phá và thiệt hại về nhân mạng ở châu Á nhỏ hơn ở Libya, nhưng châu Á cũng ghi nhận những cơn bão chết người chưa từng có. Hai cơn bão Sao La và Haikui đi qua khu vực này chỉ cách nhau vài ngày trong tuần đầu tiên của tháng 9, gây thiệt hại trên diện rộng tại hòn đảo Đài Loan, thành phố Hong Kong và các khu vực khác ở miền Nam Trung Quốc, bao gồm cả Thâm Quyến. Thiệt hại do cơn bão Sao La thực sự xảy ra một tuần sau đó, với lũ quét nhấn chìm các ga tàu điện ngầm và làm tắc nghẽn các tuyến đường bộ. Theo chính quyền Hong Kong, cơn bão mang lại lượng mưa theo giờ cao nhất kể từ năm 1884, khi bắt đầu ghi nhận hồ sơ về bão.

Tại Đài Loan, bão Haikui khiến hàng chục nghìn ngôi nhà mất điện và hơn 7.000 cư dân phải sơ tán. Jung-Eun Chu, nhà khoa học về khí quyển và khí hậu tại Đại học Thành phố Hồng Kông cho biết cơn bão kép là một “trường hợp đặc biệt” tạo điều kiện cho một cơn bão nghiêm trọng bất thường vào một tuần sau đó. Các cơn bão mang theo hai khối không khí di chuyển chậm, mang theo hơi ẩm và di chuyển theo các hướng khác nhau - chúng va chạm và đổ nước xuống Hong Kong.

Bà nói: “Nếu chỉ có một cơn bão thì sẽ không gây ra lượng mưa lớn như thế này”, và thêm rằng sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra đang góp phần tạo ra các cơn bão mạnh hơn. “Nếu khí hậu ấm lên, nếu bề mặt đại dương trở nên ấm hơn, bầu không khí có thể giữ được nhiều độ ẩm hơn. Nếu nhiệt độ tăng thêm một độ C, bầu khí quyển có thể tăng độ ẩm thêm 7%”.

Xe lội nước trong lũ ở bang Massachusetts, Mỹ

Xe lội nước trong lũ ở bang Massachusetts, Mỹ

Nhìn vào lịch sử lượng mưa kỷ lục hàng giờ ở Hong Kong, bà Chu cho biết trước đây từng có nhiều thập kỷ xảy ra các đợt mưa kỷ lục, nhưng khoảng cách giữa các kỷ lục đang thu hẹp nhanh chóng. Khi thế giới của chúng ta ấm lên, thời tiết khắc nghiệt kiểu chỉ xảy ra một lần trong đời đang trở nên thường xuyên hơn.

Trong khi đó, nhiều nơi ở châu Mỹ cũng bị ngập lụt. Brazil ghi nhận hơn 30 người chết vào trung tuần tháng 9 sau mưa lớn và lũ lụt ở bang Rio Grande do Sul - thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất xảy ra tại bang này trong 40 năm. Nhà khí tượng học người Brazil Maria Clara Sassaki nói rằng trong vòng một tuần, bang này đã nhận được lượng mưa trung bình dự kiến cho cả tháng 9.

Trong khi đó tại Mỹ, lễ hội Burning Man đã gây chú ý trên toàn thế giới sau khi một trận mưa lớn đổ bộ vào khu vực này, với hàng chục nghìn người tham dự được yêu cầu tiết kiệm thực phẩm và nước uống khi bị mắc kẹt ở sa mạc Nevada. Khu vực hẻo lánh bị ảnh hưởng bởi lượng mưa lên tới 0,8 inch, gấp khoảng hai lần lượng mưa trung bình trong tháng 9, chỉ trong 24 giờ.

Ở phía khác của đất nước, lũ lụt ở Massachusetts đã làm hư hại hàng trăm ngôi nhà, cơ sở kinh doanh và cơ sở hạ tầng bao gồm cầu, đập và đường sắt. Theo dữ liệu dịch vụ thời tiết, lượng mưa ở các vùng của Massachusetts và New Hampshire đã cao hơn 300% so với lượng bình thường.

Các chuyên gia cho biết nhiệt độ đại dương ấm kỷ lục đã thúc đẩy một mùa bão Đại Tây Dương hoạt động mạnh mẽ và không có dấu hiệu chậm lại. Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia, hơn 90% hiện tượng nóng lên trên toàn cầu trong 50 năm qua là xảy ra ở các đại dương. Theo Phil Klotzbach, nhà khoa học nghiên cứu tại Khoa Khoa học Khí quyển tại Đại học bang Colorado, điều đó có nghĩa là nhiều cơn bão có thể hình thành hơn mức có thể xảy ra trong một năm El Nio điển hình. Ngay cả những cơn bão suy yếu do thay đổi gió cũng có thể tồn tại và lấy lại sức mạnh khi tìm được điều kiện tốt hơn.

Tương lai của biến đổi khí hậu?

Các nhà khoa học cảnh báo rằng những dạng hiện tượng thời tiết cực đoan này, ảnh hưởng đến các quốc gia trên toàn thế giới, có thể ngày càng trở nên phổ biến khi khủng hoảng khí hậu gia tăng, gây áp lực lên các chính phủ phải chuẩn bị ứng phó. Chuyên gia Chu cho biết: “Sự nóng lên toàn cầu thực sự làm thay đổi các đặc tính của lượng mưa về tần suất, cường độ và thời gian của các yếu tố khác nhau bao gồm cả biến động khí hậu tự nhiên”.

Con số thiệt hại khổng lồ do lũ lụt cũng làm nổi bật nhu cầu cấp thiết của các chính phủ trong việc chuẩn bị cho thực tế mới này, cũng như cách mà các quốc gia nghèo hơn và xung đột phải đương đầu với thảm họa khí hậu. Bà Chu nói: “Các chính phủ phải sẵn sàng. Họ phải bắt đầu suy nghĩ về điều đó, bởi vì họ chưa bao giờ trải qua những sự kiện cực đoan như thế này trước đây”.

Petteri Taalas, người đứng đầu Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên hợp quốc, cho biết những cảnh báo tốt hơn có thể tránh được phần lớn thương vong ở Derna. Ông nói: “Nếu có một dịch vụ khí tượng hoạt động bình thường, họ sẽ đưa ra cảnh báo và việc quản lý khẩn cấp dịch vụ này sẽ có thể tiến hành sơ tán người dân và chúng tôi sẽ tránh được hầu hết thương vong về người”.

Các chuyên gia cho biết mặc dù các con đập thường được thiết kế để chống chọi với các hiện tượng tương đối khắc nghiệt, nhưng điều đó thường là chưa đủ. Chúng ta nên chuẩn bị cho những sự kiện bất ngờ, sau đó đặt vấn đề biến đổi khí hậu lên hàng đầu, và điều đó sẽ làm gia tăng những sự kiện bất ngờ này. Nguy cơ thời tiết cực đoan do khí hậu gây ra đối với cơ sở hạ tầng - không chỉ các con đập, mà mọi thứ từ các tòa nhà đến nguồn cung cấp nước - là vấn đề toàn cầu.

An Châu

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/mua-bao-lu-phai-chang-la-tuong-lai-cua-bien-doi-khi-hau--i707811/

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: