Hạn hán và quản lý nước yếu kém đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình ở Iran

Đăng ngày: 05-08-2021 | Lượt xem: 1033
Điều kiện khô hạn nhất trong 53 năm vừa qua đã khiến việc quản lý tài nguyên nước kém lâm vào khủng hoảng và châm ngòi cho các cuộc biểu tình chống chế độ.

Nguồn nước của Iran đã cạn kiệt do thiếu mưa, việc xây dựng các đập thủy điện và canh tác các sản phẩm cần nhiều nước như gạo, lúa mì và mía đường. Những người nông dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nước đang phải rời bỏ làng mạc của họ để đến sống trong những khu định cư bấp bênh ở ngoại ô các thành phố. Các cuộc biểu tình chống lại tình trạng thiếu nước này đã bắt đầu cách đây hai tuần ở tỉnh Khuzestan, miền tây nam nước này, bị bùng phát bởi một đợt nắng nóng với nhiệt độ lên tới 50°C. Tình trạng bất ổn đã lan sang các thành phố khác bao gồm cả thủ đô Tehran.

Các hồ chứa khô cạn nước do nước bị bốc hơi vì nhiệt độ nắng nóng quá cao

Các chuyên gia cho rằng sự thiếu năng lực và sự phối hợp giữa các cơ quan chính phủ đã khiến cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn và cần phải có một cuộc cải tổ toàn diện các quy định trong nhiều lĩnh vực. Nazemi, nghiên cứu viên tại Đại học Concordia ở Montreal, Canada, cho biết: “Biến đổi khí hậu là một tác nhân ở đây, nhưng các vấn đề môi trường nói chung và vấn đề nước ở Iran nói riêng là những vấn đề có nhiều nguyên nhân.”

Theo cơ quan khí tượng của Iran, nhiệt độ trung bình của nước này đã tăng 2oC kể từ những năm 1960, lượng mưa đã giảm 20% trong 20 năm qua và tháng 10 năm 2020 đến tháng 6 năm 2021 là thời kỳ khô hạn nhất trong 53 năm. Một nghiên cứu gần đây của Tạp chí Nature cho thấy xu hướng này sẽ tiếp tục. So với 1980-2004, giai đoạn 2025-2049 sẽ có các đợt nắng nóng, hạn hán và lũ lụt thường xuyên và nghiêm trọng hơn.

Hơn 90% nước của Iran được sử dụng cho nông nghiệp. Do các lệnh trừng phạt quốc tế, chính phủ muốn đất nước tự cung tự cấp và đã khuyến khích nông dân trồng các loại cây phụ thuộc nhiều vào nước như lúa mì, gạo và mía đường.

Banafsheh Keynoush, một chuyên gia về địa chính trị của khu vực cho hay “Các quan chức Iran đã thừa nhận rằng các hệ thống nông nghiệp và thủy lợi lạc hậu, cũng như các chính sách quản lý nước kém trong ba thập kỷ qua đã góp phần gây ra tình trạng thiếu nước trên toàn quốc”. Tình trạng thiếu nước càng trở nên tồi tệ hơn do việc xây dựng các đập thủy điện như đập trên sông Khuzestan’s Karun, con đập lớn nhất ở Iran. Nước đọng lại trong các hồ chứa và bốc hơi do sức nóng ngày càng gay gắt. Keynoush cho biết chính quyền đã xả nước từ những con đập này để giảm bớt tình trạng khan hiếm trước các cuộc biểu tình và 33 dự án cấp thoát nước mới đang được xây dựng trong tỉnh. Tuy nhiên, một số nguồn nước vẫn chưa được khai thác hoặc được chuyển đến các vùng khác của Iran. Nikahang Kowsar là một nhà địa chất người Iran cho hay những người chăn gia súc, chủ yếu từ cộng đồng Ả Rập Iran, đang vật lộn để giữ cho đàn trâu của họ sống sót.  

Quá trình tương tự ở phía bắc Syria đã khiến nhiều nông dân chuyển đến các thành phố vào những năm 2000. Lukas Ruettinger, cố vấn cấp cao tại Adelphi cho biết điều này đã góp phần dẫn đến các cuộc biểu tình đang diễn ra.

Biên dịch: Thanh Tâm

Link: https://www.climatechangenews.com/2021/07/28/drought-and-water-mismanagement-spark-deadly-protests-in-iran/

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: