Châu Âu vật lộn với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm

Đăng ngày: 15-08-2022 | Lượt xem: 2916
Những hồ chứa khô cạn và nứt nẻ ở Tây Ban Nha, mực nước giảm trên các con sông huyết mạch như Danube, Rhine hay sông Po, một trận hạn hán chưa từng có đang ảnh hưởng đến gần 3/4 số các quốc gia châu Âu.

Biến đổi khí hậu làm gia tăng sức nóng các cuộc khủng hoảng mà châu lục phải đối mặt, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh năng lượng, giá lương thực, dòng chảy thương mại và đa dạng sinh học.

Mực nước sông Rhine ở Đức thấp làm ảnh hưởng vận tải đường thủy, qua đó ảnh hưởng kinh tế nước này và châu Âu. Ảnh: Reuters

Mực nước sông Rhine ở Đức thấp làm ảnh hưởng vận tải đường thủy, qua đó ảnh hưởng kinh tế nước này và châu Âu. Ảnh: Reuters

Tại khắp các khu vực miền Tây, Trung và miền Nam châu Âu, 2 tháng vừa qua là những tháng tồi tệ nhất, với những đợt nắng nóng lên tới đỉnh điểm, trong khi lượng mưa cũng thấp nhất trong nhiều năm. Tại Anh - xứ sở của sương mù và những cơn mưa, hồi tuần này chính phủ đã phải chính thức tuyên bố hạn hán trên khắp miền Nam và miền Trung đất nước sau 150 ngày với ít hoặc không có mưa. Theo các chuyên gia, thời kỳ khô hạn của châu Âu dự kiến sẽ còn kéo dài và có thể sẽ là đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm.

Chuyên gia Florian Hortola tại Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia Pháp cho biết: "Trước đây, các đợt nắng nóng vẫn xảy ra, nhưng năm nay khá đặc biệt khi các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên và cường độ cao hơn. Đặc biệt trong tháng 7 chúng ta có 13 ngày nắng nóng và cũng tương tự như vậy trong tháng 6. Những đợt nắng nóng ngày càng kéo dài và thường xuyên hơn trong những năm gần đây và dự kiến sẽ còn tiếp tục trong những năm tới. Tất cả điều này đều liên quan đến sự nóng lên toàn cầu”.

Nắng nóng và hạn hán đang ảnh hưởng nặng nề đến các hệ thống năng lượng của châu Âu, làm tăng thêm tình trạng vốn đã rất nguy hiểm khi châu lục phải vật lộn với cuộc khủng hoảng khí đốt và bùng nổ giá điện. Mực nước sông và hồ thấp đang khiến các nhà máy thủy điện không thể hoạt động đủ công suất, trong khi các nhà máy điện hạt nhân không có nước để làm mát.

Trong báo cáo đánh giá thiệt hại đối với các nhà sản xuất hóa chất có trụ sở dọc sông Rhine - huyết mạch giao thông quan trọng nối Thụy Sĩ và các trung tâm công nghiệp của Đức với Biển Bắc, Moody's cho biết, một sự gián đoạn ở sông Rhine sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, với hiệu ứng domino ra khắp khu vực vào thời điểm cuộc xung đột ở Ukraine và đại dịch Covid-19 đang đẩy châu Âu đến bờ vực suy thoái.

Ông Christian Hellbach thuộc đơn vị quản lý vận chuyển tại sông Ranh cho biết: "Đối với vận tải biển, mực nước là rất quan trọng, quyết định một con tàu có thể tải được bao nhiêu. Mực nước sông Rhine xuống thấp bất thường khiến lượng hàng hóa chuyên chở bị hạn chế rất nhiều. Ở mực nước bình thường, một con tàu thường có thể tải 2,5 m hoặc thậm chí lên đến 4,5 m. Tuy nhiên hiện tại chúng chỉ có thể tải 2 m".

Biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm tình hình khi nhiệt độ nóng hơn làm tăng tốc độ bốc hơi, thực vật “khát” hút nhiều độ ẩm hơn, lượng tuyết rơi giảm vào mùa đông làm hạn chế nguồn cung cấp nước ngọt để tưới vào mùa hè, trong khi tốc độ mất đa dạng sinh học cũng diễn ra nhanh hơn.

Những tác động tổng hợp lên giao thông, năng lượng và nông nghiệp đang đẩy hóa đơn điện và giá cả hàng hóa cơ bản lên cao - làm gia tăng thảm họa lạm phát của châu Âu và những tác động về chính trị khi nhiều cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào mùa thu. Kết quả một cuộc khảo sát tại Pháp mới đây cho thấy, gần 80% người dân lo lắng về nắng nóng và hạn hán, và 70%, trong đó hơn một nửa là số người ủng hộ Tổng thống Emmanuel Macron, cho biết chính phủ đã không làm đủ để chống lại biến đổi khí hậu./.

Thu Hoài/VOV1 (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/chau-au-vat-lon-voi-dot-han-han-toi-te-nhat-trong-500-nam-post963262.vov

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: